Những điều bạn cần biết về "hộ chiếu vaccine"

28/06/2021

Khái niệm "hộ chiếu vaccine" không phải là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhiều thập kỷ, một số quốc gia đã yêu cầu người nhập cảnh xuất trình "thẻ vàng" chứng minh họ đã tiêm phòng các bệnh dịch tả, rubella, sốt vàng da.

Khái niệm “Hộ chiếu vaccine”

Hộ chiếu vaccine được hiểu là những chứng nhận y tế chứng minh một cá nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc chứng nhận đã miễn dịch với Covid-19, qua đó được tự do đi lại để kích cầu ngành du lịch trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát triệt để.

Hộ chiếu vaccine có thể được cấp dưới dạng mã QR lưu trữ trên ứng dụng điện thoại hoặc ví điện tử.

Empty

Hộ chiếu vaccine được triển khai như thế nào?

Trước nhu cầu cấp thiết nối lại hoạt động giao thương - đi lại trên toàn cầu, một số quốc gia - tổ chức đã áp dụng thử nghiệm những công cụ chứng nhận an toàn với Covid-19 bằng phương thức số hóa thông qua những tên gọi khác nhau.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã phát triển một công cụ thẻ thông hành số có tên là Digital Travel Pass. Đây là thẻ quản lý lịch trình đi lại của chủ sở hữu và chứng minh cho cơ quan thẩm quyền, hãng hàng không biết họ đã tiêm vaccine phòng Covid-19.

Empty

Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã lên kế hoạch cấp một loại thẻ có tên là Digital Green Pass (Thẻ xanh điện tử) để chứng nhận một cá nhân đã được tiêm vaccine - cung cấp kết quả xét nghiệm nếu chưa tiêm chủng và cả thông tin khỏi bệnh nếu từng mắc Covid-19, với mục đích dần dần cho phép người dân di chuyển an toàn trong khối liên minh EU hoặc nước ngoài phục vụ mục đích công việc hoặc du lịch.

Trong khi đó, Common Pass là thẻ thông hành chung đang được WEF - Diễn đàn kinh tế thế giới và Common Project - một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ áp dụng thử nghiệm. Mã QR trong ứng dụng giúp cung cấp thông tin về xét nghiệm - vaccine cho các nhà chức trách khi cần thiết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tập đoàn máy tính quốc tế IBM thì đã đưa Digital Health Pass (Thẻ thông hành y tế số) vào áp dụng như một giải pháp tích hợp đa dữ liệu về kiểm tra thân nhiệt, cảnh báo phơi nhiễm virus, kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm vaccine phòng ngừa. IBM cho biết thẻ này sẽ giúp mọi người thuận tiện đi lại ở trường học, nơi làm việc, sân vận động hay các chuyến bay…

Empty

Theo UNWTO - Tổ chức Du lịch thế giới, việc áp dụng chứng nhận đã tiêm phòng vaccine Covid-19 là bước đi quan trọng giúp thế giới ứng phó với đại dịch, thúc đẩy tái khởi động an toàn hoạt động du lịch quốc tế. Đồng thời UNWTO cũng kêu gọi thúc đẩy quá trình số hóa - tiêu chuẩn hóa chứng nhận y tế để được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.

Trong lịch sử nhân loại, việc trình giấy tờ chứng minh mình đã được tiêm phòng vaccine để tham gia một hoạt động nào đó hoặc nhập cảnh vào một quốc gia không phải là chưa từng có. Nhiều thập kỷ, một số quốc gia đã yêu cầu người nhập cảnh xuất trình “thẻ vàng” chứng minh họ đã tiêm phòng các bệnh dịch tả, rubella, sốt vàng da.

Thách thức đối với "hộ chiếu vaccine"

Hiện trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề áp dụng "hộ chiếu vaccine". Tổ chức Y tế Thế giới WHO kêu gọi các nước cần phải thận trọng trong việc xem tiêm chủng như một điều kiện để di du lịch quốc tế. Bởi vẫn chưa thể đánh giá rõ ràng hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa dịch bệnh - đồng thời nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu còn hạn chế.

Empty

Trước đây, để nghiên cứu ra một loại vaccine, chúng ta cần ít nhất là 4-5 năm trong khi vaccine phòng Covid-19 mới chỉ được nghiên cứu - cấp phép khẩn cấp chưa đầy 1 năm. Vì thế, sẽ tồn tại một số vấn đề như: vaccine khác nhau thì hiệu lực bảo vệ khác nhau; có vaccine chỉ giảm triệu chứng, mức độ nặng của bệnh - chưa biết giảm lây nhiễm như thế nào; chưa thể chắc chắn kháng thể sẽ tồn tại trong cơ thể bao lâu…

Bên cạnh đó, virus SAR-coV-2 còn biến đổi liên tục nên có thể vaccine sẽ không hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới. Và cũng không loại trừ khả năng xuất hiện “hộ chiếu vaccine giả”. Do đó mà việc triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" vẫn là một thách thức đối với các quốc gia.

Trên thực tế, để "hộ chiếu vaccine" trở thành tấm thẻ thông hành hợp lệ cần phải có một nền tảng tiêu chuẩn hóa cho toàn thế giới. Hiện WHO đang phối hợp với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế phát triển các tiêu chuẩn chung cho hộ chiếu vaccine.

"HỘ CHIẾU VACCINE" TẠI VIỆT NAM

vaccine passport 5

Thời gian gần đây, trong số những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, có người đã có “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nước ta vẫn chưa có sự thay đổi trong công tác phòng chống dịch nên người nhập cảnh có chứng nhận đã tiêm phòng vaccine vẫn phải cách ly theo thời gian quy định.

Hiện tại chỉ có Phú Quốc (Kiên Giang) đang được thí điểm chương trình “Hộ chiếu vaccine". Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị cho phép Kiên Giang thực hiện thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiên vaccine phòng Covid-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình "Du lịch cách ly khép kín", thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó, tỉnh sẽ đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19.

Quảng Ninh cũng mở cửa đối với các du khách đã tiêm phòng, tuy nhiên tỉnh này sẽ sẽ thực hiện thí điểm cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với những người nhập cảnh và sẽ nghiên cứu giảm dần thời gian cách ly trong tương lai.

Bá Di - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES