Món mọc vân ám nhiều màu sắc
Món mọc vân ám là món ăn dùng bì lợn làm đông, bao phủ lên phần nguyên liệu bên trong. Thời xa xưa, đây là món ăn khai xuân được ăn ngay trong ngày mùng Một đầu năm với hàm ý mong một năm mới sung túc, đủ đầy và tròn trịa như miếng mọc đẹp mắt.
Đầu tiên, giò sống được quết thật nhuyễn với phần thịt lợn nóng (là phần thịt mới xẻ) rồi trộn đều cùng nước mắm, hạt tiêu và mộc nhĩ, nấm hương. Người nội trợ nhẹ nhàng bôi chút mỡ vào lòng bàn tay và viên chúng lại thành từng viên nhỏ, đặt vào trong chõ và hấp với nước sôi mạnh.
Tiếp theo, bì lợn ngon đem sát cho sạch lông, rửa nhiều lần và ninh mềm trong nước, thả phần mọc hấp vào, để nguội rồi úp ra bát. Bì lợn như một đám mây phủ lên mọc, nên món ăn có tên là mọc vân ám. Đối với nhiều gia đình ngày nay, món ăn này không thực sự phổ biến và có nguy cơ bị thất truyền.
Nem rán đòi hỏi tay nghề khéo léo
Món nem rán thì ai cũng biết, nhưng món nem rán ngày nay có nhiều phiên bản hơn tùy theo khẩu vị từng gia đình. Món nem rán xưa trong thời buổi thiếu thốn thường nhiều miến, rau củ hơn là thịt thà. Nhưng để ngon nhất thì nem luôn có thịt vai lợn xay, miến dong, củ đậu hoặc giá đỗ, nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt và trứng giúp phần nhân quyện vào nhau. Nem rán tưởng đơn giản mà lại là món thách thức nhiều nàng dâu.
Muốn cuộn nem chắc tay, phần bánh tráng không vỡ thì phần nhân phải trộn vừa đủ ướt và dẻo quẹo. Nhân khô thì rời rạc mà nhân ướt thì khi rán sẽ vỡ hết nem. Món nem rán lúc trộn nhân thiếu chút nước mắm sẽ chẳng thơm ngon. Nhiều nhà ngán ăn thịt, thường thay thành nhân cua bể.
Lấy một tờ bánh đa, vẩy chút nước lạnh, xoa đều để bánh mềm và cứ thế một thìa nhân, nhanh tay cuốn thật chặt tay. Nem rán vừa vặn nhất sẽ to ngang hai đốt ngón tay và chiều dài cũng như vậy. To hay bé quá đều không “phải phép”. Khi rán nem, gần như bắt buộc phải dùng mỡ lợn thì nem mới thơm giòn. Mỡ sôi sùng sục, nem thả nhanh tay để phần vỏ bắt nhiệt mau giòn. Rán nem sôi già thì lật mặt, các nàng dâu đứng cạnh xem mẹ chồng rán nem chiếc nào chiếc nấy vàng ruộm, nhân chín mà không khô, vỏ giòn mà không cháy.
Món nem rán dọn ra cùng đĩa rau thơm, rau sống và bát nước mắm chấm tỏi chua ngọt khiến mâm cỗ Tết đẹp và sang trọng hẳn ra.
Xôi gấc ăn lấy may đầu năm
Món xôi gấc là món xôi mà nhà nào làm cơm Tết cũng cố nấu một chõ để có xôi ngon dâng lên ông bà tổ tiên và khi hạ cỗ thì ăn lấy may. Xôi gấc có màu đỏ óng ả, từng hạt xôi nở căng tròn như một lời cầu chúc cho năm mới may mắn.
Để nấu được chõ xôi ngon, phần gạo nếp phải là gạo tuyển kỹ từng hạt. Gạo nếp cái hoa vàng, hay nếp nương đều được. Gạo ngâm qua đêm, ruột gấc ngâm rồi bóp với rượu nếp được bát nước màu đỏ óng ánh. Gấc lột vỏ lụa, tận dụng hết chỉ bỏ đi cái lõi hạt đen bóng. Phần nước gấc này trộn vào gạo, chút muối và khi đồ xôi có một bó lá dứa cột chỉ bỏ cùng thì nồi xôi thơm biết bao.
Nấu xôi ngon đôi khi cũng rất tùy tay. Có người nấu ăn xoàng thôi nhưng cứ đồ xôi là ngon. Xôi đồ chín, đánh tơi và trộn cùng mỡ gà để hạt nào hạt nấy bóng bẩy. Xôi gấc luôn được đóng khuôn để cho ra hình thù đẹp mắt, trang trọng. Xôi nấu hơi mằn mặn và có mỡ gà để ăn kèm giò lụa cho vừa miệng. Nhiều gia đình muốn nấu phiên bản ngọt sẽ tán nhuyễn đỗ xanh và đóng khuôn cùng xôi cũng như luôn trộn xôi với đường, mè rang, nước cốt dừa và dừa tươi thái sợi.
Canh bóng thả cầu kỳ và tinh tế
Cỗ Tết xưa, đặc biệt là Hà Nội, đều không thể thiếu món canh bóng thả. Canh bóng xưa cầu kỳ với rất nhiều thứ như bóng, thịt thăn nõn, trứng cút, nấm hương, tôm khô, xúp lơ xanh, xúp lơ trắng, cà rốt, gừng, giò sống, đậu Hà Lan…
Sáng sớm khi nồi nước hầm xương, nước luộc gà và tôm khô từ đêm hôm trước đã được, các bà nội trợ bắc ra và chuẩn bị nấu canh. Phần nước dùng gà này bắt buộc phải trong vắt, không váng mỡ và ninh thật nhỏ lửa để tránh đục nước. Tôm khô, xương lợn và nước luộc gà khiến cho nồi nước ngọt lử mà không cần mì chính hay đường.
Phần bóng cần làm kỹ càng nhất. Các cô con dâu trẻ mới về hay cô con gái thường đảm nhiệm phần này. Bóng bì thăn ngâm cho nở, rồi rửa qua rượu cho thơm rồi cắt miếng quả trám hoặc cuộn giò trứng, đem ướp với nước dùng gà.
Trứng cút luộc rán vàng ruộm, gừng nướng thơm, cà rốt, xúp lơ cắt thật đẹp, nấm hương ngâm nở tỉa các cánh, giò sống nặn tròn xoe. Phần nước dùng lúc này đun sôi, các món trên nấu nhanh cho chín tới rồi vớt ra bát tô. Thả vài cọng hành, rau mùi. Tới khi ăn thì ta mới chan nước dùng nóng hổi lên mặt.
Trên đây là một vài món ăn ngày Tết có hương vị thơm ngon khó phai và cũng là những món ăn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của người nấu. Các món ăn này đều góp phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Tết của đất nước ta và là truyền thống cần được gìn giữ. Travellive chúc các quý độc giả một năm mới luôn đủ đầy, vạn sự như ý, may mắn và “ngon lành” như mâm cỗ dịp sum vầy.