Ông Rustam Efendi, Thứ trưởng Bộ điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, cho biết, Chính phủ Indonesia yêu cầu du khách đi dép “upanat” nhằm bảo tồn các bậc thềm đá lên xuống đền Borobudur.
Những chiếc dép “upanat” được làm từ lá dứa dệt, thiết kế đặc biệt nhẹ và giúp đôi chân thoải mái. Theo ông Rustam, dép “upanat” sử dụng nguyên liệu địa phương, là sản phẩm của người dân địa phương, do đó được kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cộng đồng.
Năm 2020, Cơ quan Bảo tồn đền Borobudur đã phải tạm đóng cửa một phần của ngôi đền để đánh giá, trùng tu lại các bảo tháp, bậc thang đá bị bào mòn hoặc hư hại do lượng lớn du khách đặt chân tới. Cơ quan này cũng cấm du khách chạm tay hoặc giẫm chân lên các bức tượng, bảo tháp dễ vỡ trong đền.
Đền Borobudur, hay còn gọi là Barabodur hoặc Ba La Phù đồ, là một ngôi đền Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 9, toạ lạc ở Magelang, miền Trung Java, Indonesia. Nằm cách cố đô Yogyakarta của Indonesia khoảng 41 km về phía Tây Bắc, Borobudur là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Năm 1991, đền Borobudur được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.