Hà Nội lúc giao mùa đẹp mà lại làm ta dễ ươn người, nhạt miệng. Khi này, ăn miếng xôi cũng khó nuốt mà ăn bát phở cũng khó trôi. Phở chờ lạnh hẳn, ăn sẽ ngon miệng hơn. Một thức quà sáng vị ngọt, mềm đôi khi lại là lựa chọn dễ chịu nhất. Bên cạnh xôi cốm đã cuối vụ, thì chè kho thành món ăn khó thể bỏ qua.
Bạn muốn tìm một nơi bán chè kho ngon, vừa khó mà cũng chả khó gì. Chè kho không có địa chỉ có thể như bún ốc Gầm Cầu, phở Lý Quốc Sư hay xôi chè Bát Đàn… Cứ ra những khu chợ cóc ở khu phố, thể nào cũng tìm được gánh hàng rong bán chè kho kèm đủ loại thức quà làm từ nếp khác. Gần Tết Nguyên đán thì càng dễ, người ta tự phát đem cái bàn ra đầy xôi gấc, chè kho, gà luộc sẵn đủ cả. Chè kho, thứ chè ăn bằng đĩa cứ vậy trở thành một phần cuộc sống của thị dân Hà thành.
Ngon từ sự đơn giản
Miếng chè kho mềm, mượt, mát và ngọt thanh. Người nào hay ăn chè kho thường có gánh hàng rong ruột. Sáng ra đi làm dừng xe cái kịch, chỉ mất 15.000 đồng để cầm trên tay đĩa chè kho, kèm cái thìa nhỏ để đem đi làm. Ai ít ăn thì thường chờ đến ngày Tết, lúc đã no nê thịt cá, đem đĩa chè kho ra thưởng thức cùng ấm trà, lại thấy vị giác như mới mẻ, rộn ràng.
Chả ai biết rõ chè kho có từ khi nào, ai làm ra. Có vài tài liệu ghi chép lại rằng chè kho có từ thời vua Lý Nam Đế đắp thành chống giặc ở vùng hồ Điền Triệt (sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Dân làng đem chè kho lên tiếp tế. Món ăn đơn giản làm từ đậu xanh và đường nên để được lâu ngày. Sau này nhân dân dựng miếu để thờ Lý Nam Đế và mở tiệc vào ngày 24, 27 tháng 5 (âm lịch) hằng năm. Cỗ lúc nào cũng phải có món chè kho. Dần dà, trong mâm cỗ ngày Tết cũng có món này, trưng bày trên đĩa.
Vì sự đơn giản, dễ thưởng thức, chè kho sớm đã phổ biến. Nhưng để làm ra được mẻ chè kho ngon lại cần sự kỳ công, người chế biến phải chọn những hạt đậu xanh cả vỏ, có màu vàng đẹp mắt. Hạt có kích thước vừa và đều, cầm chắc tay để chè ngon hơn.
Qua nhiều công đoạn như đậu xanh trong chõ cho chín xong giã nhuyễn. Cho thêm nước thảo quả, nước đường đun sôi rồi quất đều. Đỗ đường dễ quện lấy nhau. Ngơi nghỉ một chút thì thành phẩm ra sẽ không được như ý. Chè chín phải mịn, thành hình không dính tay, vị ngọt nhẹ. Cuối cùng là múc chè đơm từng muỗng ra khuôn hay lá chuối đã tạo hình sẵn rồi cho lên đĩa và rắc thêm chút vừng vậy là đã hoàn thành.
Người Hà Nội xưa thường dùng chè kho để tiếp khách. Gia chủ khéo tay có thể đơm theo khuôn hình bông, chia nhỏ theo từng cánh. Nom mà vui mắt.
Chè kho từ gạo nếp
Nếu bạn không thích ăn đậu xanh, không sao, chè kho cũng được làm bằng gạo nếp dẻo. Món chè kho bằng gạo nếp thường được gọi là chè con ong. Gạo nếp kết hợp cùng gừng tươi sẽ làm bạn ấm bụng trong những ngày cuối năm thời tiết trở lạnh.
Chè con ong dẻo dính hơn, ăn bùi, đậm vị nếp, thơm mùi gừng. Nồi chè đượm màu đẹp mắt làm từ mật mía. Mật quyện đều hạt xôi thì mới dẻo, mềm và bóng loáng. Chè làm kiểu này vị thường ngọt hơn là chè kho từ đậu xanh.
Hạt nếu nấu xong bóng mẩy, sẫm màu như con ong. Nên người dân thường lấy tên là vậy cho bình dị. Món này cũng không khó để kiếm. Vẫn là những gánh hàng rong vỉa hè bán đủ loại thức quà mỗi sáng. Những người mua và người bán chả biết gì về nhau, nhưng chỉ cần thấy gánh hàng xa xa, lòng đã rộn rã, biết rằng sáng nay có thêm một món ngon để thưởng thức, phù hợp với thời tiết Hà Nội khi này.