Hà Nội, ngày Tết đi đâu?

20/01/2023

Hà Nội những ngày cận kề Tết khiến không khí háo hức, hân hoan, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Và dưới đây là các địa điểm vui chơi ở Hà Nội giúp bạn cảm nhận rõ nét không khí Tết cổ truyền.

1. Phố cổ

Phố cổ là địa điểm vui chơi Hà Nội nổi tiếng không thể bỏ lỡ. Vào dịp Tết, phố phường Hà Nội tràn ngập sắc xuân của những cành đào, đèn lồng, hoa lan, cây quất… Đặc biệt, tại các khu phố cổ, không khí nhộn nhịp bao trùm khắp các hàng quán.

Bạn có thể thỏa thích mua hoa tươi, đào rừng tại phố Phùng Hưng, mua đồ trang trí tại phố Hàng Mã, mua cổ vật, đồ đồng hay gốm sứ tại Hàng Đồng… Đừng quên lưu lại những bức ảnh tuyệt đẹp tại khung cảnh hoài cổ của những khu phố này.

Hàng Mã những ngày cận Tết được nhuộm sắc đỏ bởi đồ trang trí

Hàng Mã những ngày cận Tết được nhuộm sắc đỏ bởi đồ trang trí

Ngoài ra, đi chợ Tết phố cổ Hà Nội cũng là điều bạn chắc chắn phải thử. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, phố phường của Hà Nội nhộn nhịp hơn bao giờ hết, dòng người hối hả, tấp nập mua sắm. Đặc biệt, dạo qua các tuyến phố chuyên kinh doanh các mặt hàng phục vụ tết như Hàng Mã, Hàng Trống, Hàng Lược, khu vực chợ Đồng Xuân… ở đâu cũng bắt gặp không khí nhộn nhịp bởi hai bên hè phố có đầy đủ các mặt hàng được bày bán, cảnh người mua, người bán tấp nập, hối hả, sôi động làm cho phố phường trở nên nhộn nhịp tràn ngập sắc xuân.

Chợ Tết truyền thống tại khu vực phố cổ Hà Nội vui hơn bao giờ hết. Hoa và rất nhiều mặt hàng phục vụ Tết đang đổ dồn về liên tục thu hút người dân đến mua sắm và vui chơi.

2. Vườn đào Nhật Tân

Để biết được không khí Tết gần kề thì hãy đến ngay vườn hoa Nhật Tân. Đến đây, bạn sẽ được chìm đắm trong không gian mênh mông của những bông hoa đào khoe sắc rực rỡ. Vườn đào Nhật Tân là địa điểm check-in Tết Hà Nội được nhiều người ghé thăm. Mọi người thường cùng nhau đến đây chụp ảnh, lưu giữ lại những bức ảnh Tết đáng nhớ.

Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi đây luôn nhộn nhịp với khung cảnh người nông dân đang chăm sóc, tỉa hoa để có được những chậu hoa có dáng tuyệt đẹp. Ngoài ra, khung cảnh người dân chăm sóc hoa, tưới hoa, tuyển những chậu hoa ưng ý và cắt những cành hoa đẹp bán cho du khách về chưng Tết cũng tấp nập hơn bao giờ hết.

Đến vườn đào Nhật Tân, bạn sẽ được chìm đắm trong không gian mênh mông của những bông hoa đào khoe sắc rực rỡ

Đến vườn đào Nhật Tân, bạn sẽ được chìm đắm trong không gian mênh mông của những bông hoa đào khoe sắc rực rỡ

Từ trước Tết Nguyên đán 30 - 45 ngày, các luống đào đã được tuốt hết lá, một kỹ thuật cần thiết để những cành đào nở hoa đúng thời điểm Tết. Gần đây thời tiết lạnh, nên hoa đào nở đúng dịp Tết để phục vụ thị trường. Phía bên ngoài làng Nhật Tân, ngay lối vào chợ hoa Quảng An - nơi tiêu thụ chính của đào Nhật Tân, người dân cũng tấp nập ngắm, hỏi mua đào về chơi Tết. Đào Nhật Tân được bày bán khắp các chợ ở Hà Nội, những cành đào làm đỏ rực cả một góc phố.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nếu hoa mai là biểu tượng mùa Xuân của miền Nam thì hoa đào là biểu tượng mùa Xuân miền Bắc. Do đó, sắc đào hồng thắm luôn hiện diện trong những khung hình liên quan đến Tết. Dù là đào tự nhiên hay đào đã được trang trí đẹp mắt, những cánh đào luôn mang đến cảm giác xuân tươi mới.

3. Du xuân, đi lễ chùa đầu năm

Từ xưa đến nay, đi lễ đền, đi chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về lại là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Vì thế đi lễ đền, chùa đầu năm chắc hẳn đã là 1 hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân vào dịp Tết đến, xuân về.

Người xưa quan niệm, vào dịp Tết hay đầu năm mới, nên đi lễ chùa cầu may, phù hộ cho gia đình, bạn bè, cho những người thân yêu một năm đủ đầy, hạnh phúc, và gặp nhiều may mắn

Người xưa quan niệm, vào dịp Tết hay đầu năm mới, nên đi lễ chùa cầu may, phù hộ cho gia đình, bạn bè, cho những người thân yêu một năm đủ đầy, hạnh phúc, và gặp nhiều may mắn

Du lịch Tết miền Bắc, hãy ghé đến chùa Hương linh thiêng. Không khí nô nức của lễ hội đầu năm và những đóa hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn sẽ khiến du khách mê mẩn. Ngoài các nghi lễ linh thiêng, du khách còn được tham gia vào phần hội hấp dẫn với các hoạt động như chèo thuyền, hát xẩm, hát chầu văn, leo núi. Ngồi trên chiếc đò nhỏ, ngắm nhìn cảnh sông nước hữu tình và thưởng thức các làn điệu dân ca ngọt ngào sẽ là trải nghiệm hấp dẫn dịp đầu năm.

Hay nằm bên hồ Tây thơ mộng, phủ Tây Hồ luôn là địa điểm chơi Tết ở Hà Nội được nhiều người ghé thăm. Phủ Tây Hồ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu linh thiêng. Vào dịp lễ đầu năm, mọi người thường đến đây để dâng lễ và cầu mong may mắn, bình an. Bạn nên chuẩn bị trước phần lễ chay hoặc lễ mặn ở nhà.

Ngoài ra, một số địa điểm nổi tiếng đi lễ chùa đầu năm tại Hà Nội như: Chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh...

4. Xin chữ ông đồ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám

Cứ mỗi khi xuân sang, những ông đồ lại bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều tại Văn Miếu cổ kính để chờ người ghé xin chữ. Xin chữ đầu năm là phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt. Những nét chữ uyển chuyển, mềm mại chứa đựng những mong ước của mọi người về một năm mới an lành, hạnh phúc. Chữ Nho được viết trên giấy đỏ - màu sắc mang lại sự may mắn, phúc thọ tràn đầy.

Xin chữ đầu năm là phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt

Xin chữ đầu năm là phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt

Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng là một trong những truyền thống lâu đời của người dân Thủ đô. Đặc biệt, từ ngày mùng 3, theo quan niệm dân gian là ngày Tết thầy, lượng khách đổ về Văn Miếu rất đông đúc.

Văn Miếu Quốc Tử Giám mở cửa quanh năm nhưng dường như chỉ những ngày đầu xuân tấp nập người ra vào hơn cả. Học sinh, sinh viên tới đây rất nhiều với ước mong việc học hành trong năm tới suôn sẻ, thi cử đỗ đạt.

5. Xem bắn pháo hoa ở Hồ Gươm

Giống như một thông lệ hằng năm, Hồ Gươm luôn là địa điểm nằm trong danh sách được phép bắn pháo hoa tại Hà Nội. Với người Hà Nội, Hồ Gươm luôn là một địa điểm chơi Tết Nguyên đán quen thuộc không thể thiếu.

Vào đêm trước ngày bước sang năm mới, mọi người cùng gia đình, người thân đi tản dạo quanh khu vực phố đi bộ quanh hồ Gươm để hàn huyên, tâm sự, điểm lại những sự kiện của năm cũ.

Hồ Gươm luôn là địa điểm nằm trong danh sách được phép bắn pháo hoa tại Hà Nội hàng năm

Hồ Gươm luôn là địa điểm nằm trong danh sách được phép bắn pháo hoa tại Hà Nội hàng năm

Hàng nghìn người đổ về khu vực này khiến Hồ Gươm vô cùng đông vui nhộn nhịp, cũng nhờ đó mà cái lạnh của những đợt gió đông có phần được giảm bớt. Vào đêm giao thừa, rất đông người từ khắp các quận huyện quanh khu vực Hà Nội đều đổ về Hồ Gươm để ngắm nhìn thời khắc chuyển giao sang năm mới.

6. Xem phim ở rạp

Ra rạp xem phim là thói quen, sở thích của nhiều người dân tại Hà Nội vào đầu năm mới. Một số rạp phim dịp Tết đã liên tục tăng suất chiếu để đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phim Tết năm 2023 đã trở lại trong sự chờ đợi và hy vọng của đông đảo khán giả. Rất nhiều bộ phim hấp dẫn dự kiến sẽ chiếu trong những ngày Tết năm nay.

Phương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES