Cuối tuần đi xem hát bội

20/12/2023

Chốn phong lưu hào hoa với hàng trăm hàng nghìn những điểm biểu diễn nghệ thuật sang trọng, nhưng chỉ có thể tìm thấy một đoàn hát bội với những khuôn mặt trang điểm kỳ dị đang diễn ở một sân khấu ngoài trời nơi gắn liền với di tích của ông Lê Văn Duyệt - một người rất yêu thích và có công gìn giữ, phát triển nghệ thuật hát bội ở phía Nam.

Cứ hai tuần một lần tại Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, số 01 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM lại nô nức với tiếng đàn hát cùng các nhân vật được hóa trang cầu kỳ trong những vở diễn. Điều đặc biệt là bên dưới ngoài những mái tóc đã nhuốm màu thời gian, ta dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt non nớt, hào hứng đắm chìm trong không gian của một loại hình nghệ thuật truyền thống: hát bội.

Sân khấu hát bội ngoài trời tại Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt.

Sân khấu hát bội ngoài trời tại Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt.

Phan Thành Đạt (nhiếp ảnh gia tự do tại TP.HCM) chia sẻ: "Là một người yêu thích văn hóa truyền thống, nên mình cũng hay tìm lịch diễn các loại hình nghệ thuật như hát bội, hồ quảng... để đến xem và tìm hiểu. Tình cờ mình biết được Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP. HCM có biểu diễn hàng tuần ở Lăng Ông Bà Chiểu nên quyết định đến xem. Một phần để hiểu hơn những tuồng tích cổ trong nghệ thuật hát bội, một phần đột nhập vào hậu trường để xem những người nghệ sĩ hóa trang, chuẩn bị ra sao, tìm hiểu quy trình một buổi biểu diễn hát bội vất vả như thế nào. Và hơn nữa, mình muốn ghi lại những bức ảnh thật đẹp về buổi biểu diễn và các nghệ sĩ để chia sẻ với mọi người".

Nơi gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống - hát bội duy nhất tại TP. Hồ Chí Minh.

Nơi gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống - hát bội duy nhất tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ nghệ thuật cung đình đến món ăn tinh thần dân gian

Hát bội, còn được gọi là hát bộ, hát tuồng đã có tuổi đời hơn nghìn năm. Từ bộ môn nghệ thuật thịnh hành trong cung vua, phủ chúa trải dài theo năm tháng từ Bắc vào Nam, hát bội nhanh chóng lan tỏa khắp chốn dân gian.

Chữ "bội" trong hát bội có nhiều cách lí giải. Trong cuốn "Đại Nam quốc âm tự vị" của học giả Huỳnh Tịnh Của giải thích, "bội" là trò bội, đám hát. Riêng học giả Trương Vĩnh Ký lại cho rằng, "bội" là bội bè, mang nghĩa nhiều người cùng tham diễn.

Về mặt nghệ thuật, hát bội mang tính ước lệ và tượng trưng cao, được xây dựng trên nền ngôn ngữ thâm thúy, chứa đựng triết lí sâu sắc. Diễn viên hát bội không chỉ biểu diễn qua từng bước chân và cử chỉ, mà còn thông qua những cái chỉ tay lên trời hay xuống đất, tất cả đều tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ để biểu thị những ý nghĩa cụ thể.

Trong hát bội,  tất cả đều tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ để biểu thị những ý nghĩa cụ thể.

Trong hát bội, tất cả đều tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ để biểu thị những ý nghĩa cụ thể.

Hát bội đặc biệt chú trọng đến mọi khía cạnh, từ nội dung cốt truyện cho đến cử chỉ biểu diễn, điệu bộ, lời ca tiếng hát và trang phục. Trong quá trình hóa trang, nghệ sĩ cần đảm bảo thần thái và màu sắc trên khuôn mặt phản ánh đầy đủ tính cách của nhân vật. Sử dụng các gam màu như đỏ, vàng, đen, trắng... không chỉ là một phần của trang phục, mà còn là biểu hiện của những đặc tính tâm lý hay tính cách của nhân vật, như "kép độc" hay "kép hiền".

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trong quá trình hóa trang, nghệ sĩ cần đảm bảo thần thái và màu sắc trên khuôn mặt phản ánh đầy đủ tính cách của nhân vật.

Trong quá trình hóa trang, nghệ sĩ cần đảm bảo thần thái và màu sắc trên khuôn mặt phản ánh đầy đủ tính cách của nhân vật.

Empty
Empty

Từ thế kỷ XI, hình thức hát xướng bắt đầu xuất hiện tại cung đình trong thời Tiền Lê, trở nên phổ biến vào thế kỷ XIII thời nhà Trần và đạt đỉnh cao từ thế kỷ XIX thời nhà Nguyễn. Trong lịch sử hát bội Việt Nam, hai tên tuổi nổi bật không thể không nhắc đến là Đào Duy Từ và Đào Tấn. Đào Duy Từ là người đầu tiên giới thiệu nghệ thuật tuồng cho triều Nguyễn, người đã đặt nền móng cho hát bội vào những năm đầu của thế kỷ XVII.

Khi hát bội phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XIX, Đào Tấn (1845 - 1907) đã góp phần quan trọng, sáng tạo nhiều tác phẩm xuất sắc, duy trì sự sống của hát bội cho đến ngày nay. Ông chú trọng phát triển hát bội theo hướng văn chương và dành cho tầng lớp trí thức cung đình. Tổng thể, hát bội không chỉ là một dạng nghệ thuật sân khấu mà còn là di sản văn hóa có tính chất ước lệ, thâm thúy và triết lý.

Càng đi vào phương Nam, hát bội ngày càng đi sâu vào trong đời sống dân gian. Là một người đam mê hát bội, tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) đã mang nghệ thuật này vào miền Nam. Với tâm tình phóng khoáng, ông không giới hạn hát bội chỉ dành cho giới trí thức hay thượng lưu, mà đã trả lại nó về cho dân gian. Ông loại bỏ những yếu tố phức tạp, lễ nghi đậm chất bác học của cung đình, đồng thời tiếp thu phong cách biểu diễn, âm nhạc từ cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ, kết hợp với tinh thần cởi mở của vùng đất mới, hát bội Nam Bộ đã dần hình thành nên những đặc trưng riêng: mạnh mẽ, đầy màu sắc, sôi động và phong cách vui tươi hơn.

Tại Nam Bộ, nơi có nhiều đình chùa, hát bội trở thành một phần quan trọng của các nghi lễ và đời sống tâm linh hàng ngày.

Tại Nam Bộ, nơi có nhiều đình chùa, hát bội trở thành một phần quan trọng của các nghi lễ và đời sống tâm linh hàng ngày.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, có lúc hát bội mất vị thế trong cung đình nhưng vẫn giữ được chỗ đứng trong dân gian. Đặc biệt là ở miền Nam, nơi có nhiều đình chùa, hát bội trở thành một phần quan trọng của các nghi lễ và đời sống tâm linh hàng ngày. Mỗi lễ cúng đình, cả làng nô nức kéo nhau đi xem hát bội, vui như trảy hội.

Hát bội thường tái hiện câu chuyện cổ, tôn vinh anh hùng và gửi gắm thông điệp về ngũ đức nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Điều này phản ánh một phần tư tưởng trong xã hội, như Phan Kế Bính mô tả trong "Việt Nam phong tục", thì hát bội "có ý kỷ niệm cái công đức trị dân phá giặc của người xưa, để làm gương cho các vua đời sau, và lột tả hết các tính tình của kẻ trung người nịnh, để làm gương cho thiên hạ...

Hát bội thường tái hiện câu chuyện cổ truyền, tôn vinh anh hùng và gửi gắm thông điệp về ngũ đức nhân - nghĩa - lễ - trí - tín.

Hát bội thường tái hiện câu chuyện cổ truyền, tôn vinh anh hùng và gửi gắm thông điệp về ngũ đức nhân - nghĩa - lễ - trí - tín.

Để dòng chảy hát bội gần hơn với người trẻ

Là một người có sự quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống nước nhà, đây không phải là lần đầu tiên Thành Đạt đi xem hát bội. Trước đó, anh đã từng có cơ hội được nghe đoàn hát bội do Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM tổ chức tại Thảo Cầm Viên. May mắn được vào trong cánh gà để chụp ảnh, giao lưu cùng các nghệ sĩ đã để lại trong Thành Đạt nhiều cảm xúc mới mẻ. Mặc dù những tuồng tích dài lớp lang, với những câu từ không đơn giản đôi khi khiến người xem không hiểu hết toàn bộ, nhưng càng đi xem, Thành Đạt lại càng thấy tò mò, thú vị và muốn tìm hiểu nhiều hơn.

"Theo mình được biết, nghệ thuật hát bội hiện tại khá kén khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ không còn biết nhiều đến nghệ thuật cổ truyền này nữa. Là một người yêu thích những loại hình văn hóa dân gian, mình không muốn hát bội bị lãng quên, mình cần có trách nhiệm bảo tồn nó dù là một phần nhỏ thôi nên muốn tìm hiểu nhiều hơn, để hiểu được những giá trị đặc sắc của hát bội", Thành Đạt tâm sự.

Empty
Empty

Vở diễn Thành Đạt xem tại Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt được phóng tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, cũng là một tác phẩm văn học mà anh rất thích. Chia sẻ với phóng viên, anh cho biết, các nghệ sĩ hóa trang rất chỉnh chu và công phu, diễn xuất nhập vai, dù là vai lớn hay nhỏ, đều khiến khán giả cảm nhận được sự tâm huyết, hết lòng với vai diễn của các nghệ sĩ. Đặc biệt, trong những buổi biểu diễn còn có phần giao lưu với khán giả qua những mini game đố vui. Nội dung gồm những thông tin về nghệ thuật hát bội, cùng với sự chỉ dẫn một vài động tác cơ bản của nghệ sĩ để các bạn trẻ có thể học hỏi, hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này.

Những nhạc công của đoàn hát bội.

Những nhạc công của đoàn hát bội.

Ngồi trong không gian của những tiếng đàn hát, nhìn những người nghệ sĩ đang ngày đêm cống hiến hết mình vì đam mê, vì nghệ thuật để bảo tồn loại hình văn hóa này, mới thêm yêu và hiểu hơn những giá trị tinh thần, văn hóa mà hát bội mang lại.

Thành Đạt bày tỏ: "Giữa thời đại các loại hình giải trí và thông tin ngày càng nhiều, hát bội dần trở nên mai một và ít được quan tâm. Vì vậy, những thế hệ tiếp theo cần biết trân trọng, cùng tiếp sức cho những người làm nghề. Các bạn trẻ yêu thích có thể đến xem buổi biểu diễn để ủng hộ tinh thần người nghệ sĩ. Nếu được, hãy chia sẻ đến bạn bè của mình cùng đi xem và lan tỏa tình yêu nghệ thuật hát bội đến với mọi người".

Hà Mai Trinh - Ảnh: Phan Thành Đạt
RELATED ARTICLES