Du lịch vẫn "ngóng" khách quốc tế

05/07/2022

Sau 3 tháng du lịch mở cửa đón khách quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn vô cùng khiêm tốn và chưa được như kỳ vọng. Đâu là nguyên nhân và Việt Nam cần làm gì để lấy lại sức hút?

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 nghìn lượt khách, giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour Trần Thế Dũng cho biết, sau 3 tháng du lịch mở cửa đón khách quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là những nhóm khách nhỏ hoặc người đi công tác kết hợp du lịch Việt Nam, hoàn toàn chưa có những đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng mất một số thị trường chính như Nga và Trung Quốc… do tình hình dịch bệnh và chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Cùng với đó, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp Hội lữ hành Việt Nam cho biết, năm 2019 Việt Nam đón được gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế. Ở thời điểm đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đã chiếm khoảng 66% lượng khách đến du lịch Việt Nam. Nhưng sau hai năm đại dịch Covid-19, những thị trường này đều đóng cửa, hiện mới chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại với thị trường khách inbound và outbound, thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng khách, đặc biệt Trung Quốc vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch.

Khách du lịch quốc tế thăm quan Hội An, Quảng Nam

Khách du lịch quốc tế thăm quan Hội An, Quảng Nam

“Khi những thị trường truyền thống khu vực Đông Bắc Á mở cửa hoàn toàn trở lại thì ngành du lịch Việt Nam mới có thể hồi phục”- ông Phùng Quang Thắng nêu rõ.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam rơi vào giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… có đặc thù lên kế hoạch chuẩn bị trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa nên du khách sẽ cần thời gian theo dõi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa phục hồi như mong muốn.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cần có chính sách visa đột phá

Từ thực tế, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch thấy rằng, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam sau khi mở cửa, có nhiều vấn đề cần quan tâm như câu chuyện visa, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến...

Theo đó, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cho rằng, để thu hút khách quốc tế, cần có chính sách visa đột phá để phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, để tạo thuận lợi cho khách cần thực hiện visa thân thiện, lấy visa online dễ dàng, đơn giản hơn visa on arrival (VOA) các sân bay thực hiện đón tiếp VIP giới thiệu khách mua thêm dịch vụ cao cấp visa fast trach… du khách sẽ cảm thấy được chào đón và trả tiền khi xứng đáng. Ngay trước mắt 13 nước đã miễn visa 15 ngày/1 lần nên mở rộng lên 30 ngày, vào ra nhiều lần, miễn visa cho các thị trường mục tiêu. Cần lưu ý, visa 3 tháng, 6 tháng hay một năm để du khách hưu trí muốn an nhàn nghỉ ngơi tại Việt Nam, ở lâu hơn chi tiêu nhiều hơn.

“Chúng ta coi trọng kinh tế du lịch, khách du lịch nên trong tương lai cần miễn đơn phương tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam. Chính sách visa là đầu tiên và cụ thể nhất của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nếu Việt Nam muốn thành quốc gia du lịch”, ông Hà bày tỏ.

Sau đại dịch Covid-19, một trong những nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế tới Việt Nam chưa được như kỳ vọng chính là do tâm lý

Sau đại dịch Covid-19, một trong những nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế tới Việt Nam chưa được như kỳ vọng chính là do tâm lý "ngại" đi du lịch ngoài biên giới

Đồng thời ông Phạm Hà cũng nhấn mạnh, bên cạnh các vấn đề thể chế chính sách mở cửa hút khách, hoàn thuế VAT cho khách du lịch, Việt Nam cũng cần chú trọng tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng sản phẩm, phát triển những sản phẩm đặc trưng như ngủ đêm trên du thuyền vịnh Hạ Long, du ngoạn sông Hồng, sông Mekong. Đặc biệt, cần tránh phụ thuộc vào nguồn khách như trước kia. Trong đó, chú trọng nhân lực du lịch có chất lượng và xúc tiến hiệu quả.

“Khách đến Việt Nam dễ dàng, đến vui hơn, giàu cảm xúc, hài lòng hơn, đáng nhớ, khách sẽ đến nhiều hơn, quay lại thường xuyên hơn, đấy là chiến lược maketing đỉnh cao mà Việt Nam đang chưa tận dụng tốt” - Chủ tịch Lux Group bày tỏ.

Theo các nhà quản lý, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của từ Nhà nước, còn đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch.

Hiện, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế và luôn đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế, nếu chúng ta không tạo thuận lợi thì khó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Phương Thảo - Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES