Triển lãm “Dưới gốc, mờ ảo hiện” của họa sĩ Vũ Trung và nghệ sĩ Nguyễn Trà Mi do Nam Nguyễn giám tuyển mang đến cho công chúng thưởng thức sự hòa quyện, kết nối giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại.
Dạo vào rừng hay trong những cảnh quan bát ngát, tự nhiên dần sẽ hé lộ những không gian của sự cộng sinh. Khi ta nghĩ về từ "gốc", nó gợi chúng ta liên tưởng đến: gốc cây, nguồn gốc vấn đề, chân tóc hoặc gốc gác của bản thân... Mỗi từ này đều hướng chỉ đến chiều sâu, nửa chìm nửa nổi hoặc giấu kín, thường trốn tránh sự nhận thức tức thời.
Tuy nhiên, theo sự nghịch lý nào đó, những khía cạnh giấu kín này lại trở thành sự bắt đầu, sự mở rộng, sự rơi xuống và sự hoàn tất của mọi thứ. Khi nào gốc có thể được ta được nhận biết, khám phá hoặc cảm nhận? Chúng ta ở đâu khi nhận ra chúng ta ở gốc?
Nhận xét về họa sĩ Vũ Trung, giám tuyển Nam Nguyễn cho rằng, hành trình nghệ thuật của Vũ Trung dẫn người họa sĩ đến với sự trừu tượng, mờ nhạt và có chút khô ráp, xa vời với những miêu tả chân thực. Vũ Trung đi tìm, trong tự nhiên và trong thiên nhiên những chủ thể vĩnh cửu để thể đưa vào tranh sơn mài của mình. Tác phẩm của anh lưu trữ bản chất, lột tả nguồn năng lượng của tự nhiên toả đến những môi trường xung quanh.
"Bằng kỹ thuật sơn mài, tranh của họa sĩ Vũ Trung định hình và ngưng đọng thời gian của cảnh quan. Chúng được chạm khắc, nhám nhưng chỉ để lại nhưng chi tiết vừa đủ, không tiết lộ bản chất của tự nhiên, mà mô tả khoảnh khắc các yếu tố của tự nhiên hòa mình vào nhau, tỏa sáng, trao đổi năng lượng hóa học và tiến hóa. Những nguyên tố này dường như đang trải qua thử thách của thời gian, sự uyển chuyển của dòng chảy và các quá trình oxy hóa. Chúng cùng hoà lại và tạo nên những câu chuyện thú vị về thị giác. Các tác phẩm của Vũ Trung dường như mở ra một góc nhìn ở góc độ hiển vi, đi xuyên qua vẻ ngoài ngoài của thiên nhiên", giám tuyển Nam Nguyễn nói.
Các tác phẩm của Nguyễn Trà Mi và Vũ Trung tưởng chừng đang ở hai thái cực đối lập, nhưng lại tạo nên những cuộc đối thoại thú vị giữa truyền thống và nghề nghiệp riêng của hai thế hệ nghệ sĩ. Những cuộc đối thoại này mang đến cho chúng ta một ngữ cảnh khác, khuyến khích ta quan sát và nhận thức không chỉ thế nào là nghệ thuật truyền thống mà còn mở rộng hàm nghĩa của nó đến bối cảnh hiện thời, khi mà những hình thức này dần trở thành mờ nhạt trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.
Còn với nghệ sĩ Nguyễn Trà Mi, giám tuyển Nam Nguyễn lại cho hay: "Rời khỏi tầng nghĩa vật lý, Nguyễn Trà Mi đi tìm đến 'gốc' trong chính bản thân mình. Sinh ra và lớn lên giữa hai thế giới khác biệt, cô trải nghiệm tính Việt thông qua cộng đồng hải ngoại. Đối với Trà Mi, đất nước là một điều gì luôn ở gần nhưng lại rất xa xôi. Khi làm gốm trở thành ngôn ngữ nghệ thuật của mình, cô dần tạo ra những tác phẩm tái dựng lại những hình ảnh mờ nhạt trong ký ức của cô về Việt Nam. Hình tượng, màu sắc lưu đọng lại trong lần cuối cùng về thăm gia đình khi chỉ là một đứa trẻ. Những vật dụng nhỏ, chi tiết giờ đã biến dạng được nặn lại thành khối, nung nóng, để rồi phủ lên và chén nén lại với nhau. Những vật dụng thường nhật như chiếc chén, mũi tên ít được sự quan tâm có vẻ tìm được vị trí thân thuộc trong tâm trí cô".
Họa sĩ Vũ Trung (1981, Hà Nội), tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (thạc sĩ ngành sơn mài truyền thống). Trong suốt sự nghiệp của mình, Vũ Trung tìm tòi các cách thử nghiệm và trung thành với sơn ta để vẽ nên những ý niệm về quang cảnh hư cấu, dựa trên những quan sát và cung bậc cảm xúc mà cuộc sống xung quanh mang lại cho anh.
Với anh, mối giao cảm giữa nghệ sĩ và phương tiện nghệ thuật nên là một cuộc đối thoại hai chiều. Anh chọn cách tôn trọng bản chất tự nhiên của chất liệu bằng cách lắng nghe và nương theo thay vì tìm cách kiểm soát hay thống trị nó. Một vài triển lãm tiêu biểu của Trung bao gồm: Vũ Trung: Sơn mài là sơn mài - 2018; Sự im lặng của các thiên thần - 2017; AIA Vietnam Eye - 2016; Trăm năm sau - 2015; Miền viễn tưởng - 2014.
Về nghệ sĩ Nguyễn Trà Mi (1994) là một nghệ sĩ người Đức gốc Việt hiện đang sống và làm việc tại Đức. Trà Mi nhận thấy mối liên kết sâu sắc với gốm từ năm 2015, khi cô bắt đầu học nghề làm gốm tại Trường Gốm Landshut. Ngay sau đó Mi đã theo học tại Landshut, Tại đây, cô được đào tạo để trở thành một nghệ nhân gốm. Hiện tại Trà Mi đang theo học nghành nghệ thuật tạo khối/ gốm tại Trường đại học nghệ thuật và thiết kế Burg Giebichenstein. Thực hành nghệ thuật của Trà Mi là sự khám phá đầy năng động đi qua các loại hình biểu đạt đa dạng như kí hoạ, các kĩ thuật in ấn và làm gốm sứ. Cô thường thu lượm, tái cấu trúc những vật dụng quen thuộc trong ký ức và tận hưởng việc khám phá những khả năng khác nhau trong từng chu trình tạo tác, từ ném, tạo khối, dựng mô hình, đến xử lý bề mặt, hoàn thiện.
Một số triển lãm tiêu biểu Trà Mi từng tham gia: Triển lãm bộ sưu tập của Tobias Wachter “Mimimi!“, Gallery Irrgang, Leipzig; Feste Luft, Pop Up Science, Dresden; Notes from Home, Tiff, Leipzig; Al2O3 2SiO2 2H2O.
Triển lãm “Dưới gốc, mờ ảo hiện” của Vũ Trung và Nguyễn Trà Mi diễn ra từ ngày 10/12/2023 - 4/2/2024 tại Gate Gate Gallery 55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội.