Theo phía TAB, nhóm nghiên cứu đề xuất "Thẻ thông hành xanh Việt Nam" nhằm đem lại sự yên tâm cho Chính phủ, chính quyền các địa phương; giúp doanh nghiệp và người dân mở cửa lại các công việc kinh doanh, đi lại để sớm phục hồi phát triển kinh tế.
Nhóm đề xuất dùng khái niệm "Thẻ thông hành xanh Việt Nam" thay cho "Hộ chiếu vaccine", để tránh cách hiểu chưa chính xác vì thẻ này cần thiết và quan trọng cho việc đi lại trong nước, chứ không phải chỉ xuất cảnh, nhập cảnh.
Nhóm nghiên cứu cho biết, các quốc gia trên thế giới đã cho phép người dân sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch, các hoạt động trong nước như tham gia sự kiện, ăn uống tại nhà hàng. Hiện nay đã có khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế triển khai các loại hình chứng nhận tiêm chủng cho mục đích nêu trên.
Theo đề xuất của TAB, "Thẻ thông hành xanh" nên được cấp miễn phí cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã đăng ký tạm trú tại Việt Nam. Thẻ này sẽ tích hợp thông tin định danh cá nhân; thông tin hộ chiếu (nếu có); thông tin y tế phòng dịch Covid-19, bao gồm: Chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận xét nghiệm vaccine, chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi nhiễm Covid-19. Ngoài ra còn các thông tin quy định y tế của các bộ, ngành, cấp chính quyền.
Thẻ có thể hiển thị mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy để người sử dụng trình ra khi yêu cầu. Mã QR hiển thị màu xanh, vàng, đỏ tương ứng lần lượt với cho phép, cho phép có hạn chế và không cho phép khi đến một địa điểm, dựa trên quy định của Bộ Y tế.
"Thẻ thông hành xanh Việt Nam" sẽ là cơ sở để mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc tham dự, sử dụng các dịch vụ như lễ hội, sự kiện thể thao, nhà hàng, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim. Công cụ này cũng tạo điều kiện cho người sở hữu đi công tác, du lịch đến các địa phương trong nước vẫn còn cần kiểm soát dịch bệnh; đi du lịch nước ngoài theo thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới.