Theo trang du lịch Travel Tomorrow, các quốc gia châu Á đã nới lỏng các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 nhưng diễn biến chậm hơn so với các nước ở châu lục khác nên phần nào làm chậm lại sự phục hồi trở lại của du lịch.
Mới đây, Trung Quốc cũng đã kết thúc chính sách 0-Covid và các nước láng giềng nhận thấy nhu cầu lớn hơn đối với du khách Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Một báo cáo gần đây từ công ty Phocuswright cho thấy sự phục hồi du lịch của các quốc gia châu Á sẽ không mất nhiều thời gian. Phân tích đã xem xét khu vực Đông Bắc Á, điển hình là Hàn Quốc cho thấy sự phát triển trở lại của ngành du lịch với nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến nhiều hơn.
Xem xét tổng số lượt đặt trước vào năm 2021, Hàn Quốc rõ ràng dẫn đầu với tư cách là một điểm đến du lịch trong khu vực. Nhìn vào tỷ lệ đặt phòng trực tuyến thì sự khác biệt càng trở nên rõ ràng hơn. Quốc gia này chiếm 61% trong tổng số lượt đặt phòng trực tuyến được thực hiện ở Đông Bắc Á vào năm 2021.
"Mặc dù các hạn chế đi lại nghiêm trọng và việc thiếu du khách Trung Quốc là thách thức đối với khu vực, nhưng suy thoái dự kiến sẽ không kéo dài. Trong tương lai, ngành du lịch có thể lạc quan bởi sự quay trở lại của du khách Trung Quốc và quá trình kết nối hàng không trên khắp thị trường châu Á –Thái Bình Dương sẽ gia tăng số lượng khách đến từ các thị trường khác", công ty Phocuswright nói và dự đoán doanh thu từ du lịch ở khu vực Đông Bắc Á sẽ vượt qua mức trước đại dịch trong năm 2023.
Phân tích cũng cho thấy rằng điện thoại thông minh ngày càng được sử dụng nhiều hơn, phục vụ nhu cầu của du khách đặt trước dịch vụ cho kỳ nghỉ. Mặc dù tỷ lệ đặt phòng trực tuyến trên thiết bị di động từng đạt đỉnh vào năm 2021, nhưng báo cáo dự đoán thao tác thực hiện ứng dụng qua điện thoại thông minh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, "dễ dàng" vượt qua mức của năm 2019 trong năm nay và sẽ tăng hơn gấp đôi kỷ lục so với năm 2019 vào năm 2025.
"Lĩnh vực du lịch thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ tiếp tục phát triển ở Hàn Quốc. Các thương hiệu du lịch trực tuyến nội địa như Good Choice, Yanolja, MyRealTrip và Tidesquare đã đầu tư khôn ngoan vào công nghệ trong thời kỳ đại dịch nhằm thu hút số lượng đặt phòng lớn trong nước và chuẩn bị cho xu hướng du lịch quốc tế nóng lên sắp tới", Phocuswright nhấn mạnh.
Hàn Quốc chú ý phát triển dịch vụ du lịch trên các nền tảng kỹ thuật số và xem đây là một phần trong kế hoạch thu hút 30 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2027. Sau khi mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế vào ngày 1/4/2022, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) đã công bố các biện pháp bao gồm nới lỏng các hạn chế liên quan đến du lịch nhằm thu hút 30 triệu khách du lịch vào năm 2027, khi biên giới các nước trên khắp thế giới đang mở cửa trở lại.
Thông qua các dịch vụ nền tảng du lịch kỹ thuật số và các chương trình du lịch kể chuyện có nội dung ở Hàn Quốc, bao gồm các thành phố như Gyeongju, Jeju, Suwon, Busan, Chuncheon và tất nhiên là cả thủ đô Seoul, ngành du lịch Hàn Quốc hy vọng sẽ phát triển hơn nữa trong những năm tới.
Bên cạnh đó, KTO cũng đã công bố kế hoạch hợp tác với nền tảng metaverse Zepeto để thiết kế "Thế giới làng du lịch Hàn Quốc" theo 8 chủ đề du lịch khác nhau.