Gặp gỡ huyền thoại của sông Li

17/12/2017

Cách đây gần một năm, tôi tình cờ đọc được trên theguardian.com mẫu tin về những ông cụ làm nghề đánh bắt cá bằng chim cốc trên sông Li với bức hình chụp hoàng hôn trên sông đầy huyễn hoặc. Thế là lòng khao khát được tận mắt chứng kiến một kiểu thức mưu sinh kỳ lạ có từ hơn 1.300 năm trước, tôi cùng một người bạn đồng hành vác balô lên đường sang xứ Trung Hoa.

Định vị "tọa độ" những người bắt cá

Công cuộc xác định vị trí của những người bắt cá trước khi lên đường cũng thật công phu. Chúng tôi dò tìm hết thông tin trên mạng thì chỉ biết được là các ông ấy ở địa phận của Yangshuo (Dương Sóc). Ngoài ra không còn biết thêm thông tin nào nữa. Chỉ với ít thông tin chung chung như vậy, chúng tôi bắt đầu lên đường.

Ngày đầu tiên đáp máy bay đến Quế Lâm, trời mưa ảm đạm. Nhiệt độ giữa tháng 11 đã xuống còn 5-6 độ C về đêm kèm theo gió thốc. Chúng tôi trọ lại ở một nhà nghỉ ven sông, chờ sáng mai bắt xe buýt đi Yangshuo. Việc giao tiếp ở Trung Quốc khi không biết tiếng Hoa cũng là một vấn đề lớn và cần kỹ năng. Chúng tôi chuẩn bị sẵn “App Google translate” (ứng dụng dịch thuật) bản offline trong điện thoại. Hễ muốn gì thì cứ viết vào đấy, app sẽ tự dịch sang tiếng Hoa. Thế là công cuộc tìm đường cũng đỡ chật vật.

Các địa danh ở Trung Quốc rất xa nhau, đi từ sáng tầm 3h chiều mới tới nơi. Coi như là mất thêm một ngày đi đường nữa. Tới Yangshuo, từ xa xa tôi đã thấy sông Li hiện ra trước mắt. Đi men theo bờ sông đầy đá cuội với hàng tre mọc dại dài tăm tắp, dòng sông đẹp như trong tranh thuỷ mặc. Chúng tôi nôn nao trong lòng, nghĩ thầm: “Sắp gặp được mấy ông già bắt cá rồi!”. Nhưng đi hoài đi hoài hết cả buổi chiều vẫn không thấy đâu. Chỉ toàn thấy mấy ông già cho thuê chim cốc chụp ảnh lưu niệm thôi.

Quày quả quay về khách sạn, tôi liền hỏi anh chủ trẻ. Anh ta liền bảo: “Ở đây không có đâu. Các anh phải đến Yangdi hoặc Xing Ping”. Thế là sáng hôm sau lại phải dậy sớm bắt xe buýt đi Yangdi trước vì khi nhìn trên bản đồ thì Yangdi nằm ở giữa Yangshuo và Xingping. Nhóm quyết định thuê một chiếc thuyền du lịch vào buổi chiều hôm đó để họ chở dọc theo bờ sông mong sao có thể thấy được các ông đang đánh bắt ở đâu đó.

Thuyền đi mải miết vẫn chẳng gặp ai. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xuống thuyền ở một bến có rất đông du khách Trung Quốc đang tập trung chụp ảnh. Tôi lấy điện thoại bật hình của ông lão cho một anh thợ ảnh xem, với trực giác mách bảo rằng những anh thợ ảnh sẽ biết được thông tin của ông già này. Quả thật, anh ta bảo anh có thể liên lạc được với ông lão, nhưng phải trả tiền công. Chúng tôi đồng ý ngay dù thù lao hơi cao một tí nhưng không còn cách nào khác.

Duyên "tri ngộ" Bác Huang

Một tiếng sau, từ xa tôi nghe tiếng xuồng máy ì ì, một ông già râu trắng bạc phơ dần dần xuất hiện. Ông cập bến và bước xuống, tôi thấy đúng là ông già mà mình thấy trên báo. Mừng không kể xiết vì ba ngày đường tưởng như vô dụng, phút cuối lại được gặp ông già mà mình hằng mơ ước. Ông ta mang theo một quyển album mà ông sưu tầm được tất cả hình các nhiếp ảnh gia chụp ông trên tạp chí cho tôi xem. Quả là một ông già nổi tiếng!

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bác Huang năm nay 69 tuổi, hàng ngày ông đánh bắt cá trên sông. Ông sống với bác gái ở một làng chài nhỏ, chỉ hai vợ chồng. Các con đã lớn và sống riêng. Người ông nhỏ nhắn, mặc chiếc áo vải đỏ có thêu rồng phượng. Bên ngoài khoác một lớp áo tơi bằng rơm. Đầu đội chiếc mũ rộng vành đan bằng sợi tre vót mỏng. Dáng ông đứng trên thuyền giữa buổi chiều hoàng hôn tím ngắt chẳng khác nào những bậc hảo hán chu du thiên hạ trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.

Ông bắt đầu công việc để tôi chụp ảnh. Hai con chim cốc trông to hơn con vịt xiêm (ngan) của mình một tí, mặt trông dữ dằn và khoẻ hơn. Ông buộc một sợi dây chỉ nhỏ quanh cổ nó và thả xuống nước. Chim cốc háu đói lặn xuống dòng nước lạnh bắt cá, nhưng sợi chỉ buộc ở cổ làm nó không tài nào nuốt được nên nó đành phải ngậm con cá mang lên cho ông lão. Chúng làm việc như hai anh công nhân lành nghề. “Tan ca”, chúng được cho ăn vài con cá nhỏ.

Bữa cơm ở nhà Bác Huang

Chúng tôi chào tạm biệt bác Huang sau buổi chụp và hẹn hôm sau chúng tôi sẽ đến nhà bác chơi. Bác đưa tôi một tấm danh thiếp có hình và số điện thoại, địa chỉ bằng tiếng Hoa. Bác nói một tràng, tôi không hiểu gì, chỉ gật gật và hẹn sáng mai, với tấm danh thiếp trong tay tôi sẽ cố gắng đến nơi.

Nhà bác cũng dễ tìm, qua một con đò nhỏ, hỏi thăm vài người là đến nơi. Đó là một làng chài ở Xingping, đầu đông nước sông cạn trơ đáy. Nhà bác trong một con hẻm nhỏ, có ba gian. Bác gái mời chúng tôi một bữa cơm đạm bạc với thịt heo nấu đậu và một ly rượu nhàu nóng đến tận tâm can. Ăn xong, chúng tôi ra bụi tre sau vườn đánh một giấc tới chiều rồi tạm biệt gia đình bác Huang, tạm biệt sông Li để tiếp tục hành trình khám phá Trung Quốc.

-------------------------------------------------

Thông tin thêm

+ Hành trình: Có nhiều cách để đến Quế Lâm

-Đường hàng không: Nếu đi hãng Xiamen Airlines, từ TP,HCM, bạn sẽ quá cảnh ở sân bay Xiamen (Hạ Môn), sau đó bay đến sân bay Quế Lâm. Nếu đi hãng China Southern Airlines, từ TP.HCM, bạn sẽ quá cảnh hai chuyến ở Bangkok (Thái Lan) và Nam Ninh (Trung Quốc). Sau đó mới bay đến sân bay Quế Lâm.

-Đường bộ: Từ ga Gia Lâm (Hà Nội), bạn đi tàu lửa đến Nam Ninh. Giờ tàu chạy là 21h30 hàng ngày, giá vé 750.000 đồng/ người. Đặc biệt, nếu bạn đi theo nhóm 6 người hoặc tìm được người mua chung nhóm thì giá vé khoảng 530.000 đồng/người. Từ Nam Ninh, đi máy bay của hãng Xiamen Airlines hoặc China Southern Airlines để đến Quế Lâm.

-Để gặp được những ông lão đánh cá, tới Quế Lâm xong, bạn phải đi xe buýt đến Yangshuo (Dương Sóc), rồi tiếp tục xe buýt đến Xingping. Thời gian khoảng 1,5 ngày đường.

+ Visa: Bạn có thể tự xin ở Đại sứ quán (tại Hà Nội) hoặc Lãnh Sự Quán Trung Quốc (tại TP.HCM). Hoặc nếu không muốn tốn thời gian, có thể nhờ các dịch vụ xin visa hộ đều rất đơn giản.

+ Ngôn ngữ: Nên học trước những từ giao tiếp cơ bản, số đếm để dễ mua bán, giao dịch với người Trung Quốc. Còn giao tiếp cao hơn thì nhờ vào những ứng dụng dịch thuật trực tiếp trên điện thoại thông minh như Google translate (có thể dùng offline, không cần 3G)

+ Tiền tệ: Nên đổi sẵn đồng Nhân Dân tệ ở Việt Nam để có tỉ giá tốt. Đổi ở Trung Quốc hơi khó khăn và mất thời gian, tỉ giá không tốt hơn so với đổi ở Việt Nam.

+ Ẩm thực: Đồ ăn Trung Quốc hơi nhiều dầu mỡ, bạn nên mang theo đồ ăn khô dự trữ nếu không hợp đồ ăn địa phương.

+ Dịch vụ: Quế Lâm nói riêng và Trung Quốc nói chung làm du lịch rất tốt. Các dịch vụ thường được nhà nước tập trung về một mối quản lý chặt chẽ và rõ ràng, minh bạch. Khách du lịch nội địa của Trung Quốc luôn đông bất kể thời điểm nào trong năm. Đây là nguồn lực phát triển rất lớn cho ngành du lịch của họ, chưa kể đến nguồn khách nước ngoài.

+ Dự án sách: Hành trình “Huyền thoại sông Li” nằm trong sách du ký “Bụi Đường Tuổi Trẻ” của tác giả Tâm Bùi, dự kiến phát hành ngày 17/9/2017 trên toàn quốc. Sách do Nhà Xuất Bản Kim Đồng ấn hành. Tập du ký là sự kết hợp giữa con chữ giàu trí tưởng tượng và hình ảnh cực kỳ sống động, chân thực về hành trình viễn du của Tâm Bùi qua những con đường đèo cheo leo dưới rặng Himalaya, đi xuyên con sông đẹp nhất Trung Hoa (sông Li), khám phá những thành phố lớn của Trung Hoa như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An…hay tìm đến vùng đất linh thiêng Tây Tạng. Sách được phát hành tại các nhà sách trên toàn quốc hoặc có thể mua online qua website: www.tiki.vn

Bài và ảnh: Tâm Bùi

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES