Vẻ đẹp dải ngân hà Việt Nam trong cuộc thi ảnh quốc tế

31/10/2021

Từ những bức ảnh đạt giải trong hạng mục Aerial Photography (chụp ảnh trên cao) tháng 5 vừa qua, đến hình ảnh ngân hà trên bầu trời đêm huyền diệu qua ống kính các nhiếp ảnh gia Việt dưới đây, ngắm nhìn chúng khiến ta vừa ngỡ ngàng vừa tự hào: đất nước mình hoá ra luôn có những khoảnh khắc đẹp và kì diệu như thế.

35AWARDS là cuộc thi ảnh quốc tế thường niên, được tổ chức lần đầu vào năm 2015 bởi đội ngũ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khắp thế giới. Mỗi năm, cuộc thi có 50 giám khảo đến từ 50 quốc gia khác nhau tham gia chấm điểm. Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm ra 100 tác phẩm xuất sắc nhất hàng năm ở nhiều hạng mục khác nhau. Kể từ năm 2017, 35AWARDS công bố thêm giải thưởng 100 nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất.

Năm 2021, hạng mục Milky Way (dải ngân hà) của 35AWARDS đã thu hút 1.622 tác giả với 3.623 tác phẩm dự thi, trên tổng số 281.400 bức ảnh đến từ 174 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những hình ảnh trong top sẽ được tích lũy để chấm ảnh giải chung cuộc của năm. Sau khi công bố kết quả, Việt Nam có một tác phẩm trong top 10 và 15 tác phẩm trong top 200 thuộc hạng mục này.

Hình ảnh đêm Gành Đèn tại Tuy An, Phú Yên của nhiếp ảnh gia Bùi Xuân Việt (Đồng Nai) là bức ảnh duy nhất của Việt Nam trong top 10 ảnh hạng mục Milky Way của 35AWARDS 2021.

Tác phẩm

Tác phẩm "Đêm tại Gành Đèn" của tác giả Bùi Xuân Việt

Tác giả Việt chia sẻ, từ nhỏ đã thích dải sáng mờ vắt ngang giữa trời khi ngắm sao trời, thời đó chưa ô nhiễm ánh sáng như bây giờ. Anh dành hơn một năm tự nghiên cứu và chụp những tấm hình đầu tiên của ngân hà, từng đứng hơn một tiếng giữa đêm ngoài trời -10 độ C trên cung đường Everest Base Camp năm 2019, chỉ để có một tấm ảnh hoàn hảo.

Khi chụp tấm ảnh trên, Bùi Xuân Việt đã mang cả chăn từ khách sạn ra ngoài khu vực hải đăng Gành Đèn, chọn bãi đá khô ráo, sau đó vừa chụp ảnh vừa ngắm sao.

Ngoài ra, Việt cũng có tác phẩm “Chạm vào sao Mộc” lọt top 200 ảnh dải ngân hà ấn tượng của 35AWARDS 2021. Ý tưởng về bức ảnh này đến khá tình cờ. Trong một chuyến đi chụp ở Đà Lạt vào tháng 3/2020, anh phát hiện sao Mộc có thể nằm ngay tầm tay tại khu vực đồi cỏ hồng, gần Đồi Trọc. Tuy nhiên, khi dải ngân hà và sao lên đủ cao thì trời hửng sáng, lúc đó ảnh chụp sẽ không được như ý. Một tháng sau đó, anh đã quay lại nơi này để chụp đúng thời điểm lý tưởng lúc 3h sáng.

Tác phẩm “Chạm vào sao Mộc”

Tác phẩm “Chạm vào sao Mộc”

Bãi biển Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 65 km là một địa điểm chụp ảnh ngân hà ưa thích của nhà nhiếp ảnh Phan Nhật Đăng Thư, có độ nhiễu sáng tương đối thấp và đa dạng tiền cảnh. Thư cho biết, quá trình chụp bức ảnh này có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Khi anh đến nơi đã là 4h30’ sáng, nên phải nhanh chóng di chuyển đến địa điểm chụp, vì trễ quá thì ánh sáng hừng đông sẽ nhiễu nặng. Anh phải băng vội qua một bãi bùn khi thủy triều vừa rút, bùn lún tới đầu gối và xung quanh có rất nhiều muỗi vo ve. Tuy có ít thời gian và di chuyển vất vả, nhưng cuối cùng anh đã kịp thời chụp được bức ảnh chiếc thuyền đúng khoảnh khắc khi hừng đông gần ló rạng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bức ảnh chụp bãi biển Tân Thành

Bức ảnh chụp bãi biển Tân Thành

Trong khi đó, bãi biển Tân Thành cũng là địa điểm anh Chu Thiện Sơn (thành phố Hồ Chí Minh) lần đầu tiên đi chụp dải ngân hà cùng bạn bè. Tại đây, anh đã chụp được bức ảnh lọt top 200 hạng mục Milky Way 35AWARDS 2021, với tiền cảnh là chòi canh ngêu của ngư dân. “Tôi khá bỡ ngỡ và háo hức với thể loại ảnh này, được các anh em giúp đỡ hướng dẫn cách chụp rất nhiều” - Sơn nói.

Bức ảnh chụp chòi ngư dân tại Tân Thành

Bức ảnh chụp chòi ngư dân tại Tân Thành

Chu Thiện Sơn cũng có một tác phẩm khác chụp tại Kê Gà, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Trong bức ảnh, ngọn hải đăng Kê Gà trên hòn Bà - hòn đảo đẹp nhất Bình Thuận - rực sáng trên mặt đất, như đối lập với dải ngân hà lung linh trên bầu trời. Anh nói, chụp được ảnh rõ nét như vậy vì đến Kê Gà đúng ngày rất ít tàu biển, và không có ánh sáng gây nhiễu từ các vườn trồng thanh long xung quanh.

Tác phẩm chụp dải ngân hà tại Kê Gà

Tác phẩm chụp dải ngân hà tại Kê Gà

Bức ảnh “Cây trâm cô đơn” tại thôn Gò Duối, xã Long Thành Nam, Tây Ninh được nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn (thành phố Hồ Chí Minh) chụp trong một dịp dẫn con trai về quê ngoại ở Tây Ninh. Muốn con được trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên dưới trời sao, Tuấn đã dựng lều và cùng cậu bé ngắm dải ngân hà bên cây trâm cô đơn, sau đó chụp được tác phẩm này.

Tác phẩm “Cây trâm cô đơn”

Tác phẩm “Cây trâm cô đơn”

Nhiếp ảnh trẻ Trương Hoài Vũ (Phú Yên), sinh viên trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn địa điểm chụp dải ngân hà là một hồ thủy điện cách xa thành phố Tuy Hòa, nơi không bị ảnh hưởng bởi các nguồn sáng nhân tạo. Vũ dùng kỹ thuật chụp toàn cảnh để có thể bao quát được khung cảnh, với bố cục ảnh có thân cây hình dáng cong theo chiều của dải ngân hà. Điểm nhấn của bức ảnh là những chiếc lều mang màu sắc tương phản với bầu trời đêm lạnh lẽo.

Hồ thủy điện về đêm dưới dải ngân hà

Hồ thủy điện về đêm dưới dải ngân hà

Ngoài ra, Vũ còn có một bức ảnh khác top 200 của 35AWARDS 2021, cũng chụp cảnh đêm tại hải đăng Gành Đèn.

Bức ảnh chụp cảnh đêm tại hải đăng Gành Đèn

Bức ảnh chụp cảnh đêm tại hải đăng Gành Đèn

Nguyễn Trọng Đợi, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn, Bình Định là một người đam mê nhiếp ảnh. Bức ảnh dự thi trong top hạng mục Milky Way của Đợi được chụp tại thác Hang Én (hay thác K50), tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K’Bang, Gia Lai.

Anh cho biết, để chụp bức ảnh này, ngoài việc chinh phục thác giữa đại ngàn Gia Lai, còn phải nắm được chu kỳ tuần trăng, theo dõi thời tiết, chọn điểm đặt máy và bố cục ảnh. Khi màn đêm buông xuống, xác định được thời gian dải ngân hà xuất hiện, anh bên trong “hầm thác” để chụp. Trời tối, di chuyển khó khăn vì trơn trượt, hơi nước của dòng thác gây cản trở lớn, nên anh phải có đồng đội đi cùng để hỗ trợ.

“Đến khi rời khỏi hầm thác và xem lại thành quả tác phẩm, những cảm xúc khó tả, những lời động viên nhau của chúng tôi hòa chung tiếng chảy ầm ĩ của dòng thác. Đó là một hành trình đáng nhớ” - Đợi nói.

Tác phẩm chụp dải ngân hà từ hầm thác Hang Én

Tác phẩm chụp dải ngân hà từ hầm thác Hang Én

Nhiếp ảnh trẻ Trần Văn Linh (Hà Nội) là một người đam mê du lịch, anh luôn muốn tận hưởng cảm giác yên bình xa phố xá đô thị. Trong thời gian gần đây, Linh đã chọn đồi chè Long Cốc, Phú Thọ và đồi chè trái tim Mộc Châu, Sơn La để cắm trại qua đêm và săn ảnh trời đêm.

“Cả hai địa điểm Long Cốc và Mộc Châu đều là nơi du lịch khá quen thuộc, nhưng đa phần mọi người chỉ ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn mà quên đi vẻ đẹp về đêm” - Linh chia sẻ, “Buổi chiều sau khi chụp cảnh hoàng hôn, tôi đã tìm trước vị trí để chụp dải ngân hà. Trong sương đêm lạnh, nhìn những ngôi sao vắt ngang qua đồi chè, tôi cảm giác như mình đang nằm giữa không gian của vũ trụ”.

Tác phẩm chụp tại đồi chè Long Cốc

Tác phẩm chụp tại đồi chè Long Cốc

Tác phẩm chụp tại đồi chè Mộc Châu

Tác phẩm chụp tại đồi chè Mộc Châu

Nhiếp ảnh gia Trần Anh Tuấn cũng có nhiều kỷ niệm khi chụp ảnh ngân hà tại bãi biển Đồng Châu, Thái Bình. “Tôi cùng các anh em di chuyển gần 200 km từ Hà Nội xuống. Đây là một trong số ít bãi biển còn hoang sơ tại miền Bắc. Chúng tôi thức suốt đêm bên bờ biển lạnh lẽo, giữa màn trời tối như hũ nút, có lần còn thụt xuống những hố cát dưới nước do trong đêm khó kiểm soát, suýt rơi cả máy xuống bãi bùn. Bù lại những lúc đó là cảm giác vui sướng khi đã chụp được trời đêm”, Tuấn nhớ lại.

Bức ảnh chụp tại bãi biển Đồng Châu

Bức ảnh chụp tại bãi biển Đồng Châu

Bức ảnh ruộng bậc thang Sáng Nhù dưới trời đêm, do nhiếp ảnh gia trẻ Hoàng Minh Hiếu (Hà Nội) thực hiện, cũng là tác phẩm trong top 100 của cuộc thi. Sáng Nhù thuộc Mù Cang Chải, Yên Bái là một trong những nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất Tây Bắc Việt Nam.

Tác phẩm

Tác phẩm "Ruộng bậc thang Sáng Nhù"

An - Ảnh: 365awards.com - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES