Đón Giáng Sinh ngập nắng trên đất Úc

29/12/2016

Những bữa tiệc Noel ấm cúng kiểu Âu châu bên lò sưởi, với gà tây đút lò, thịt lợn muối và bánh pudding hầu như vắng bóng trong các gia đình Úc. Bù lại, xứ sở chuột túi đón Giáng sinh theo cách rất riêng, với món tôm nướng, quả cherry chín mọng và những bãi tắm chật cứng người.

Do vị trí địa lý đặc thù phía Nam bán cầu nên Giáng sinh ở Úc rơi vào khoảng giữa mùa hè, với nhiệt độ có khi lên đến 30-40 độ C. Đây là một trong những kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm tại Úc, kéo dài từ đêm 24/12 đến hết ngày 1/1 năm mới. Một số sở làm thậm chí còn cho nhân viên nghỉ tròn 2 tuần. Người Úc dành thời điểm này để nghỉ ngơi, du lịch, và dĩ nhiên không thể thiếu thú vui mua sắm. 

 

 

Dù bạn có theo đạo Thiên Chúa giáo hay không, thì Giáng sinh vẫn là một dịp rất đáng hân hoan, bởi hàng loạt nhãn hàng, thương xá tại Úc sẽ giảm giá mạnh tay trong suốt kỳ lễ, mà đỉnh điểm là Boxing Day, ngày 26/12. Đây cũng là một trong những đợt săn hàng lớn nhất trong năm tại Úc, sau đợt mua sắm cuối tháng Sáu (cuối năm tài khoá). Người dân địa phương sẽ nô nức xếp thành những hàng dài để mua hàng của các thương hiệu nổi tiếng như Zara, Topshop, Timberland…  với giá có khi chỉ bằng một nửa giá thường ngày.

 

 

Đặc biệt, tại thương xá Myer ở Melbourne và David Jones ở Sydney, như đã thành lệ, kể từ năm 1956, các cửa sổ lớn của hai thương xá này đều trang hoàng những mô hình kỳ công và bắt mắt, mô phỏng những câu chuyện liên quan đến Giáng sinh như A Christmas Carol, The 12 Days of Christmas và How the Grinch Stole Christmas. Những năm gần đây, thay vì đơn thuần bắt chước những hình tượng truyền thống của Noel xứ lạnh như cây thông, tuyết trắng, tuần lộc,… hai thương xá này đã bắt đầu sử dụng những yếu tố địa phương như biển xanh, nắng vàng và rừng nhiệt đới. Những gia đình dắt con nhỏ xếp thành một hàng dài để xem các cửa sổ trưng bày ở Myer là một cảnh tượng vừa độc đáo vừa ấm cúng lạ kỳ.

 

 

Gần đây, thay vì đơn thuần bắt chước những hình tượng truyền thống của Noel xứ lạnh như cây thông, tuyết trắng, tuần lộc,… hai thương xá nổi tiếng ở Melbourne và Sydney đã bắt đầu sử dụng những yếu tố địa phương như biển xanh, nắng vàng và rừng nhiệt đới.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bên cạnh đó, các địa điểm chính trong thành phố Melbourne như quảng trường Federation, toà thị chính, nhà ga Flinders… sẽ đồng loạt chiếu đèn projection mỗi đêm, trông như những hộp quà khổng lồ. Mỗi khu vực hành chính của Melbourne như Fitzroy, Carlton, Footscray… đều lần lượt tổ chức những buổi hát thánh ca trong công viên, gọi là Carols by Candlelights. Ai cũng có thể tham dự sự kiện này, và mỗi khán giả đều cầm theo một ngọn nến nhỏ để thắp sáng đêm hoà nhạc. 

 

 

Quán xá sẽ đồng loạt đóng cửa để nghỉ Giáng sinh, nên muốn ăn hàng thì mọi người sẽ kéo nhau đến phố Tàu ăn dim sum. Chinatown cũng là nơi duy nhất luôn mở cửa không cần biết tết Tây hay tết Tàu! 

 

 

 

Còn các công viên, bãi biển thì chật như nêm bởi những gia đình kéo nhau đi picnic và làm tiệc nướng “barbie” - cách người Úc gọi tắt “BBQ”. Tôm sú, tôm hùm, hoặc một số loài tôm nước ngọt là các món được yêu thích trong mùa Giáng sinh tại Úc. Đặc biệt, Sydney Fish Market mỗi năm bán được hơn 120 tấn tôm và 70.000 con hàu chỉ trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Các loại trái cây như xoài và cherry cũng vào mùa, nên thường được mua về ướp lạnh làm món tráng miệng.

 

 

Thế nhưng, đúng như câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, ở Úc có một điều khá buồn cười là câu chúc “Giáng Sinh an lành!” có thể khiến một số người phật ý. Với số lượng di dân khổng lồ từ nhiều nền văn hoá khác nhau, không phải dân tộc nào ở Úc cũng ăn mừng lễ Giáng sinh, đặc biệt là những tín đồ Hồi giáo, Chính Thống giáo hay Do Thái giáo, vốn có ngày lễ riêng của họ vào cùng thời điểm. Với tôi thì lễ nào không quan trọng, miễn được nghỉ làm và mua hàng giảm giá là đáng cảm tạ rồi!

 

 

Thông tin thêm:

- Thời tiết: Nhiệt độ tháng 12 tại Melbourne rơi vào khoảng 14-24 độ C, còn ở Sydney thì dao động từ 18-25 độ C. Đây là thời điểm tuyệt vời để dạo chơi các bãi biển vòng quanh Sydney, vì nước biển ấm lên do tác động của dòng hải lưu nóng.

- Hành trình: Vietnam Airlines hiện có đường bay thẳng từ TP.HCM qua Melbourne hoặc Sydney, khiến việc du lịch xứ sở chuột túi trở nên dễ dàng hơn. Khi bay về từ Úc, bạn nên đến sân bay sớm để đăng ký hoàn thuế GST (nếu mua hàng với tổng hoá đơn trị giá 300 AUD trở lên từ một cửa hàng tại Úc).

- Ẩm thực: Đồ ăn Hoa, Nhật, Hàn, Việt, Thái rất phổ biến tại hai thành phố lớn Melbourne và Sydney, nên bạn không phải lo việc không hợp khẩu vị. Nếu thích hàu và cá hồi tươi ăn liền tại chỗ, bạn có thể đến South Melbourne Market (bắt trạm 96 từ Southern Cross Station về hướng St Kilda Beach), hoặc Sydney Fish Market.

- Mua sắm: Chadstone Shopping Centre (Melbourne) là trung tâm mua sắm lớn nhất nước Úc, rộng bằng 10 sân bóng đá, hội tụ đủ các thương hiệu thời trang lớn nhỏ. Từ trung tâm Melbourne, bạn có thể đến Federation Square để bắt shuttle bus đến Chadstone miễn phí. Chapel Street Bazaar (Melbourne) cũng là một nơi rất thú vị với các món đồ cổ, đồ sưu tầm,… thượng vàng hạ cám, nằm ngay trên Chapel Street - một trong những con phố mua sắm sầm uất nhất Melbourne.

 

Bài và ảnh: Đăng Trình

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES