Đến Ba Vì, Ăn Bánh, Uống Sữa & Nghỉ Dưỡng Kiểu Pháp (phần 1)

04/07/2017

Đẹp như một khu rừng cổ tích với những cung đường uốn lượn có tuổi đời cả một thế kỷ, Ba Vì dường như hoàn toàn tách biệt với hiện thực. Dễ hiểu, tại sao nơi đây, từ lâu đã là điểm cắm trại, nghỉ dưỡng lý tưởng của những người yêu thiên nhiên mỗi khi hè đến.

Text: Phan Các Trúc

Photos: Le Mont Ba Vì

Đến thăm xứ sở đồng quê

Cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 60km, khí hậu mát mẻ ngay cả vào những ngày nóng bức nhất của mùa hè, đường lên núi Ba Vì phủ đầy cây xanh, đâu đó lanh lảnh tiếng chim hót trong bụi mận. Vườn Quốc Gia Ba Vì là nơi bạn có thể lắng nghe âm thanh hùng vĩ mà đậm chất thơ của núi rừng, lắng nghe truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh từ những ngày lập quốc, chạm vào những tầng mây trên đỉnh thờ thánh Tản Viên – một trong tứ bất tử Việt Nam.

Trên chiếc xe van nhỏ hướng lên núi, người tài xế mắt nhìn chằm chằm phía trước, tay bẻ bánh lái điêu luyện qua những đoạn quanh co khúc khuỷu liền tù tì như chiếc xoắn ốc spiral trẻ con hay chơi những năm 90s. Những ai lần đầu tiên đến đây, sẽ ngạc nhiên trước cả một vương quốc thực vật với hơn 1,000 loại cây khác nhau, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: bách xanh, sến mật, phỉ ba mũi, dẻ tùng sọc trắng, hoa tiên, râu hùm, kim tuyến... thuộc Vườn Quốc Gia Ba Vì.

Trong đó thu hút giới trẻ nhiều nhất là vườm ươm thạch thảo và xương rồng với hơn 1200 giống xương rồng, nằm trong ngôi nhà kính đã bị bỏ hoang. Chẳng ai chăm sóc, xương rồng ở đây cứ thế mà gai góc tồn tại, trưởng thành, có những cây to cao khổng lồ bằng cả 2-3 người lớn. Mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm đẹp nhất cho những ngày camping bên lửa trại cùng gia đình, hoặc thư thả nghỉ dưỡng giữa mây và núi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nơi thời gian lắng đọng trong viên gạch cổ

Ba Vì không chỉ đẹp bởi câu truyện xưa về chàng Sơn Tinh, về nàng công chúa Ngọc Hoa, về nền văn hóa Văn Lang đời Vua Hùng thứ 18, nơi đây còn là nơi để bạn lần theo dấu tích của giọt thời gian. Đó là con đường 100 tuổi được xây dựng từ thời Indochina, là khu di tích lịch sử cách mạng ở cote 600m, khu biệt thự nghỉ dưỡng của các sĩ quan cao cấp thời Pháp thuộc ở cote 800m, các công trình xây dựng khác như nhà thờ đổ, bãi đỗ trực thăng, vườn hoa phong lan…

Đi từ Cầu Giấy đến Thị trấn Xuân Khanh, qua chợ Tam Mỹ khoảng 200m có lối rẽ trái vào đường bê tông lên vườn quốc gia Ba Vì.  Băng qua cote 400 đi thêm 1.5 Km tới ngã ba đi thẳng theo hướng dẫn “Khu di tích lịch sử cote 600” là tới LeMont Ba Vì.

Tôi đặc biệt thích cote 600. Ở cote 600, bạn có thể đến thăm khu dinh đại tá Pháp, gần như bị gỡ bỏ toàn bộ, nhưng vẫn còn đó bức tường đá bao quanh, ụ sung, nền nhà lát gạch bông tinh xảo. Những viên gạch bông có lớp men rất dầy, hoa văn tinh xảo đặc trưng của thời Pháp thuộc vẫn luôn là một trong những món quà đầy cảm hứng. Những người trẻ về sau thậm chí còn rủ nhau sưu tập gạch bông. Gạch bông vốn là một món hàng xa xỉ, chỉ có những cơ ngơi, dinh thự, cơ sở công quyền mới xài. Lát gạch xong, người thợ phải lấy cơm dừa nạo đổ lên nền gạch vài ngày cho dầu dừa thô thấm vào gạch, để nền gạch sáng bóng hơn. Gần một thế kỷ sau, những viên gạch còn sót lại vẫn cứ sáng và trong như ngày nào.

Cote 600 còn có LeMont Ba Vì – nơi cao nhất trong khu vực để bạn và gia đình nghỉ dưỡng trong không gian hoài cổ của những năm 1940s. LeMont, trong tiếng Pháp cổ, nghĩa là “Núi.” Đây là nơi duy nhất vẫn còn lưu giữ, phục chế lại rất nhiều các kiến trúc cổ cho du khách. Sáng mùa hè cuối tuần, bạn có thể đến đây để sưởi nắng, bơi lội trên hồ bơi sân thượng, hoặc đơn giản tận hưởng một ngày bình yêu giữa không gian dinh thự cũ, dạo bộ dọc theo tấm tường đá nâu đỏ của những năm Indochina. Le Mont Ba Vì là nơi vị khách lữ hành ngược dòng thời gian, khám phá nơi từng là khu nghỉ dưỡng, trại hè cao cấp dành cho con em sĩ quan Pháp, quý tộc và quan lại giữa  khu rừng tự nhiên với sồi, dẻ, phong lan dại. 

Tiếp tục phần 2:

https://vntravellive.com/news/den-ba-vi-an-banh-uong-sua-nghi-duong-kieu-phap-phan-2-13397.html

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES