Trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi vùng miền tại đất nước ta lại có những nét văn hóa đặc trưng khác nhau, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Mùa Xuân luôn mang đến nhiều cảm xúc bởi đây là mùa của sự tươi mới, tràn đầy sức sống cũng như thời điểm khởi đầu trong một năm. Với những người vì tính chất công việc mà phải đi làm hoặc đi học xa quê hương, họ hy vọng có thể quây quần với gia đình, với quê hương trong dịp Tết nguyên đán. Hơn hết, đây cũng coi như chuyến nghỉ ngơi nhằm tạo động lực cho cả một năm dài sắp tới.
Chủ đề Tết đến, Xuân về cũng là một trong những nguồn cảm hứng bất tận để sáng tác nghệ thuật. Những tác phẩm lấy chất liệu về Tết rất đa dạng, từ âm nhạc, thơ ca, phim ảnh cho đến cả hội họa…
Tái hiện không khí làng quê Tết xưa
Hiện đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, anh Nguyễn Công Cường đã sử dụng chất liệu vùng quê miền Bắc để tạo nên những bức tranh sơn dầu sống động bằng công nghệ AI. Bộ tranh tái hiện lại hình ảnh làng quê xưa vừa chân thực, gần gũi vừa mộc mạc, giản dị. Đó là hình ảnh những mái nhà tranh, con đường làng, phiên chợ hoa ngày Tết và khung cảnh sinh hoạt tấp nập.
Bộ tranh sơn dầu “Đón Xuân về” được tác giả Công Cường lấy nguồn cảm hứng từ chính ký ức về mùa Tết ngày xưa của mình: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê tỉnh Ninh Bình nhưng đã rời xa quê gần 15 năm. Với tôi, nguồn cảm hứng xuất phát từ nỗi nhớ quê hương hoặc có thể ở nơi mình sinh ra có nhiều cảnh đẹp nên những hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí”.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ AI, việc sáng tạo nên một bức tranh trên nền tảng kỹ thuật số rất nhanh chóng và tiện lợi. Thế nhưng, với anh Công Cường, để tạo ra được những bức tranh có cảm xúc thì người tác giả cần phải có kiến thức về chủ đề hoặc thể loại đang vẽ.
Ký ức ngày xưa tại nơi làng quê vẫn ngự trị trong tâm trí của mọi người, dù thời gian đã trôi qua nhiều năm. Khi tìm cảm hứng cho các bức tranh vẽ bằng AI, anh Công Cường đã lục lại ký ức ngược thời gian về quá khứ nơi miền quê xưa cũ với những kỷ niệm tuổi thơ để chủ đề khai thác sinh động và ý nghĩa hơn. Tất cả đã được phác họa rõ nét giúp những người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật tìm về lại ký ức đẹp đẽ ngày còn ấu thơ.
“Kỷ niệm tôi nhớ nhất khi thực hiện bộ tranh là những trưa hè trốn bố mẹ đi tắm sông, những lần vui chơi cùng bạn bè trên cánh đồng lúc mới thu hoạch lúa cùng với mùi rơm rạ ngày mùa và rất nhiều kỷ niệm khác mà giờ không thể nào quay trở lại được…”, tác giả tâm sự.
Khi công nghệ AI được đưa vào nghệ thuật
Với thế mạnh về thiết kế đồ họa, anh Công Cường nhận thấy các kỹ năng khi vẽ bằng AI có mối liên quan đến công việc hiện tại. Công nghệ AI đã hỗ trợ cho những yếu điểm của anh, ví dụ như việc không biết vẽ tay hay vẽ bằng máy. Nhờ sự phát triển của công nghệ AI, anh đã tận dụng nó để bù đắp yếu điểm và sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.
Trò chuyện với Travellive, anh Công Cường không ngần ngại chia sẻ bí quyết để vẽ nên bộ tranh sơn dầu độc đáo: “Với công nghệ AI, chỉ vài giây là đã cho ra hình ảnh. Thời gian lâu nhất có lẽ là khâu lên ý tưởng và chỉnh sửa theo ý của mình. Sau đó phân tích xem nên có những đặc điểm, thể loại, màu sắc gì xuất hiện trên bức tranh. AI Art điều khiển bằng văn bản, từ khóa nên thời gian thực hiện khá nhanh”.
Trong tương lai, anh Công Cường sẽ tập trung thực hiện công nghệ số để có các bức tranh độc đáo hơn về văn hóa, con người, phong cảnh nhằm lan tỏa hình ảnh, bản sắc Việt Nam đến mọi người trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, anh cũng dự định làm các bài hướng dẫn cơ bản cho những bạn không giỏi vẽ vẫn có thể tạo được bức tranh, hình ảnh theo ý của mình bằng sự giúp đỡ của công nghệ AI.