Đầu năm xông... nước đầm Chuồn

14/01/2022

Như thường lệ hàng năm, tôi thường chấm một điểm trên bản đồ du lịch để thăm thú khởi đầu cho năm mới. Năm nay, tôi chọn một điểm gần nhà để “xông đất” - nhưng nơi này không có đất, chỉ toàn nước lợ mà thôi - đầm Chuồn.

Chưa đi chưa biết đầm Chuồn…

Đầm Chuồn, điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tọa lạc tại xã Phú An, huyện Phú Vang, cách trung tâm TP Huế khoảng 15 km về phía Đông. Đầm thuộc khu vực làng Chuồn có tên là An Truyền, nhưng xưa nay người dân vẫn quen gọi làng Chuồn. (Nếu bạn xem trên Google Maps và thấy tên hai ngôi làng ở cùng một vùng này thì chúng chỉ là một thôi nhé!).

Trước khi đến đây, tôi được anh Trần Quang Hào - CEO của Huetourist và cũng là “chúa” ốc đảo Đầm Chuồn, sở hữu nhà hàng Chuon Lagoon, giới thiệu rằng: Phá Tam Giang xứ Huế đẹp vào buổi hoàng hôn, màu nước long lanh ánh vàng với những hình thù khác nhau sẽ hút hồn lữ khách phương xa. Đầm Chuồn là một phần của khu vực đầm phá mà khi đến đây, ngoài chiêm ngưỡng sự biến đổi sắc màu kỳ diệu của sóng nước, du khách còn được trải nghiệm làm ngư dân với các hoạt động thả lưới, đổ nò… Rồi khi tối đến, sẽ được nếm những món hải sản tươi ngon.

Anh còn “quảng cáo” thêm rằng tạo hóa đã ban tặng cho đầm Chuồn - kết hợp cùng với đầm Sam, Hà Trung và Thủy Tú - tạo nên một hệ thống đầm phá có diện tích mặt nước hơn 200 km2, góp phần không nhỏ trong việc mở rộng quy mô thành hệ thống đầm thủy sinh Tam Giang - Cầu Hai dài gần 70 km có diện tích bề mặt đạt kỉ lục đầm phá lớn nhất Đông Nam Á.

Empty

Đến bến thuyền để ra ốc đảo Đầm Chuồn, tôi được anh Sơn - một ngư dân đứng tuổi vùng này đón tiếp nồng hậu rồi đưa lên ca-nô dạo quanh đầm. Trong tiếng máy nổ lạch đạch, anh trầm ngâm chia sẻ rằng thông thường cứ sau mùa lụt ở miền Trung, nơi đây rộn ràng đón du khách còn thời điểm này do dịch bệnh nên du lịch ở Đầm Chuồn gần như chững lại. Đã lâu rồi, khung cảnh đầm Chuồn mới bình yên đến vậy, nên có tôi làm lữ khách khai… chân vịt đầu năm, anh rất phấn khởi.

Chiếc thuyền lướt nhẹ len qua những dãy cọc tre, điểm xuyết thêm vài ngôi nhà chồ và những dàn chắn sáo - hệ thống ngư cụ để ngư dân nuôi các hải sản trên đầm. Tôi được anh giải thích về nhà chồ là căn nhà lán rộng vài mét vuông được dựng từ tre lồ ô, vừa để ngư dân sinh hoạt vừa có thể là nơi du khách nghỉ đêm, ngắm trăng sao và ăn uống cùng họ. Tôi biết thêm về chắn sáo còn gọi vây ví, thế nào là đổ nò, rồi cách phân biệt cá bống, tôm đất tôm rào… Xa xa, những ngư dân vẫn lặng lẽ với công việc của mình trên đầm phá, nơi gắn bó với cuộc đời của họ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Ẩm thực đầm chuồn

Du lịch đầm Chuồn thông thường đông đúc vào tháng 4 đến tháng 7 hằng năm, là thời điểm bắt đầu mùa thu hoạch hải sản. Hơn nữa, tháng 7 âm lịch còn có lễ hội độc đáo do người dân địa phương tổ chức là lễ rước Tổ làng Chuồn.

Anh Sơn đưa tôi ghé vào nhà hàng Chuon Lagoon - một mô đất trồi lên giữa đầm được gọi là ốc đảo Đầm Chuồn. Nhà hàng có chiếc cầu đầy màu sắc và nhiều không gian để chụp hình check-in mới lạ. Anh Trần Quang Hào, chủ nhà hàng, khá chịu khó đầu tư về cảnh quan cho khách hàng chụp ảnh, "sống ảo", đặc biệt nhất với nguyên mẫu một chiếc tàu đánh cá lớn, rồi có cây… cô đơn giữa đầm, treo chuông gió treo bằng cá gỗ, xích đu gỗ dưới tán cây bàng biển, rồi có chiếc võng lớn nơi du khách có thể vừa nằm nghe nhạc vừa ngắm phá Tam Giang.

Du khách tham quan đầm Chuồn

Du khách tham quan đầm Chuồn

Khách check-in tại Đầm Chuồn Lagoon

Khách check-in tại Đầm Chuồn Lagoon

Anh Sơn giới thiệu về các loại thuỷ hải sản vùng đầm phá này như cá kình, cá dìa, cá móm, cá hanh, tôm sú, tôm đất, cua nước lợ… Đặc sản nổi tiếng nhất của Đầm Chuồn là cá kình. Đây là loại cá da trơn thân dẹp, sống theo đàn và đẻ trứng ở vùng nước lợ. Mùa khai thác cá kình vào giữa tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, lúc này cá trưởng thành vào mùa sinh sản nên thịt thơm béo, săn chắc và cá cái có thể mang nhiều trứng. Từ con cá này, người dân làng Chuồn chế biến ra các món ăn đặc sản địa phương như là bánh khoái (bánh xèo) cá kình, nấu cháo và canh chua cá kình. Cái ngon của cá khi chế biến đó là vị đăng đắng, beo béo mà theo người dân địa phương, chính cái mật cá đó tuy khó ăn nhưng là thần “ngư” dược sẽ giúp cho thực khách ngủ được ngon hơn.

Tôi còn được nếm thử món rong biển Thuận An chấm với nước sốt làm từ thịt rạm. Lần đầu tiên được chạm đũa món ăn này - quả thật, cái cảm giác rất thú vị với món ăn độc đáo này sẽ khiến tôi nhớ mãi!

Empty
Empty
Empty

Làng Chuồn còn nổi tiếng với một loại rượu ngon được thực khách gần xa cụng ly truyền miệng. Rượu làng Chuồn là đặc sản hiếm có một thời từng được tiến vua bởi rượu được chưng cất công phu từ nước sông Như Ý chảy qua làng Chuồn, gạo của làng, men được chế biến riêng và nấu từng mẻ trong các chum đồng cho ra dòng rượu tinh khiết đặc trưng thơm ngon, xứng danh vương tửu Cố Đô.

Nhấp một ngụm rượu làng Chuồn, cắn một miếng bánh xèo cá kình, hướng đôi mắt nhìn ra xa ngắm hoàng hôn buông xuống trên đầm Chuồn, chắc hẳn du khách nào trước khoảnh khắc này cũng sẽ có cảm giác thư thái đến tột cùng như tôi.

Chi tiết liên hệ:

Dịch vụ du lịch sinh thái Đầm Chuồn: Cồn Phường, Đầm Chuồn, huyện Phú Vang, TP Huế

Số điện thoại/ Zalo: 0913458464

Vinh Phan
RELATED ARTICLES