Venice hiện ra đầy quyến rũ trong ngày thu với những gam màu rực rỡ của các món đồ thủy tinh, những món đồ thêu thủ công bằng ren đầy tinh tế. Và hơn hết thảy là cảm giác bồng bềnh, hạnh phúc như luôn đang yêu ở Venice.
Lạc bước trên phố kênh đào
Khi vừa bước ra khỏi sân ga Santa Lucia, tôi và bạn trai bất giác nhìn nhau mỉm cười bởi chúng tôi hiểu được lý do tại sao mọi người không thể khước từ nét mê hoặc ở Venice. Dưới nắng thu, sắc xanh óng ánh từ Kênh Lớn (Grand Canal), tiếng kéo vali rộn rã hòa lẫn tiếng cười nói của mọi người, mùi thức ăn thơm nồng từ các hàng quán xung quanh. Tất cả tạo nên cái chất riêng của Venice, rất thu hút nhưng không ồn ã.
Đầu tiên, chúng tôi dạo quanh Kênh Lớn bằng xe buýt nước (vaporetti) và dừng chân tham quan Dinh Tổng trấn (Palazzo Ducale) được xây dựng từ thế kỷ thứ 9. Chúng tôi bị choáng ngợp trước sự kỳ vĩ và lộng lẫy có thể nhận thấy ngay từ bên ngoài tòa nhà, với dãy hành lang bằng đá cẩm thạch cao chót vót theo kiểu kiến trúc Gothic. Ở cầu thang Người khổng lồ là hai bức tượng Thần Chiến tranh và Thần Biển. Phía bên trong được trang trí cầu kỳ bởi những bức bích họa lớn với những tác phẩm khắc gỗ trên trần nhà.
Gần đó là Vương Cung Thánh Đường San Marco (Basilica di San Marco) tráng lệ được xây dựng từ năm 829. Nơi đây hiện lên nổi bật bởi ngọn tháp bằng vàng, nên còn được người dân địa phương gọi là Nhà thờ Vàng (Chiesa d’Oro). Bạn sẽ cảm nhận được không gian nghệ thuật và điêu khắc đầy tinh tế, mang phong cách kiến trúc Byzantine với nét đặc trưng tiêu biểu là mái vòm hình tròn và được thiết kế theo hình chữ thập trong tiếng Hy Lạp.
Băng qua các cây cầu và vài quảng trường nhỏ, chúng tôi tìm đến nhà hàng Osteria Al Portego. Chúng tôi tận hưởng bữa trưa nhẹ nhàng với những món đặc trưng ở đây như sarde in saor - cá mòi chiên kèm với hành tây ngâm giấm táo và tỏi với baccalà alla vicentina - cá tuyết muối với cà chua, nụ bạch hoa và hành tây. Điều đặc biệt là chúng được chủ quán nấu với công thức có từ thế kỷ 17-18! Để thưởng thức món hải sản ngon miệng hơn, chúng tôi uống kèm với rượu vang trắng Prosecco. Nước Ý vốn nổi tiếng với pizza, spaghetti, pasta và lasagne… nên việc thử những món ăn khác giúp chúng tôi tìm hiểu và thưởng thức được trọn vẹn hơn ẩm thực nơi đây.
Một trong những điều bạn nên làm khi đến Venice là hãy dừng chân ghé lại nhà hàng Osteria Al Portego, tận hưởng những món đặc trưng ở đây và đặc biệt là chúng được chủ quán nấu với công thức có từ thế kỷ 17-18!
Sau bữa trưa, chúng tôi quyết định không sử dụng bản đồ mà khám phá Venice theo cách riêng. Chúng tôi cứ mải mê đi dọc theo các con đường thẳng xuyên qua các quảng trường lớn nhỏ, lang thang ngắm nhìn kiến trúc thành phố, những công trình La Mã với cột và vòm. Hiện ra trước mắt đầy mê hoặc là những ngôi nhà nhỏ với giàn hoa rực rỡ, các cửa hàng lưu niệm với những chiếc mặt nạ nhỏ xinh, những gói pasta nhiều màu sắc cùng những món đồ nghệ thuật tinh xảo, mùi pizza thơm lừng… Tất cả khiến người ta không thể không dừng lại, không thể ngừng trầm trồ về sự quyến rũ của Venice.
Dành một chút thời gian thư thả, chúng tôi ghé quán café Florian trên quảng trường Thánh Marco, tận hưởng buổi chiều nhẹ nhàng và ngắm nhìn mặt biển xanh biếc bên ngoài với những chiếc gondola bập bềnh trên sóng nước.
Chiều đến, chúng tôi ghé lại Harry’s Bar nhấm nháp spritz pha trộn giữa rượu vang trắng Prosecco với nước khoáng có ga và gọi món carpaccio nổi tiếng do chủ quán Giuseppe Cipriani sáng tạo ra và phổ biến. Đây là món ăn sống với những lát thịt bò hoặc cá hồi thái mỏng được bày trên đĩa cùng với chanh, dầu ô liu và những lát nấm truffle hoặc phô mai Parmesan.
Venise trong thời khắc màn đêm xuống dường như lung linh, huyền ảo hơn với tiếng sóng vỗ nhè nhẹ. Những bước chân cũng không vội vã nữa, mà chậm lại một chút như để dành thời gian cho nhau. Bởi Venice chính là nơi đến để yêu.
Khám phá tuyệt tác nghệ thuật thủy tinh
Từ Venice đi xe buýt nước qua đảo Murano, chúng tôi háo hức tìm hiểu về nghệ thuật chế tác thủy tinh thủ công bằng cách thổi những khối thủy tinh dưới sức nóng 2000oC có từ thế kỷ thứ 10. Nghệ thuật độc đáo này dùng kỹ thuật nung chảy cát, đá vôi để lấy nguyên liệu thổi nên những kiệt tác bằng thủy tinh.
Những xưởng thủy tinh này ban đầu đặt ngay trong lòng thành phố Venice. Sau đó, đảo Murano đã nổi tiếng khắp thế giới từ thế kỷ 13 với nghệ thuật tinh xảo này. Khi đến đây, chúng tôi đã có dịp chứng kiến những nghệ nhân biểu diễn tạo hình sản phẩm từ thủy tinh với nhiều loại nguyên liệu để cho ra những tác phẩm thủy tinh đầy sắc màu lung linh từ những lọ hoa, khung hình… đến những món đồ trang sức đa dạng.
Ở Murano, không gian không quá náo nhiệt như ở Venice, nên chúng tôi rảo bước thong dong qua những con hẻm nhỏ rồi chọn một nhà hàng địa phương gần con kênh. Chúng tôi gọi món bagna cauda – cá cơm muối sốt tỏi và dầu ô liu với risotto alla milanese – cơm Ý hải sản với nghệ tây, kèm vài lát bruschetta – bánh mì nướng phết với patê hoặc phômai. Nhâm nhi bữa trưa với chút vang trắng trong làn gió biển mát dịu giữa mùa thu, còn gì tuyệt vời hơn thế với cảm giác thư thái giữa lòng thành phố tình yêu Venice.
Sau đó, chúng tôi tìm đến hòn đảo cố tích Burano với những ngôi nhà nhiều màu sắc rực rỡ, cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên với bất cứ ai đặt chân đến. Burano mang đến cảm giác vô ưu khiến cuộc sống trở nên thi vị và bình yên hơn. Tương tự Venice và các hòn đảo khác, các con phố nhỏ ở đây được nối với nhau bằng những chiếc cầu lớn nhỏ, bắc ngang qua các con kênh xanh biếc. Phương tiện di chuyển ở đây chính là thuyền, được neo đậu trước cửa nhà mỗi người. Mặc dù không có những công trình kiến trúc đồ sộ, đặc sắc nhưng những ngôi nhà nhỏ đủ màu sắc dọc theo con kênh cùng nghệ thuật thêu ren từ thế kỷ thứ 16 là điểm thu hút ấn tượng khiến du khách luôn muốn quay lại Burano.
Trở lại Venice sau một ngày dài, ngắm nhìn dòng người ngược xuôi qua cây cầu Ponte Degli Scalzi, tôi bỗng chốc muốn thời gian của chuyến đi được kéo dài thêm để có thể khám phá trọn vẹn Venice. Mỗi ngày trôi đi, Venice sẽ lại có một cách riêng để làm mới mình và níu chân du khách. Không chỉ có những điểm tham quan nổi tiếng, nền ẩm thực tinh tế, Venice còn có những giây phút bình yên, lắng đọng mang đến cảm xúc nhẹ nhàng, là chất xúc tác cho tình yêu thăng hoa.
Venice có những giây phút bình yên, lắng đọng mang đến cảm xúc nhẹ nhàng, là chất xúc tác cho tình yêu thăng hoa.
Thông tin thêm:
+ Hành trình: Từ Hà Nội hoặc TP.HCM, bạn có thể bay với các hãng hàng không Emirates, Qatar Airways, Turkish Airlines, Air France, nối chuyến đến sân bay Marco Polo Venizia ở đất liền gần Venice. Sau đó đi tàu thủy (có 3 tuyến của Alilaguna) từ sân bay đến Venice, giá vé từ 16 Euro/lượt. Hoặc bay đến Milan rồi đi xe lửa đến Venice (nhà gaVenezia Santa Lucia ở phía tây của Venice, để tránh nhầm lẫn với ga Venezia Mestre) hơn 2 tiếng rưỡi, giá vé 37,5 Euro/lượt.
+ Dịch vụ water bus: 20 Euro/ngày, 30 Euro/2 ngày, 40 Euro/3 ngày, 60 Euro/7 ngày cho travel card, tùy lịch trình mà bạn có thể chọn loại vé phù hợp.
+ Những điểm tham quan khác:
-Khu bảo tồn thiên nhiên ở Torcello (gần Burano) và nghệ thật tranh khảm mosaic với những tác phẩm tuyệt đẹp ở nhà thờ Santa Maria Assunta có từ thế kỷ thứ 7.
-Museo Correr: Để tìm hiểu thêm về lịch sử Venice thông qua các tài liệu và tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở bảo tàng với lối kiến trúc Tân cổ điển.
-Opera de Venice: Thưởng thức nhạc kịch (giá vé từ 22 Euro đến 85 Euro tùy suất diễn).
-La Toletta: Nếu bạn thích sách và những món đồ văn phòng phẩm lạ xinh, bạn có thể ghé đến nhà sách La Toletta, có từ năm 1933.
+ Trải nghiệm ẩm thực: Hãy đến khu chợ hải sản địa phương Rialto Market. Tại đây, bạn có thể quan sát việc mua bán của người dân nơi đây và thử vài món cicchetti, những món ăn nhẹ như folpeto (bạch tuộc luộc kèm nước sốt chanh với ôliu), polpette (thịt bê viên với khoai tây), hoặc những lát bánh mì nướng với phô mai mozzarella... Bạn có thể uống kèm với chút cocktail.
+ Khách sạn: Giá trung bình từ 40 Euro/đêm. Bạn nên đặt phòng trước chuyến đi vài tháng vì các khách sạn ở trung tâm Venice luôn mau hết phòng và giá sẽ khá cao. Tuy nhiên bạn cũng có thể chọn ở Venice Mestre (cách Venice khoảng 15 phút đi xe buýt hoặc tram) với giá rẻ hơn.
Bài và ảnh: Lê Châu