Hà Nội hút khách Trung Quốc bằng các sản phẩm “may đo”

06/04/2023

Xác định Trung Quốc là thị trường khách quốc tế trọng điểm, ngành du lịch Hà Nội đang đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, “may đo” riêng nhằm thu hút và phục vụ tốt thị trường này.

Tuyến du lịch kiểu mẫu

Lâu nay, Trung Quốc luôn là thị trường quốc tế có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch, nhưng phải đợi tròn 1 năm sau, Chính phủ Trung Quốc mới đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch cho công dân du lịch theo đoàn. Đây là điều kiện thuận lợi để hai bên thúc đẩy, khôi phục lại hoạt động du lịch bình thường.

Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nắm bắt nhu cầu du lịch của người dân hai nước đang như lò xo nén lại lâu ngày, ngày 28/3/2023, tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng (Việt Nam) cùng với châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” (gồm Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh của Việt Nam và Côn Minh, Hồng Hà của Trung Quốc). Từ trước dịch Covid-19, đây được coi là một trong những sản phẩm du lịch kiểu mẫu, mang dấu ấn đậm nét của tình hữu nghị, gắn kết hợp tác giữa các địa phương của hai quốc gia láng giềng; đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Ngành du lịch các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tâm thế sẵn sàng, nồng nhiệt chào đón du khách đến từ Trung Quốc với những dịch vụ du lịch đảm bảo chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách”. Bà Giang cũng cho biết, năm 2023, TP. Hà Nội sẽ đăng cai Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ 10. Năm 2022, Thủ đô Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), trong đó có nội dung triển khai hợp tác phát triển du lịch.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hà Nội luôn xác định, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu. Vì vậy, bà Giang cho hay, Hà Nội sẽ tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch... Từ đó, tăng tốc phục hồi thị trường du lịch quốc tế và làm nền tảng phát triển ngành kinh tế xanh Hà Nội.

Xây dựng các sản phẩm “may đo”

Bà Vũ Nam Phương, CEO PNTrip cho biết, hiện tại, du khách Trung Quốc đến với PNTrip thuộc 2 nhóm chính. Đó là các đoàn doanh nhân đi tour hội nghị, tour triển lãm, tour khảo sát thương mại đầu tư. Nhóm thứ hai là các tour tự do đi theo nhóm gia đình và bạn trẻ, thường đi vào mùa hè.

“Hậu Covid-19, khách Trung Quốc thích các sản phẩm, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể thao tốt cho sức khỏe theo nhóm gia đình, nghỉ dưỡng tự túc, tour hội nghị”, bà Phương bật mí và dự đoán, từ đầu tháng 5/2023, du khách Trung Quốc sẽ quay trở lại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung như trước dịch.

Để đón “làn sóng” du khách từ Trung Quốc, bà Giang cho hay, Hà Nội sẽ tăng cường kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của Thủ đô, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch Trung Quốc như tour du lịch “Hoàng thành Thăng Long”, tour Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hoàng thành Thăng Long và nghỉ dưỡng tại Khu du lịch đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội; tour du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sóc Sơn… Các sản phẩm mới như du lịch chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp truyền thống, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo, hay tour chơi golf… cũng sẽ được “may đo” cho du khách Trung Quốc.

Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội.

Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ chủ động, tích cực tham gia các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc); chủ trì và phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)…

Bà Giang mong muốn chính quyền hai bên tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp thúc đẩy hợp tác khôi phục Chương trình du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”, tiến tới trở thành sản phẩm du lịch chính của doanh nghiệp mỗi bên; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, hỗ trợ giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh thuận lợi nhất để sẵn sàng đón khách du lịch.

Đặc biệt, các bên phối hợp nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực thi Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm sớm khai thác tuyến xe chở khách du lịch đến hai quốc gia và các địa phương. Đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm triển khai hình thức du lịch bằng xe tự lái với các điều kiện kèm theo của các tuyến “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”.

Bi Lê - Nguồn: Báo đầu tư
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES