Độc đáo âm nhạc dân tộc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc tế

05/08/2014

Với những giá trị nổi bật, những Di sản Văn hóa Phi vật thể dân tộc tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia trong khu vực và thế giới.

1.     Nhã nhạc Cung đình Huế

Đây là loại hình âm nhạc chính thống mang 3 yếu tố: nhạc, múa và hát, trong đó nhạc và múa chiếm tỉ lệ cao hơn, được xem là quốc nhạc, có tuổi đời gần 1000 năm, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Có thể nói âm nhạc cung đình Huế là sự kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình Thăng Long đã được xây dựng từ nhiều thế kỉ trước, và là một loại hình nghệ thuật độc đáo, bác học của Việt Nam.

2. Quan họ

Dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời, do cộng đồng người Kinh ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáng tạo nên. Nét đặc trưng của Quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.  

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

3. Ca trù

Ca trù được coi là dòng nhạc bác học tại Việt Nam xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ XV. Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt, đó là: Đàn đáy, phách và trống chầu. Ba nhạc cụ cơ bản này gắn liền với ba nhân vật quan trọng trong một cuộc hát, đó là: Kép (nam giới) - nhạc công chuyên chơi đàn đáy; đào nương - ả đào (nữ giới) - hát và gõ phách và quan viên cầm chầu là người đánh trống.

4. Hát Xoan

Hát Xoan – một loại hình dân ca lễ nghi phong tục hội tụ đa yếu tố nghệ thuật: nhạc, hát, múa... của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan là tên gọi khác (nói chệch) của hai từ Hát Xuân hay Ca Xuân; là lối hát dùng trong nghi lễ, phong tục, lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Mở đầu là hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; tiếp theo là hát quả cách - hát những bài hát chúc vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; cuối cùng là hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng.

5. Đờn ca tài tử

Theo tài liệu lịch sử ghi lại thì Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Trong đó chữ tài tử có nghĩa là người chơi nhạc có tài, có năng khiếu, có hiểu biết về nhạc cổ. Đờn ca tài tử được du nhập vào miền Nam từ cuối thế kỷ XIX. Ban đầu chỉ có đờn, về sau này mới xuất hiện thêm hình thức ca dần dần gọi thành đờn ca. Đờn ca tài tử đặc biệt ở chỗ thường được biểu diễn ngẫu hứng, dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Sự khác biệt này khiến cho người nghe luôn cảm thấy mới lạ dù nghe cùng một bài.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES