Giống với nhiều thành phố khác tại Nhật Bản, Kyoto đang bước vào mùa cao điểm du lịch. Nhưng thay vì những chính sách khuyến khích du khách, mới đây, chính quyền thành phố Kyoto đã hủy loại vé xe buýt theo ngày nhằm giảm số du khách sử dụng loại hình giao thông công cộng này của thành phố, theo Asia Times.
Người dân bất bình dù hưởng lợi kinh tế
Người dân Kyoto đã trở nên mất kiên nhẫn trước tình trạng quá tải trên các phương tiện giao thông công cộng và phải xếp hàng chờ quá lâu.
Năm 2022, khoảng 80% cư dân Kyoto cho biết các phương tiện công cộng và đường phố đang quá tải khách du lịch. Hơn 75% người được hỏi bất bình với cách cư xử của du khách như xả rác bừa bãi, ăn uống khi đi bộ.
Số lượng du khách quốc tế ngày càng tăng gây sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố, cũng như cách ứng xử gây ra những khung cảnh không đẹp nơi công cộng.
Du lịch đóng một vai trò quan trọng với Kyoto. Năm 2018, thành phố này chào đón 52 triệu lượt du khách, kiếm về 8,7 tỷ USD, tương đương gần 20% GDP danh nghĩa.
Nhưng ngành du lịch cũng làm thay đổi nếp sống của thành phố, khiến người dân địa phương gặp khó khăn khi tìm nhà cho thuê, bởi chủ các căn hộ ưu tiên cho khách du lịch thuê ngắn ngày giúp mang về nhiều lợi nhuận hơn. Các cửa hiệu, nhà hàng cũng tập trung vào du khách.
Tháng 2/2020, ứng viên tranh cử chức thị trưởng thành phố là Shoei Murayama phát động chiến dịch lôi kéo cử tri với thông điệp "quá tải du lịch" gây hại cho Kyoto. Murayama không chiến thắng, nhưng chiến dịch này cũng cho tho thấy mức độ tranh cãi về vấn đề quá tải du lịch của Kyoto.
Sau khi Covid-19 xuất hiện, Nhật Bản đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2022, khiến ngành du lịch hoàn toàn tê liệt.
Trong 7 năm trước đó, từ 2013 tới trước Covid-19, số lượt du khách quốc tế tới thăm Nhật Bản đã tăng hơn 3 lần và đạt 32 triệu lượt người vào 2019.
Năm 2003, Bộ Giao thông Nhật Bản phát động chiến dịch "Ghé thăm Nhật Bản", sau đó Tokyo năm 2006 ban hành luật cơ bản nhằm thúc đẩy du lịch, qua đó biến ngành du lịch thành một trong những cột trụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước Mặt trời mọc. Năm 2008, Cơ quan Du lịch Nhật Bản được thành lập.
Năm 2019, khách du lịch tới Nhật Bản chi tiêu tổng cộng 32,1 tỷ USD, vượt quá doanh thu 26,8 tỷ USD từ xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn.
Du lịch phục hồi
Chính sách hạn chế di chuyển trong Covid-19 khiến ngành du lịch Nhật Bản gần như sụp đổ và cần cứu trợ từ chính phủ. Tokyo sau đó phải tung ra chiến dịch "Đi du lịch" nhằm thúc đẩy ngành du lịch và ngăn chặn nguy cơ các ngân hàng phá sản.
Tháng 9 vừa qua, số du khách tới Nhật Bản đạt 2,2 triệu lượt người, tương đương 96% mức trước đại dịch. Sự suy yếu của đồng yen so với USD và EUR thời gian qua giúp ngành du lịch phục hồi nhanh chóng.
Trong quý II, tổng chi tiêu của khách du lịch tới Nhật Bản đạt 8,2 tỷ USD, gần bằng số liệu của năm 2019. Mỗi du khách trung bình chi 1.338 USD, đạt chỉ tiêu mà nhà chức trách du lịch Nhật Bản đặt ra.
Theo chiến lược du lịch được chính phủ Nhật Bản phê duyệt hồi tháng 3, nước này đang tập trung thúc đẩy nhóm du khách giàu có chi tiêu nhiều hơn nhằm tăng tổng giá trị chi tiêu của du khách.
Du khách nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng, trong đó du khách từ Anh, Trung Quốc và Australia là nhóm hào phóng nhất.
Dẫu vậy năm nay, du khách Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại Nhật Bản trong thời gian nghỉ lễ quốc khánh, nguyên nhân bởi các tranh cãi sau khi Tokyo phê duyệt kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Okinawa là nơi chứng kiến rõ nhất tác động khi khách Trung Quốc quay lưng với Nhật Bản. Trong tháng 9, du khách tới thăm Okinawa chỉ đạt 50% so với mức trước đại dịch. Mùa hè vừa qua, Thống đốc Denny Tamaki đã tới thăm Trung Quốc nhằm vận động khôi phục các chuyến bay thẳng từ Bắc Kinh và Thượng Hải.
Tuy vậy, nhiều người dân Okinawa không hào hứng trước viễn cảnh làn sóng khách du lịch tấp nập trở lại. Cư dân địa phương phàn nàn việc du khách không tôn trọng văn hóa địa phương, dẫm đạp lên các thánh tích.
Keiichiro Nakamura, chủ một công ty lữ hành ở Okinawa, đã lập ra website nhằm giáo dục ý thức về hành vi ứng xử cho du khách tới thăm hòn đảo. Ông Nakamura cho biết mức độ hài lòng của người dân địa phương là điều kiện tiên quyết định đoạt sự thành công của ngành du lịch.