Trong thời gian gần đây, an toàn hàng không đang trở thành chủ đề nóng sau một loạt sự cố nghiêm trọng, từ vụ cháy máy bay Jeju Air của Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng đến vụ va chạm giữa máy bay chở khách và trực thăng quân sự tại Mỹ. Dù vẫn được coi là một trong những phương tiện di chuyển an toàn nhất, các vụ tai nạn máy bay gần đây đã cho thấy vẫn còn tồn tại rất nhiều rủi ro.
Tại Mỹ, các vụ tai nạn hàng không xảy ra liên tiếp trong những tháng gần đây đã dẫn đến các cuộc điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) và Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA).
Ngày 29/1, một chiếc máy bay của American Airlines đã va chạm với một máy bay trực thăng Black Hawk khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington. Vài ngày sau, một chuyến bay của United Airlines từ Houston đến New York đã phải sơ tán khẩn cấp do cháy động cơ trước khi cất cánh. Ngày 12/2, một chiếc Learjet 35A đã trượt khỏi đường băng khi hạ cánh, va vào một chiếc máy bay Gulfstream tại sân bay Scottsdale, Arizona, khiến phi công thiệt mạng.
Theo các chuyên gia hàng không, hai giai đoạn nguy hiểm nhất trong một chuyến bay là khi cất cánh và hạ cánh. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong tổng số 1.468 vụ tai nạn hàng không năm 2024, có 770 vụ xảy ra khi hạ cánh và 124 vụ xảy ra khi cất cánh.

Theo các chuyên gia hàng không, hai giai đoạn nguy hiểm nhất trong một chuyến bay là khi cất cánh và hạ cánh
Chuyên gia phân tích giao thông Mary Schiavo cho rằng, tỷ lệ tai nạn trong các giai đoạn này cao hơn là do những tiềm tàng rủi ro vốn có cùng với vô số thao tác phức tạp khi cất cánh và hạ cánh tại sân bay. Bà cũng nhận định rằng thời điểm giảm độ cao và hạ cánh nguy hiểm hơn cất cánh vì có ít phương án dự phòng hơn. "Đây thực sự là một thời điểm quan trọng, đặc biệt là đối với các sự cố trên không và va chạm...", bà nhấn mạnh.
Cất cánh và hạ cánh là những quy trình không thể xem nhẹ. Phi công được đào tạo và huấn luyện liên tục để xử lý tình huống nếu có sự cố xảy ra trong những khoảnh khắc này. Vì lẽ đó, để giảm thiểu rủi ro trong hai giai đoạn này, FAA đã ban hành quy tắc "buồng lái vô trùng" từ năm 1981. Theo đó, phi công không được phép trò chuyện hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động không cần thiết nào dưới độ cao 3.000 m, nhằm đảm bảo tập trung tối đa khi cất cánh và hạ cánh.
Phi công phải thực hiện hàng loạt danh sách kiểm tra để đảm bảo mọi hệ thống hoạt động bình thường. Ngoài ra, còn có những hệ thống dự phòng để cảnh báo nếu phi công hoặc kiểm soát viên không lưu mắc sai lầm.
"Điều quan trọng nhất là toàn bộ sự tập trung phải dồn vào một nhiệm vụ duy nhất: điều khiển máy bay từ khi cất cánh cho đến khi hạ cánh an toàn", Dennis Tajer, phát ngôn viên của Hiệp hội Phi công Liên minh, tổ chức đại diện cho các phi công của American Airlines, cho biết.

"Điều quan trọng nhất là toàn bộ sự tập trung phải dồn vào một nhiệm vụ duy nhất: điều khiển máy bay từ khi cất cánh cho đến khi hạ cánh an toàn"
Những sự cố gần đây cũng là cơ hội để tiếp tục tìm ra những vấn đề cần cải thiện trong ngành hàng không nhằm giảm bớt rủi ro, tăng cường triệt để đảm bảo an toàn vì tính mạng con người.
“An toàn là trách nhiệm chung của tất cả mọi người khi tham gia vào ngành hàng không, từ các hãng bay thương mại đến các phi công tư nhân”, Jason Ambrosi - chủ tịch Hiệp hội Phi công Hàng không nhận định. “Những lúc như thế này nhấn mạnh lý do vì sao phi công phải tập luyện liên tục, luôn duy trì tiêu chuẩn cao nhất và làm việc mỗi ngày để đảm bảo rằng hàng không vẫn là phương thức di chuyển an toàn nhất”.
Các cuộc điều tra của NTSB về những sự cố gần đây có thể kéo dài hơn một năm trước khi có kết luận chính thức, nhưng những biện pháp cải tiến sẽ được áp dụng ngay lập tức để giảm thiểu rủi ro. Theo các chuyên gia, an toàn hàng không vẫn đang được nâng cao và ngành hàng không sẽ tiếp tục học hỏi từ các sự cố để cải thiện hệ thống.