Theo thống kê của các nhà quản lý, du lịch chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn 2015 - 2017 mang về khoản doanh thu lên tới 639 tỷ USD, và dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi vào cuối năm 2022.
Thay vì nghỉ dưỡng đơn thuần, một số du khách đang lựa chọn hình thức du lịch kết hợp cùng các dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần. Nếu “healthy” là sức khỏe về thể chất, “spiritual” là sức khỏe về tinh thần thì “wellness” là sự kết hợp của 2 khái niệm trên. “Wellness tourism”, hay du lịch chăm sóc sức khỏe được định nghĩa là loại hình du lịch với mục đích tăng cường sức khỏe và tinh thần thông qua các hoạt động thể chất, tâm lý hoặc tâm linh. Loại hình này chú trọng vào trải nghiệm của du khách tại các điểm tham quan.
Cụ thể, khi hưởng một kỳ nghỉ du lịch chăm sóc sức khỏe, du khách sẽ được thực hành khóa học đặc biệt để tìm kiếm sự cân bằng trong tinh thần. Các chuyên gia sẽ áp dụng liệu trình chăm sóc riêng biệt, thiền, yoga, massage hàng ngày… để du khách thải độc, thanh lọc và trẻ hóa cơ thể.
Hầu hết các khu du lịch theo mô hình này đều được thiết kế để du khách có thể dành thời gian cho bản thân, khám phá thiên nhiên và tận hưởng sự cách biệt với cuộc sống thường ngày. Các spa với phương pháp trị liệu cũng được xây dựng trong khuôn viên khu du lịch để du khách có thể phục hồi sức lực, tìm được sự cân bằng trong tâm thức.
Dựa trên những báo cáo của tổ chức Global Wellness Institute, chỉ riêng trong năm 2017 và đầu năm 2018, có tới gần 850 triệu du khách trải nghiệm các hành trình du lịch chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các du khách của hai thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Mức chi trung bình của các du khách cho mỗi hành trình du lịch này vào khoảng 1.600 USD/người.
Hai điểm đến châu Á được các du khách lựa chọn nhiều nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có nền y học và những bài thuốc chăm sóc sức khỏe ấn tượng nhất trên thế giới.