Giáng sinh vang lừng muôn nơi

17/12/2017

Sau những ngày Đông giá mơ màng, cả thế giới dường như bừng tỉnh trước bầu không khí náo nhiệt và đầy sắc màu của những phiên chợ Giáng sinh nở ra như sao băng lan rộng khắp châu Âu. Với những lễ hội mừng Giáng sinh muôn hình vạn trạng khắp hành tinh cùng với vô số hoạt động thể thao mùa Đông, Giáng sinh thực sự khiến cho nhân loại xích gần nhau hơn khi cùng nhau chia sẻ những giá trị không bao giờ đổi thay, dù cho Trái Đất này có ngày một già đi. Hãy cùng Travellive lướt qua những vùng đất Giáng sinh đáng trải nghiệm nhất trên thế giới. Để rồi cùng lắng đọng tâm hồn bên hình ảnh chiếc vòng lá mùa Vọng như dấu hiệu quen thuộc của mùa lễ hội.

PHÁP

Dạo chợ Giáng sinh lớn nhất châu Âu

Bài và ảnh: Thu Giang

Lịch sử chợ Giáng sinh châu Âu được hình thành từ Pháp vào thế kỷ thứ 14, tại vùng Alsace thuộc miền đông bắc nước này. Giờ đây, hầu hết các thành phố lớn trên khắp nước Pháp đều có phiên chợ Giáng sinh, ở mỗi thành phố có một sắc thái riêng, thời gian từ vài ngày đến vài tuần trước lễ Giáng sinh. Nhưng lớn nhất vẫn là chợ Giáng sinh ở Strasbourg, thành phố thủ phủ của vùng Alsace.

Đến nơi có lịch sử chợ Giáng sinh lâu đời nhất châu Âu này, bạn sẽ có cảm giác không biết mình đang đi giữa đời thực hay lạc vào thế giới những trang cổ tích. Phiên chợ Giáng sinh lung linh sắc màu huyền ảo nơi đây như một hấp lực đầy vẻ gọi mời hàng ngàn du khách ghé lại trong thời gian từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12 hằng năm.

Phiên chợ Giáng sinh Strasbourg gọi là Christkindelsmärik, được tổ chức tại hơn 12 địa điểm ở trung tâm thành phố, thu hút hơn 300 gian hàng, chứa đầy các món ngon truyền thống của Pháp, hàng thủ công và nhiều đồ trang trí. Hàng hóa được bày bán trong dịp này phần lớn là các sản vật của vùng do người nông dân trồng. Những trái cà chua đủ màu sắc từ vàng, xanh đến đỏ căng tròn bóng bẩy, đến những trái ớt chuông vàng thắm thay cho lời mời chào du khách.

Đến đây, du khách không thể bỏ qua gian hàng hương liệu với những miếng xà bông hay chai nước hoa thiên nhiên, thoang thoảng mùi hoa đồng nội. Thoạt nhìn, những miếng xà bông này trông như những ổ bánh kem nhưng lại gần mới biết đó là những tảng xà bông, hương thơm theo từng loại. Và hẳn du khách nào cũng sẽ bị thu hút bởi những ngôi nhà Giáng sinh bằng gỗ, trông giống như những ngôi nhà bánh gừng trong câu chuyện cổ tích. Nhiều du khách sẽ bối rối khi đứng trước một rừng mô hình nhà được trang trí theo từng phong cách Giáng sinh riêng, không cái nào giống cái nào.

Tuyệt nhất là khi màn đêm buông xuống, thành phố nhỏ êm đềm này được thắp lên bằng ánh đèn lấp lánh, điệu nhạc rộn rã và những dòng người nối tiếp nhau trên phố.

Thông tin thêm

+ Hành trình: Từ Việt Nam có chuyến bay thẳng của hãng hàng không Vietnam Airlines bay thẳng đến Paris. Giá vé khứ hồi khoảng 900-1200 USD. Bạn cũng có thể bay với hãng Qatar , quá cảnh ở Doha với giá vé mềm hơn, khoảng từ 700 - 900 USD. Từ Paris có tàu lửa GTV chạy đến Strassburg mất khoảng 2 tiếng, giá vé 100 Euro.

+ Lưu ý: Bạn có thể thuê xe tự lái ngay tại sân bay của các hãng uy tín như Sixt, Hertz, car Europe. Chỉ cần passport và thẻ Visa để trả deposit.

+ Những món đặc sản nên thử:

-Các loại phô mai sữa dê nổi tiếng thường được đút lò với khoanh trái táo chẻ mỏng, hay được nhồi với cà tím nướng dầu ôliu.

-Những món tráng miệng làm từ hạt dẻ.

-Nhâm nhi những cốc rượu vang trắng sản xuất tại đây với hương vị đặc trưng mà bạn không tìm được ở những nơi khác.

NAUY

Giáng sinh Bắc Âu có gì lạ?

Bài: Ngọc Quyên – Ảnh: Nhiều tác giả

dựa trên truyền thống Kitô giáo tuy nhiên Giáng sinh ở Na Uy còn kết hợp với những phong tục của cư dân vùng phía Bắc bán đảo Scandinavia và cả lễ Hanukkah của người Do Thái.

Khoảng từ cuối tháng 11, trung tâm Oslo bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho những chợ Giáng sinh trong thành phố. Đến tuần đầu tiên của Mùa Vọng, khi chiếc lá cuối cùng rơi khẽ xuống đất cũng là lúc những cành cây khẳng khiu sẽ được khoác lên những dải đèn chớp tắt sáng rực. Hai bên phố, người ta chăng những khung đèn trang trí hình quả chuông, trái châu hay xe kéo của ông già tuyết. Và trên những con phố chính như Karl Johans gate hay Youngstorget, người ta bắt đầu cho dựng những kiosk nhỏ bằng gỗ để phục vụ cho việc buôn bán. Các hoạt động giải trí như hòa nhạc, dàn đồng ca… cũng bắt đầu xuất hiện trên phố, ở bến tàu xe hay nhà ga chính.

Ba “sắc thái” Giáng sinh!

Khác với những quốc gia khác, Giáng sinh ở Na Uy chia làm ba giai đoạn: đêm trước Giáng sinh, đêm Giáng sinh và… hậu Giáng sinh.

Đêm trước Giáng sinh là ngày 23/12 với tên gọi Lille Julaften trong tiếng Na Uy, dịch sát nghĩa là… “Đêm Giáng sinh nhỏ”. Vào ngày này, các gia đình bắt đầu trang trí cây thông Noel và nướng bánh gừng. Sau đó, mọi người sẽ quây quần ăn món cháo ngọt risengrynsgrøt nấu với đường, bơ và bột quế. Bên trong nồi cháo sẽ có duy nhất một hạt hạnh nhân. Ai có được hạt hạnh nhân này trong bát của mình được tin rằng sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Ngày 24/12 là đêm Giáng sinh (Julaften), ngày quan trọng nhất trong năm đối với người Na Uy. Buổi sáng, những người có đạo sẽ đi nhà thờ để cầu nguyện. Những ai không đi nhà thờ sẽ tranh thủ gói những món quà Giáng sinh cuối cùng và đặt dưới gốc cây thông trang trí trong nhà. Vào buổi chiều, đúng 5 giờ, chuông nhà thờ trên toàn quốc sẽ đồng loạt vang lên. Đây cũng là lúc mọi người bắt đầu dùng bữa tối Giáng sinh tại nhà cùng gia đình.

Từ ngày 25–30/12 là khoảng thời gian nghỉ ngơi của mọi người trước thềm năm mới. Vì vậy, nó vẫn có tên gọi là hậu Giáng Sinh, Romjulen. Nhiều cơ quan vẫn còn chính sách cho nhân viên nghỉ ngơi “xả láng” đến tận Tết tây, nhưng đa phần mọi sinh hoạt trong thành phố đã trở lại bình thường.

Người Na Uy ăn gì trên bàn tiệc Giáng sinh?

Nếu như bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu, thịt kho là những món không thể thiếu được trên mâm cỗ Tết của mọi gia đình người Việt thì sườn cừu muối, thịt heo nướng và bánh vòng là những món ăn làm nên bàn tiệc Giáng sinh hoàn hảo của người dân Na Uy.

Sườn cừu muối pinnekjøtt là một món ăn rất lâu đời của người dân Scandinavia, bắt nguồn từ phương pháp bảo quản thực phẩm bằng cách muối và xông khói thịt để trữ được lâu. Vì vậy pinnekjøtt thường rất mặn. Điểm đặc biệt ở món pinnekjøtt là sườn tuyệt đối không được hầm trong xửng hấp bằng kim loại mà phải được gác lên những thanh gỗ bạch dương Na Uy được gọt đẽo sạch sẽ.

Thịt heo nướng ribbe có lẽ là món ăn ấn tượng nhất, vì cách làm và hương vị của nó rất giống với món thịt heo quay ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác với thịt quay có thể ăn quanh năm suốt tháng, ribbe chỉ xuất hiện vào dịp Giáng sinh mà thôi.

Sau khi đã no căng bụng với sườn cừu, thịt heo nướng và một số món ăn kèm khác như xúc xích đút lò, khoai tây nghiền, cải tím muối chua… và giảm độ ngán của thịt mỡ bằng vài ly rượu mạnh akevitt, cuối cùng món tráng miệng cũng được dọn ra. Bên cạnh những món tráng miệng quen thuộc như mousse chocolate, kem tươi ăn với các loại hoa quả, bánh gừng và bánh quy bơ thì bánh vòng kransekake luôn là món tráng miệng được cả nhà mong đợi!

CZECH

Say hương nồng Svařák ở chợ Giáng sinh Praha

Bài và ảnh: PÍTA PÍTA

Giáng sinh là lễ hội được yêu thích nhất và lớn nhất trong năm tại Cộng hòa Czech. Đặc biệt, không thể thiếu trước lễ Giáng sinh, có ý nghĩa tạo nên không khí đặc trưng của mùa lễ hội này phải kể tới chợ Giáng sinh.

Từ cuối tháng 11, khắp nơi trên cả nước Czech đều đồng loạt khai trương những khu chợ Giáng sinh. Nhưng lớn nhất phải nói đến chợ Giáng sinh ở thủ đô Praha, cũng là một trong những địa điểm được đông đảo du khách Châu Âu yêu thích.

Các khu chợ được tổ chức ở những quảng trường lớn: Havelské Náměstí (Old Town), Náměstí Republiky, Náměstí Míru, Tylovo Náměstí, trong đó địa điểm lớn nhất không thể bỏ qua - nơi có màn biểu diễn đèn thắp sáng trang trí cây thông hoành tráng nhất cùng nhạc đệm đó là quảng trường Old Town.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trang phục truyền thống, quà lưu niệm, đồ uống vào mùa đông giá lạnh hay các món ăn vặt… đều là những gì bạn có thể tìm thấy tại khu chợ. Bạn hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng của những món đồ được bày bán dịp này và đặc biệt chúng rất hiếm tìm được ở đâu khác.

Thưởng thức ẩm thực trong chợ Giáng sinh là một trải nghiệm độc đáo. Đa số đồ ăn đều do chủ tiệm tự tay chế biến ngay trước mắt du khách. Rất nhiều người háo hức muốn thưởng thức, dù phải mất thời giờ xếp hàng dài. Chiêm ngưỡng màn trình diễn nhịp nhàng từ đôi bàn tay người đầu bếp quả là một cách tận dụng thời gian rất thú vị trong lúc chờ đợi.

Thợ rèn cũng là những nhân vật góp phần làm nên không khí Giáng sinh cổ đặc trưng cho Praha. Những tiếng búa đập rất vui tai, hay những sản phẩm kỳ công và vui mắt - người chủ quầy hàng sau mỗi lần tạo ra một sản phẩm như vậy đều nhận được hàng tràng pháo tay hay loạt tiếng ồ thích thú của khách du lịch.

Dạo chợ Giáng sinh ở Praha, phần đông sẽ mua về nhà những món đồ đặc trưng và truyền thống không thể thiếu cho năm đó. Ví dụ như một chùm cây tầm gởi (tượng trưng cho những điều tốt lành, may mắn), vòng hoa thông hay tượng gỗ Bethlehem… Sau đó, du khách hoà vào dòng người tấp nập, vui vẻ tán gẫu bên những vại gỗ tựa như một chiếc bàn và trên tay cầm một cốc đồ uống nóng hổi sưởi ấm mùa đông lạnh giá.

Trong suốt mùa Giáng sinh ở Praha, những gian hàng gỗ sẽ được mở từ 10 giờ sáng đến 22 giờ tối mỗi ngày. Những quầy hàng ẩm thực có thể mở muộn đến nửa đêm. Khi nhắc đến Svařák, ta có thể tưởng tượng ngay đến một loại đồ uống làm từ nho được nấu nóng chỉ uống vào mùa đông giá rét. Người Czech cũng rất chuộng nướng các loại xúc xích trên lửa hồng nóng hổi cùng một lát bánh mì đen. Nhưng hầu như số đông sẽ chọn thưởng thức những đồ ăn vặt hơn. Ví dụ như hạt dẻ nướng nóng hổi,  khoai tây chiên, pancake, bánh mì ngọt. Bánh “Trdlo” hay còn gọi “Trdelník” là một loại bánh ngọt không thể thiếu ở những dịp chợ Giáng sinh trên đất Czech..

ÚC

Những nơi đón Giáng sinh không thể bỏ qua tại Melbourne

Bài và ảnh: Đăng Trình

Nói đến Giáng sinh, người ta thường nghĩ ngay đến những thành phố Châu Âu phủ đầy tuyết trắng, với những ngôi giáo đường cổ kính, dàn đồng ca và bầu không khí lễ hội tưng bừng. Thế nhưng, ngay tại nước Úc cũng có những điểm đến Giáng sinh không kém phần thi vị, dù rằng xứ sở chuột túi dịp này đang giữa mùa hè!

Chẳng cần đến Châu Âu xa xôi, bạn vẫn có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp với những toà kiến trúc Châu Âu cổ kính, cảnh quan đẹp mắt và cũng không kém phần thân thuộc. Dưới đây là hai trong số những điểm đón Giáng sinh tuyệt vời nhất tại Melbourne.

Montsalvat

7 Hillcrest Ave., Eltham VIC 3095

Nằm về phía đông bắc Melbourne và cách trung tâm thành phố khoảng 20km, Montsalvat là một "lãnh địa nghệ thuật" nơi trưng bày, trình diễn và giảng dạy các loại hình nghệ thuật thủ công như hội hoạ, thuỷ tinh, gốm sứ, dệt may, trang sức, và nhạc cụ. Khu trang viên rộng 12 mẫu này được thiết kế bởi kiến trúc sư Justus Jorgensen vào năm 1934, lấy cảm hứng từ phong cách châu Âu và phương pháp xây nhà bằng gạch bùn gần như thất truyền ở vùng Eltham. Montsalvat là tên gọi của toà lâu đài nơi cất giữ Chén Thánh, bắt nguồn từ truyền thuyết Vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn tròn ở Anh quốc.

Phảng phất café Tùng giữa xứ lạ

Điều đặc biệt nhất ở trang viên thơ mộng này là nhịp sống chậm rãi như ở Đà Lạt, với sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên, kiến trúc và con người. Ngồi nhâm nhi ly cà phê Latte đánh bọt sữa đúng điệu ở quán Boulevard ngay trước cổng, có thể khiến bạn nhớ đến tách cà phê thơm ngào ngạt ở quán Tùng, với không gian hoài cổ tràn ngập giọng hát Khánh Ly.

Lắng lòng nơi góc giáo đường

Điểm nhấn của Montsalvat là toà Đại Sảnh với kiến trúc đồ sộ trông như một toà lâu đài, với những sảnh trưng bày rộng lớn, một hồ nước hình chữ nhật với những tán hoa tử đằng rủ bóng, và những hành lang nhìn ra vườn hoa theo phong cách gothic thời Trung Cổ.

Nếu không có sự kiện nào đang diễn ra, bạn có thể tự do dạo quanh phòng tranh, nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật, chụp hình với ô cửa kính ghép màu mosaic, hay dạo một bản nhạc trên cây đàn dương cầm lớn đặt giữa sảnh đường. Hoặc nếu thích, bạn cũng có thể đi vòng ra phía sau toà nhà để thăm vườn hoa, đi bộ lên đồi thông để đến toà giáo đường nhỏ, để có những giây phút lắng lòng mùa Giáng sinh.

Thông tin thêm

Montsalvat mở cửa mỗi ngày từ 9:00 - 17:00. Từ nhà ga Flinders Street Station, bạn có thể bắt tàu đi Hurstbridge, xuống ở ga Eltham, sau đó bắt bus 582 để đến trạm dừng gần Montsalvat. Xem thêm thông tin tại: www.montsalvat.com.au.

Abbotsford Convent

1 St Heliers St, Abbotsford VIC 3067

Nếu bạn yêu thích Đà Lạt vì những kiến trúc cổ như Nhà thờ Con Gà hay Trường Cao đẳng Sư phạm, thì khi đến Melbourne, bạn không thể bỏ qua Abbotsford Convent. Đây là một tu viện trên 100 năm tuổi toạ lạc bên bờ sông Yarra thanh bình, cách trung tâm thành phố chỉ 4km. Vẻ bình yên, trầm lặng của nơi đây hoàn toàn cách biệt với thế giới phồn hoa náo nhiệt bên ngoài. Đây là nơi bạn đến khi muốn tìm những giây phút thảnh thơi hay hoài cổ.

Từ cổng vào, đi ngang qua những toà nhà cổ kính và những lối đi rợp bóng cây, bạn sẽ đến một bãi cỏ xanh ngát nhìn về phía dòng sông, nơi người địa phương hay đến bày tiệc dã ngoại vào mỗi cuối tuần.

Thưởng thức buffet chay

Hầu hết các toà nhà trong tu viện đều vẫn giữ nét kiến trúc bằng đá ban sơ, thanh thoát. Đặc biệt, trong khuôn viên Abbotsford Convent còn có nhà hàng Lentil As Anything phục vụ buffet chay organic theo kiểu "pay as you feel" (Trả tiền theo lòng hảo tâm). Thực khách sẽ tự lấy chén đĩa, dao nĩa, tự phục vụ đồ ăn, sau đó bỏ tiền vào một thùng gỗ đặt cạnh cửa ra vào, tuỳ theo khả năng tài chính hoặc cảm nhận của họ đối với món ăn.

Trải nghiệm đời sống nông trại

Ngay bên cạnh tu viện là Collingwood Children's Farm, một nông trại dành cho trẻ em, nơi cả gia đình có thể học hỏi về thiên nhiên và các loài muông thú như gà, ngựa, bò, heo...

Hoặc bạn cũng có thể tản bộ dọc bờ sông Yarra, hít thở bầu không khí trong lành không chút khói bụi. Vào ngày thứ Bảy thứ tư của mỗi tháng, tại tu viện còn tổ chức hội chợ nông dân, với những loại hoa quả theo mùa, thịt, trứng, phô mai, cá xông khói và sản vật địa phương.

Thông tin thêm

Abbotsford Convent mới được công nhận là Di sản Quốc gia vào tháng 8/2017. Để đến tu viện cổ này, bạn có thể bắt xe lửa theo chuyến South Morang hoặc Hurstbridge, xuống ở ga Victoria Park và đi bộ khoảng 10 phút, hoặc bắt bus 200/ 207 từ trung tâm Melbourne.

Dệt mộng giữa mùa tuyết rơi

Bài: Quế Lan. Ảnh: KTO & nhiều nguồn khác

Thật khó có thể tưởng tượng nổi Giáng sinh mà không có tuyết, dĩ nhiên là ở những xứ lạnh! Bởi thế, với những tín đồ đam mê xê dịch, đến những xứ sở của mùa Đông để tận hưởng cái lạnh của tuyết, dạo bước trong những ngôi làng tuyết, hay trượt tuyết không giới hạn tại nơi diễn ra Thế vận hội mùa đông Olympic 2018… là những trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn…

NHẬT BẢN

Dạo bước trong ngôi làng tuyết Shirakawa-go

Nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi các ngọn núi, những ngôi nhà cổ nhấp nhô, lấp ló sau những lớp tuyết dày trắng xóa chừng 1-2m, làng Shirakawa-go là điểm ghé thăm độc đáo dành cho du khách khi đến phía bắc vùng Tokai, tỉnh Gifu, Nhật Bản.

Đây là một trong số ít ngôi làng còn giữ được nét nguyên vẹn của phong cách kiến trúc nhà cổ Gassho-zukuri và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bạn có thể ngắm nhìn tận mắt kiến trúc này qua những ngôi nhà cổ với phần mái được làm bằng cỏ khô, có độ dốc để mưa và tuyết rơi xuống không bị đọng lại.

Ngôi làng còn thu hút du khách bởi phong cảnh thiên nhiên quyến rũ, các khu phố, cuộc sống sinh hoạt được giữ nguyên vẹn như xưa. Đến Shirakawa-go, bạn có thể tham quan Old Toyama House Ethnic Museum (Bảo tàng dân tộc học), Myozenji Local Museum (Bảo tàng dân gian địa phương), đi bộ trên cầu dây Deaibasi. Hay đơn giản là đi bộ dọc con đường nhỏ xen giữa những ngôi nhà cổ, ghé thăm các cửa hàng đồ lưu niệm và thưởng thức ẩm thực địa phương. Vào mùa Giáng sinh, bạn còn có cơ hội thưởng thức những chiếc bánh gừng độc đáo.

Đặc biệt hàng năm, làng Shirakawa-go đều tổ chức sự kiện light-up từ giữa tháng 1 đến tháng 2 vào các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từ 17h30 - 19h30. Đây là sự kiện thắp đèn cho những ngôi nhà dân Gassho-zukuri phủ đầy tuyết trắng, đem đến cho du khách cơ hội thưởng thức một cảnh tượng đẹp lung tinh, huyền ảo. Trong làng luôn có sẵn các Minshuku (nhà khách) để khách nghỉ lại, tuy nhiên, bạn phải đặt trước bởi làng luôn đón một lượng lớn du khách mỗi ngày.

Thông tin thêm

Bạn cần lưu ý những điều sau:

-Cần chọn loại giày tốt để tiện di chuyển, đi bộ tham quan

-Không nên tự tiện vào nhà người dân địa phương khi không được phép

-Các ngôi nhà đều làm từ vật liệu dễ cháy nên không hút thuốc ngoài những khu vực được phép

-Làng không có thùng rác nên du khách phải cầm rác ra về.

HÀN QUỐC

Trải nghiệm mới tại nơi diễn ra Thế vận hội mùa đông Olympic 2018

Nổi tiếng từ lâu với các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp vào mùa đông và là điểm đến cho các môn thể thao trên tuyết, PyeongChang là cái tên được du khách tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian vừa qua khi Thế vận hội mùa đông Olympic lần thứ 23 tới sẽ diễn ra từ ngày 9-25/2/2018 tại đây.

Đường xá và cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự kiện quan trọng cơ bản đã được hoàn tất như triển lãm mô hình các môn thể thao PyeongChang Olympic, sân bóng đá, sân golf... Bởi vậy, từ tháng 12, đến PyeongChang, du khách sẽ có vô vàn lựa chọn cho nhu cầu giải trí và nghỉ dưỡng. Đó là tổ hợp trượt tuyết nghỉ dưỡng hiện đại bậc nhất Alpensia với nhiều tiện ích gồm 6 đường trượt mọi cấp độ với sức chứa đến 3.000 người trượt cùng một lúc. Đó là tháp trượt tuyết kết hợp nhảy xa độc đáo Ski Jumping Tower - nơi cho phép các vận động viên trượt tuyết đạt đến tốc độ trượt 40km/h, cho đến tổ hợp trượt tuyết Phoenix Park Ski Resort - một trong top 7 khu trượt tuyết tốt nhất Hàn Quốc.

Những du khách chưa một lần trượt tuyết vẫn có thể thỏa sức nghịch tuyết hay được hướng dẫn tham gia các trò chơi trên tuyết như trượt phao, trượt xe trượt tuyết, vì hầu hết các khu trượt tuyết ở đây đều cung cấp đa dạng các khóa học ngắn hạn và đường trượt đa dạng.

Bên cạnh những trò chơi tuyết thú vị, du khách có thể ghé thăm trại chăn nuôi cừu Daegwallyeong, công viên quốc gia Odaesan và ngôi chùa linh thiêng hàng nghìn năm tuổi Woljeong. Hay tham gia lễ hội câu cá thường niên diễn ra từ ngày 22/12-5/2 tại PyeongChang.

Thông tin thêm

+ Lưu trú: Quần thể khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đẳng cấp Alpensia Resort; khách sạn 5 sao Intercontinental Alpensia Peyongchang Resort

+ Ẩm thực: Nên thử các món đặc sản nổi tiếng của địa phương như sanchae jeongsik (rau trộn gồm các loại rau rừng và rau cải); memil makguksu (tương tự như miến lạnh được làm từ kiều mạch); hwangtae-gui (cá biển nướng); Daegwallyeong hanu (thịt bò Hàn Quốc) và gỏi cá hồi.

TRUNG QUỐC

Tuyết rơi “bao phủ” Bắc Kinh khi đông về

Thay vì thực hiện những chuyến chu du đắt đỏ tới tận các quốc gia Châu Âu để thưởng ngoạn tuyết rơi, du khách có thể ghé thăm quốc gia láng giềng Trung Quốc với thủ đô Bắc Kinh và cảm nhận mùa đông rõ rệt nhất.

Bắc Kinh là địa điểm du lịch khá quen thuộc với du khách Việt và du khách quốc tế, song sẽ thật thiếu sót nếu bạn không tới thăm thủ đô này vào mùa Đông để tận hưởng trọn vẹn cái gió, cái lạnh và những nét hấp dẫn riêng của thành phố này.

Du khách nên tới Di Hòa Viên để ngắm Vạn Thọ Sơn phủ đầy tuyết, một Cố Cung uy nghiêm, trang trọng và u tịch, hồ Côn Minh quyến rũ với những lớp băng dày, cho tới vạn Lý Trường Thành kỳ vỹ trong không gian ngập tràn tuyết trắng.

Giáng sinh và chiếc vòng mùa vọng

Bài: Bảo Khuyên | Ảnh: Nhiều tác giả

Mỗi mùa Giáng sinh, ta lại bắt gặp những chiếc vòng lá mùa vọng treo đầy trên các cánh cửa. Ngoài ý nghĩa đại diện cho Giáng sinh, chiếc vòng lá ngoài cửa còn biểu thị của sự viên mãn, đoàn kết và nhánh lá thường xuân biểu thị cho chiến thắng của sự sống qua suốt mùa Đông dài.

Mùa Đông bắt đầu khi cơn gió thổi qua. Cái lạnh bắt đầu len qua kẽ áo ngấm dần vào da thịt. Và những cơn gió mang theo tuyết bất ngờ ập đến phủ trắng cả ngọn tuyết tùng. Cánh rừng xanh mướt chỉ sau một đêm đã trở nên trắng xóa. Lúc đó, trên mọi nẻo đường bất chợt vang lên giai điệu nhộn nhịp của bài “Silient night”, như báo hiệu mùa Giáng sinh đã về.

Tại nhiều nước phương Tây, người ta trang trí cây thông, trang hoàng nhà cửa như một điều hiển nhiên. Bạn sẽ chẳng lạ lẫm khi bắt gặp chiếc vòng hoa đủ kiểu dáng, đủ màu sắc treo ngoài cửa lớn. Chiếc vòng lá mùa vọng không chỉ mang lại không khí mùa lễ hội, nó còn khiến cho cuộc sống của những người xa nhà trở nên ấm áp.

Chiếc vòng tròn không đầu không cuối còn tượng trưng cho sự vĩnh hằng của tình yêu Thiên Chúa. Màu xanh của lá thể hiện sự hy vọng, chờ đợi ngày Chúa xuống. Tất cả sắc màu lung linh được đính lên chiếc vòng đều mang sắc màu của Giáng sinh, của niềm hân hoan, hứng khởi.

Và khi bản nhạc "Merry Christmas Baby" của Hanson bắt đầu vang lên đâu đó, chiếc vòng hoa đã nằm an vị trên chiếc cửa gỗ, ta biết một mùa Giáng sinh nữa lại về.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES