Gorée, tự do giữa đảo nô lệ

19/03/2015

Gorée của kiếp bi thương nô lệ giờ đã được thay thế bằng Gorée của những trái tim nghệ sĩ. Còn đối với tôi, Gorée sẽ là kỷ niệm mãi nhớ, về một buổi ngắm hoàng hôn lãng mạn từ khoảng sân hoang tàn nơi góc đảo.

Bài: Trang Ami | Ảnh: Maggy Leoncelli

Buổi tối mới đến Dakar, tôi tình cờ gặp anh chàng địa phương ở quán bar Anh chàng vui vẻ (Le Jovial). Anh chàng làm nghề lễ tân khách sạn này đưa số điện thoại và hẹn sẽ dắt tôi đến đảo Gorée vào một ngày nào đó do chính tôi chọn lịch. Trước khi rời quán, anh còn cố nói: “Nếu em đến Dakar mà không đi Gorée thì anh tiếc dùm em đấy!”. Để chàng ta khỏi tiếc, tôi quyết định đến thăm Gorée. Nhưng là với một anh chàng khác. 

 

Không lối về

Gorée là một hòn đảo nằm quay mặt về hướng đối diện thủ đô Dakar của Senegal. Tuy chỉ cách thủ phủ chừng 2km nhưng hòn đảo lại mang trong mình một thân phận lịch sử hoàn toàn riêng biệt. Trong khoảng giữa thế kỉ 15 đến 19, đây là điểm giao dịch nô lệ lớn nhất khu vực châu Phi. Suốt 400 năm ấy, chẳng ai muốn đến Gorée vì điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải khoác lên mình kiếp nô lệ, chẳng biết ngày mai được đưa đi đâu và cũng không thể tự định đoạt được số phận chính mình. Ước tính, có khoảng 20 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em châu Phi đã bị mang đến Gorée để bán cho những người chiếm hữu, trước khi bị chuyển lên tàu, vượt Đại Tây Dương sang Bắc Mỹ, Nam Mỹ và các nước vùng Caribe. 

 

 

Loanh quanh trên đảo, đến đâu cũng có thể bắt gặp những công trình ít nhiều gắn bó với những tháng ngày đen tối của lịch sử nhân loại: đồn lũy, xà lim, đường phố, quảng trường, nhưng sống động nhất vẫn là House of slaves (Ngôi nhà của những người nô lệ).

Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1776 bởi người Hà Lan này cũng chính là ngôi nhà nô lệ cuối cùng tồn tại ở Gorée. Đến thăm bảo tàng, bạn sẽ được chứng kiến những chiếc xà lim với diện tích vỏn vẹn 2,6 x 2,6m từng là nơi giam giữ từ 15 đến 20 người nô lệ.

 

 

Tất cả những ngôi nhà nơi khu vực rìa đảo, thậm chí là cả chính điện của nhà thờ hiện nay, đều đã từng là những nhà giam cầm. Các cô gái trẻ được giam giữ tách biệt với phụ nữ lớn tuổi vì họ có giá hơn. Thậm chí còn có cả một căn xà lim tách biệt dành cho những nô lệ tạm thời không đủ điều kiện, mà cụ thể là những nam nô lệ có mức cân nặng tối thiểu dưới 60kg. Ở đó, họ sẽ được “vỗ béo” bằng món đậu niebe để sớm tăng trọng lượng cơ thể.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Đến thăm Ngôi nhà của những người nô lệ, bạn sẽ nhìn thấy một hành lang hẹp và dốc còn in dòng chữ “Cánh cửa không có đường trở lại”. Một khi bước qua khỏi cánh cửa này để dẫn ra khu vực đậu tàu, những người nô lệ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại đất mẹ nữa. Cũng tại đây, rất nhiều trong số họ đã nhảy xuống biển mong tìm cách trốn thoát để rồi thấy mình chẳng thể đi quá xa vì bị bắn bởi lính canh hoặc bị cấu xé bởi cá mập. Chính những vết thương còn lại sau thời gian bị xiềng xích cầm tù đã “tố cáo” họ với lũ cá háu đói ấy.

 

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải thốt lên hai chữ “rất mạnh mẽ” để nói về cảm xúc của mình sau khoảnh khắc bước qua hành lang hẹp nơi Ngôi nhà nô lệ. Và cũng chính những dấu tích gắn liền với thời kỳ lịch sử quan trọng này mà UNESCO đã công nhận các công trình trên đảo Gorée là di sản thế giới vào năm 1978. 

Bên cạnh “House of slaves” (đóng cửa vào thứ hai), trên đảo còn có IFAN Historical Museum (bảo tàng về lịch sử Senegal), Musée de la Femme (bảo tàng phụ nữ) hoặc Maritime Museum (bảo tàng hải dương học) cho bạn khám phá.

 

Gorée của những xúc cảm mới

Gorée chất chứa vẻ đẹp “đa chủng tộc” do được khoác lên mình những mảng màu khác nhau. Qua mỗi thời kỳ cai quản, người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Anh, người Pháp đã không chỉ đảm nhiệm công việc cai trị mà còn để lại ít nhiều những nét kiến trúc riêng biệt trên mỗi mảng tường, mái ngói, hàng cây.

Tôi mê cảm giác ngồi nghỉ trưa nơi góc thềm Bảo tàng Hải dương học. Khi đó, tôi đã được nhìn ngắm những bận rộn của dân làng. Lanh lảnh bên tai là tiếng hò hét vui vẻ của đám trẻ địa phương quanh trái bóng lăn, trước mắt là hình ảnh cụ già thong thả chuyện trò dưới bóng râm bao báp, xa xa là cảnh những người mẹ địu con trong hiu hiu gió biển Đại Tây Dương.

 

 

Theo lời của Caty, một người phụ nữ làm nghề bán trang sức địa phương, hòn đảo “không xe hơi, không cả xe đạp” này hiện là nơi sinh sống của khoảng 1.700 người. Cư dân gắn bó nhất với hai nghề đi biển và kinh doanh các mặt hàng trang sức. Khi thuyền vừa cập bến cũng là lúc những phụ nữ bán hàng tụ lại. Cứ thế, họ đi theo thân thiết gọi bạn là “cô bạn gái yêu dấu của tôi ơi”, “em gái nhỏ bé ơi” và tiếp đó sẽ là tiết mục khen bạn đẹp (nhưng vẫn đẹp hơn khi khoác lên mình trang sức của họ, tất nhiên!) Kinh nghiệm là nếu không đi cùng với dân địa phương thì tốt nhất là đừng mua gì cả vì kiểu gì bạn cũng sẽ bị hớ. Cô bạn Maggy của tôi từng được chào mời chiếc vòng cổ giá khởi điểm 40.000 CFA, nhưng rút cuộc lại mua về với số tiền vỏn vẹn 6.000 CFA.  

 

 

Bỏ lại tất cả náo nhiệt của khu vực bến tàu, anh chàng đồng hành rủ tôi cùng nhau lên le Castel, một khu đồi lởm chởm đá bao lấy vùng công sự của đảo, cũng là nơi có góc nhìn bao quát xuống toàn bộ hòn đảo.

Mở ra trước mắt tôi là cuộc sống len lỏi trong những ngóc ngách của công trình quân sự. Chủ nhà là những người nghệ sĩ hào phóng. Họ sẵn sàng mở toang cửa nhà mời bạn vào chơi sau chỉ một nụ cười chào, lôi cho được những quả bao báp nơi góc nhà ra bóc tách “biểu diễn” thứ quả truyền thống, hay thậm chí là cố nhét vào tay bạn đứa cháu hàng xóm và đòi được chụp ảnh bạn với thằng nhóc. Tất cả những gì họ làm chỉ vị một mục đích duy nhất: để bạn có một ấn tượng Gorée độc nhất. 

 

 

Trong số những cư dân ở ngôi làng công sự này, nổi nhất có lẽ là Balla Ngongo, người nghệ sĩ Senegal nổi tiếng đã quyết định chọn le Castel ở Gorée làm nơi triển lãm một vài công trình sáng tác của mình. Hầu hết những tác phẩm này được làm từ vật liệu tái chế.

Lang thang giữa ngôi làng nghệ sĩ, bạn sẽ nhìn thấy một khẩu súng thần công khổng lồ chóc ngóc trên đỉnh đồi công sự. Khẩu thần công có tầm bắn đến 14km này chỉ được dùng đúng một lần vào năm 1940 bởi người Pháp, nhằm bắn hạ một chiếc thuyền của Anh trong trận chiến Dakar. Đến nay, dù gỉ rét xác súng vẫn còn nằm lại trên đỉnh. Điều thú vị là những xưởng vẽ thông nhau trong hầm công sự tối om kia có thể sẽ được dẫn ra ngoài từ “bụng” khẩu thần công ấy. Một khám phá bất ngờ và đủ vui cho một buổi chiều lang thang trên đồi.

 

 

Thế nhưng, le Castel lại không phải chốn lí tưởng nhất để ngắm vẻ đẹp cuối ngày ở Gorée. Tin tưởng kinh nghiệm lần thứ 5 đến đảo của anh chàng đồng hành, chúng tôi cùng nhau thả dốc xuống dưới trung tâm đảo và tiến vào một khoảng sân khuất. Nếu trí nhớ của tôi đủ tốt thì đó là ngôi nhà hoang có gắn biển “Sapeur Pompier” (Lính cứu hỏa) của một thời xa cũ. Ngắm hoàng hôn tại nơi này đẹp hơn trên đỉnh công sự vì ở đây có tiếng trống sabar vẳng bên tai, có những điệu nhảy của mấy cô gái đảo, có tiếng cười đùa của lũ trẻ con chơi trò rượt đuổi và có cả một Dakar đang lên đèn trước mắt… 

Ngắm hoàng hôn tại nơi này đẹp hơn trên đỉnh công sự vì ở đây có tiếng trống sabar vẳng bên tai, có những điệu nhảy của mấy cô gái đảo, có tiếng cười đùa của lũ trẻ con chơi trò rượt đuổi và có cả một Dakar đang lên đèn trước mắt…

 

Có lẽ vì khoảnh khắc này mà hoàng hôn lại là thời điểm nhiều cặp tình nhân cập bến Goreé nhất. Từ Dakar, họ chờ cho những dấu chân khách du lịch đã rời đi rồi mới lên phà ra đảo. Cũng đâu có xa, giữa Dakar và Gorée chỉ cách nhau có một chuyến phà kéo dài 20 phút. Và nếu có để lỡ chuyến phà cuối cùng lúc 11 giờ đêm thì cũng chẳng sao! Ngắm hoàng hôn cùng nhau trên đảo đã là một cái cớ quá thuyết phục để ở lại đây đêm nay…  

Thông tin thêm:

- Từ Việt Nam, bạn có thể bắt chuyến bay thẳng đến Paris rồi từ đây lại bắt các chuyến bay Air France từ Paris sang Dakar (khoảng 5 giờ đồng hồ)

- Francs CFA là đồng tiền được sử dụng rộng rãi ở một số nước khu vực Tây Phi, trong đó có Senegal

- Loài cây biểu tượng của Senegal với hình hài sum suê như những bộ rễ mọc ngược có tên là baobab (bao báp). Cơm khô trong trái baobab được dùng làm một loại nước uống phổ biến có tên là “Bui”

- Việt Nam không có đại sứ quán Senegal nên thủ tục xin visa sẽ được thực hiện qua Internet. Mọi thông tin liên quan, bạn có thể tìm thấy tại www.visasenegal.sn (tiếng Pháp và tiếng Anh).

RELATED ARTICLES