PGS.TS Trịnh Sinh
Đó chính là Venice, thiên đường dưới hạ giới với 117 hòn đảo, 177 kênh đào, 409 cây cầu và hơn 2300 bức tượng tròn của mọi thời đại với vẻ đẹp huyền ảo như trong chuyện cổ tích. Dạo bước nơi đây, du khách như lạc vào chốn bồng lại tiên cảnh với mây trời xanh ngăn ngắt của vùng Nam Âu hòa vào sóng nước xanh trong của Địa Trung Hải.
Ngược dòng lịch sử
Cách đây chừng 3000 năm, Venice từng là thủ phủ của vùng dân cư đông đúc do vị trí địa-chính quan trọng, cửa ngõ của một vùng giao thông và giao thương rộng lớn. Mỗi lát cắt thời gian trôi đi, nhưng cũng kịp để lại dấu ấn lịch sử được khắc họa và đọng lại trên mỗi công trình kiến trúc nơi đây. Rực rỡ nhất đối với Venice là thời Trung cổ và Phục Hưng. Khi đó thành phố này đóng vai trò đầu mối của tuyến đường biển xuyên lục địa. Con đường tơ lụa, ngũ cốc và gia vị từ Phương Đông, kể cả từ những nơi xa xăm là Trung Hoa cổ đại đã biến nơi đây thành Hải Cảng lớn, có lúc số thuyền lên tới hơn 3000 với hơn ba vạn thủy thủ, xứng đáng là trung tâm thương mại của vùng Nam Âu. Đây cũng là hải cảng cho nhiều cuộc Thập Tự Chinh giữa các quốc gia trong vùng. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17, các dấu ấn lịch sử còn thấy được khi đến thăm các kiến trúc và các công trình nghệ thuật Phục Hưng nơi đây. Do giao lưu rộng với cả thế giới Hồi Giáo nên nghệ thuật nơi đây còn mang thêm cả nét nghệ thuật đạo Hồi. Vào thời kỳ hưng thịnh của Venice, một loạt lâu đài mọc lên như nấm sau mưa, mang hơi thở của các dòng nghệ thuật pha trộn cả phương đông lẫn phương tây mà du khách ngày nay còn có dịp chiêm ngưỡng.
Một điều ngẫu nhiên của lịch sử hoặc bàn tay của chiến tranh ngần ngại tàn phá nơi đây, mà trong thế chiến thứ hai, bom đạn dữ dội ở vùng quanh đó, nhưng tuyệt nhiên Venice không bị tổn hại, nhờ đó các lâu đài, biệt thự vẫn còn đến tận ngày nay.
Kiến trúc độc đáo
Việc xây dựng thành phố biển Venice hết sức độc đáo, và chính điều đó tạo nên sự cuốn hút của nơi đây. Biển chứa nhiều khoáng vật, người ta đã đóng khá nhiều cọc gỗ làm chân móng. Dần dà, gỗ bị hóa thạch và cứng, chịu được sức mạnh của lớp móng và lâu đài phía trên. Do được xây dựng với nền móng đặc biệt như vậy nên các lâu đài có điều kiện vươn ra mặt biển, tạo ra kiểu kiến trúc nửa chìm nửa nổi của lâu đài mà ít vùng biển nào có được.
Venice còn nổi tiếng bởi hệ thống kênh đào có một không hai cùng mạng giao thông thủy chằng chịt, dòng kênh xanh, màu xanh của nước biển. Những con thuyền gỗ kiểu cổ mũi cong vươn lên ngạo nghễ, người ta gọi nó là gondola. Thứ phương tiện có từ khi khai sinh ra thành phố này được mọi người ưa chuộng, muốn cùng nó bồng bềnh lướt nhẹ trên các dòng kênh, dưới các cây cầu.
Gondola dài khoảng 11m, mũi hơi cong lên về phía trước. Khoang thuyền được chia thành những chỗ ngồi nhất định. Ban đầu gondola có những hình dáng và nhiều màu sắc khác nhau, nhưng về sau không biết vì lý do gì mà người ta thống nhất chỉ sơn một màu đen tuyền. Hiện nay, gondola chỉ dùng để phục vụ khách du lịch, đám cưới… Người Venice không đi bằng gondola mà đi “tàu buýt” và “tàu taxi”. Hai phương tiện này chỉ được phép chạy trên sông lớn, không được vào những kênh đào nhỏ trong thị thành và cũng có trạm chờ như xe buýt. Để đi lại trong Venice, mua một vé 10 euro là có thể đi khắp nơi bằng các phương tiện giao thông mà chủ yếu bằng thuyền trong vòng 24 giờ từ lúc dập vé.
Venice là thành phố duy nhất trên thế giới có nhiều cầu, nổi tiếng nhất là cầu Rialto. Rialto là cây cầu cổ xưa nhất bắc qua con kênh Grand, đồng thời cũng là một trong các công trình xây dựng nổi tiếng nhất của thành phố. Rialto được thiết kế bởi Antonio da Ponte, xây dựng và hoàn thành vào năm 1591, được sử dụng để thay thế cho một cây cầu gỗ bị sụp đổ vào năm 1524. Cầu Rialto đã trở thành một trong những biểu tượng của Venice.
Ở Venice, công trình kiến trúc được coi là biểu tượng chính là nhà thờ chính toà San Marco, thánh vật quốc gia của Cộng hòa Venice cho đến năm 1797 và từ năm 1807. Nơi đây đóng một vai trò trung tâm tinh thần quan trọng đối với người dân trong vùng. Trước San Marco là quảng trường cùng tên, trái tim của Venice, nơi tập trung du khách bốn phương đến tham quan, chụp hình. Tự bao giờ, nơi đây đã trở thành điểm hẹn của những chú bồ câu. Với một bịch bắp mua ở ven đường, du khách dễ dàng hòa mình với thiên nhiên trong những cảnh tượng hấp dẫn. Quảng trường có tháp chuông cao đến 99m, có thang máy lên đến đỉnh. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa bao quát toàn cảnh thành phố chằng chịt những con hẻm nhỏ.
Tại khu phố cổ Venice, nét đặc sắc văn hoá địa phương gây ấn tượng mạnh cho du khách được thể hiện qua từng con đường, từng góc phố, từng cửa hàng mua sắm... Ngoài trạm buýt và nhà ga chính bên ngoài, trong khu phố cổ vắng bóng tất cả phương tiện giao thông, dù là thô sơ nhất. Ở đây, người ta chỉ đi bộ trên những con phố nối dài, lúc cắt thành những khúc quẹo nhỏ, lúc lại vươn mình theo tiếng nhạc đâu đó của những người hát rong có thể dễ dàng bắt gặp trên khắp nẻo đường. Nơi đó, những nghệ sĩ đường phố và vô số mặt nạ rực rỡ đa màu sắc là một đặc sản của Venice.
Người Venice khéo làm du lịch
Nhiều thế kỷ trôi qua, Venice tạo được một thương hiệu du lịch nổi tiếng bậc nhất thế giới và bền vững cho đến tận ngày nay. Du khách đến đây không chỉ được ngắm các kiệt tác nghệ thuật kiến trúc được chắt lọc qua nhiều thời đại vẫn còn phô bày như thuở nào. Một cây tháp cổ, một cây cầu cong cong nối đôi bờ kênh cũng là nguyên bản của thời Phục Hưng, gợi nhớ một thoáng xa xôi những tao nhân mặc khách từng đến thăm nơi đây.
Người Italia cũng khéo làm du lịch, đã tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc sắc. Venice từng lôi kéo khách bằng việc biến nơi đây thành các trung tâm thời trang, trung tâm lễ hội, đặc biệt là mùa lễ hội Carnival độc đáo với hàng vạn người đeo mặt nạ diễu hành ngoài đường phố, trung tâm phim ảnh với các cuộc liên hoan phim Venice thu hút các ngôi sao điện ảnh muôn nơi…
Những điều bạn nên biết:
* Đến Venice, nếu bằng đường hàng không, từ Roma du khách sẽ bay đến sân bay Treviso cách Venice 30 km. Nếu đi bằng đường sắt cao tốc với tốc độ hơn 300 km/giờ, hãng Euro Star, từ Roma đến Venice trong vòng 3 giờ 30 phút, du khách sẽ được ngắm nét đẹp cổ kính của kiến trúc Italia và các cánh đồng xanh mướt hai bên đường.
* Bạn nên đến Venice vào mùa hè hoặc mùa thu, tránh được cái lạnh mùa đông và thấy được cái xanh biếc của trời biển Địa Trung Hải và sắc mầu của đủ loại hoa lá xứ này.
* Đến Venice, thay vì những chiếc taxi, tàu điện ngầm như ở các thành phố lớn khác thì bạn sẽ phải di chuyển bằng những chiếc gondola (thuyền Venice cổ), vaporetti hay những chiếc taxi nước và thuyền máy (waterbus)…
* Nếu chỉ có 1 hoặc 2 ngày thăm thú, bạn nên đi tầu du lịch với nhiều tuyến kênh và chạy vòng ra biển để thấy được những nét khái quát một Venice. Giá vé cũng chỉ khoảng hơn 10 euro một chuyến.
* Tiền thuê phòng khách sạn ở Venice cực đắt, vì thế, nếu đi du lịch “bụi”, du khách có thể lên tàu điện bánh sắt đến một vài vùng ngoại vi như thành phố Mestre để thuê phòng, giá sẽ rẻ hơn nhiều. Bạn còn có thể đến những khu trại ven biển, cảnh đẹp, khá tiện nghi mà giá cực rẻ, chỉ từ 15 euro.
* Nếu mang ngoại tệ như đô la Mỹ du khách nên đổi ngay tại thủ đô Roma, vì đến Venice, tỷ giá hối đoái sẽ bị giảm đi đáng kể.
* Một kinh nghiệm du lịch đường dài nữa. Đó là dịch vụ internet: nếu như ở tại sân bay của một nước châu Âu nào đó, nếu muốn tra internet thì phải trả tiền gấp nhiều lần giá bình thường. Tại khách sạn lớn cũng vậy. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm kiếm thì ngay tại Roma, vẫn có nhiều quán nét bình dân, giá cũng mềm như nhiều quán nét ở nước ta.