Hành hương Adam’s Peak, núi dấu chân Thánh tại Sri Lanka

11/01/2016

Một hàng dài những ngọn đuốc thắp sáng con đường dài 5200 bậc từ chân núi đến tận đỉnh cao nhất. Trong không khí sương đêm của mùa đông khá lạnh, tiếng hát của những vị khách hành hương khiến chúng tôi ấm lòng. Hòa cùng dòng người kéo dài, chúng tôi chờ đón ánh bình minh đầu tiên chiếu rọi trên khắp mảnh đất Sri Lanka.

12h đêm. Trời quánh đặc và không trăng không sao. Sau một trận mưa lớn, thời tiết đột ngột chuyển lạnh, nhóm chúng tôi khoác áo ấm, đeo balo cá nhân, thêm chiếc áo mưa và mũ, rời điểm nghỉ để đến chân Adam’s Peak – đỉnh thiêng hành hương của người dân đất nước này.

Dù thời tiết mùa đông của Sri Lanka chỉ khoảng 20 độ C, nhưng sau cơn mưa nặng hạt, trời lạnh hơn hẳn. Những tưởng mưa gió thế này, sẽ có ít người leo núi hành hương, nhưng vào lúc 2h sáng, đã có đến vài chục người rục rịch chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Một vài cây đuốc đã được thắp sáng, những chiếc đèn pin quét loang loáng và hệ thống đèn thắp trên các bậc thềm cũng vẫn đang sáng bừng, khiến con đường phía trước hun hút sâu sau nhiều khúc ngoặt. Các hàng quán đóng cửa im ỉm, chỉ có tiếng mưa tí tách trên những mái gianh, tiếng bước chân đều đặn và tiếng cầu kinh khe khẽ của những người khách hành hương. Chúng tôi cũng hòa vào với đám đông, bước những bước đầu tiên trên những bậc thềm.

Đối với hầu hết các du khách, chuyến đi thường bắt đầu từ Dalhousie, một ngôi làng nhỏ nằm ở phía bắc của ngọn núi. Từ Dalhousie, bạn phải leo khoảng 7 km và mất trung bình khoảng 3-4 giờ. Sau một vài đoạn đường bằng phẳng và đi qua những ngôi chùa nhỏ, con đường dốc dần và các bậc thềm cứ đều hun hút. Đã thấm mệt, chúng tôi dừng lại nghỉ ngay tại chỗ, uống nước và ăn chút đồ ngọt để tiếp thêm năng lượng. Các bậc thềm cứ nối tiếp nhau cao mãi, cao mãi. Cái lạnh đã nhường chỗ cho những giọt mồ hôi rịn trên má và đôi chân đã mỏi. Nhưng tôi không dám bỏ chiếc áo khoác vì sợ sương đêm và khí lạnh dễ làm người leo núi bị cảm. Các nhóm phía trước cũng đã dừng nghỉ ngay tại chỗ. Trong ánh sáng le lói của ánh đèn pin và ánh nến, những người hành hương cùng chúng tôi hôm nay có cả người lớn và trẻ nhỏ, cả những cụ già lưng còng tóc bạc lẫn những cậu thanh niên khỏe mạnh. Một đôi bạn nước ngoài đã đi lên trước, vượt qua chúng tôi cả một quãng khá xa. Và chúng tôi gặp lại họ vào sáng hôm sau, khi cùng nhau ngắm mặt trời mọc huy hoàng trên đỉnh núi Adam’s Peak.

Người ta tin rằng người đầu tiên phát hiện ra dấu chân Thánh là vua Valagambahu (104 – 76 TCN), trong thời gian ông sống lưu vong trong vùng núi hoang dã. Cho đến nay, việc dấu chân Thánh là của ai vẫn còn được bàn cãi. Các giáo hội vẫn tin rằng đó là dấu chân đặc biệt của các vị thánh trong tín ngưỡng của mình. Tương truyền trên đỉnh núi Adam Peak còn in lại dấu ấn bàn chân Đức Phật. Vào năm thứ 8 sau khi giác ngộ, Đức Phật đã đến thăm Kelaniya theo yêu cầu của vua Naga Maniakkika. Đức Phật đã đi cùng 500 tu sĩ. Sau khi tạm trú ở Kelaniya, Đức Phật còn viếng thăm những nơi khác như Digavaapi. Và tại đỉnh núi Sri Pada này, Đức Phật đã để lại dấu vết của bàn chân trái của ngài trên nền đá hoa cương trước khi người rời đi. Trong khi đó, một số người theo Kito giáo lại cho rằng “dấu chân” trong đá trên đỉnh núi là dấu chân đầu tiên của Adam trên trái đất khi bị trục xuất khỏi vườn địa đàng. Một vài Kito hữu khác lại cho rằng đây là dấu chân của Thánh Thomas, người đã đưa Kitô giáo đến miền Nam Ấn Độ trong thế kỷ 1 sau CN, trong khi người theo đạo Hindu lại cho rằng đây chính là dấu chân của Thần Shiva – vị thần Hủy diệt (do đó núi còn được gọi là Sivan Adipadham hoặc Sivanolipatha Malai), trong khi một số người Hồi giáo Sri Lanka lại cho rằng đó là dấu chân của Al-Rohun (Soul).

Một điều mà bạn có thể thấy, ngọn núi Adam’s Peak đã trở thành điểm hành hương tỏ lòng tôn kính các vị hiền triết trong suốt hơn 1000 năm qua, nơi thu hút hàng ngàn người hành hương Sri Lanka và khách du lịch trên khắp thế giới. Hàng năm vào mùa xuân, các Phật tử và các đạo khác xếp hàng một cách có trật tự thành những hàng dài, vượt 5200 bậc cầu thang trong đêm dưới ánh lửa bập bùng để đến với đỉnh cao nhất trước khi mặt trời mọc. Đoàn người hành hương với đèn đuốc sáng bừng rồng rắn trên con đường lắt léo lên núi, tạo thành một vệt sáng dài uốn lượn suốt từ chân đến tận đỉnh núi. Con đường sáng đó đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh leo núi hành hương tại Sri Lanka. Khách thập phương từ khắp nơi trên thế giới khi đến đây cùng với những tín ngưỡng riêng, mang theo mong muốn ước vọng của mình, cùng trèo lên đỉnh núi cao với những người dân bản địa. Cho dù bạn theo bất cứ tín ngưỡng nào từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, Hindu giáo, con đường hành hương sẽ dẫn đường cho bạn đến với “vùng ánh sáng của Đức tin và Hy vọng”.

Những người dân bản địa đang hát khe khẽ bên cạnh chúng tôi và vui vẻ ngồi cùng trên những bậc thềm. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng và không hiểu được nhau, tôi vẫn nhìn thấy rõ một niềm tin cháy bỏng trong đôi mắt họ. Có những cụ bà lưng còng ôm trong tay những bó hoa nhài tây trắng thoang thoảng hương thơm. Họ cứ ôm những bông hoa cho đến tận khi lên đến được đến đỉnh và đặt cẩn thận vào nơi thiêng liêng. Dù bước chân hành hương của tôi nhằm mục đích chính là thưởng ngoạn cảnh sắc và khám phá du lịch, tôi vẫn không khỏi tự cho mình chút niềm tin vì xung quanh tôi đang là những lời khấn cầu mong sự an lành, sức khỏe, hạnh phúc và niềm vui.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đường lên cao càng lúc càng lạnh hơn. Tôi thấy như mình đang leo lên Yên Tử, nhưng lại có cảm giác khang khác. Người khỏe đi trước, người yếu hơn đi sau, người này giúp người kia. Không có xô đẩy, không có chen lấn. Chỉ có dòng người dịch chuyển trong ánh sáng huyền ảo và tiếng hát không lúc nào ngừng. Không khí mưa ẩm ướt và thi thoảng vẫn còn vài giọt rơi bộp bộp từ trên cây xuống. Với chúng tôi, những chiếc áo khoác có mũ quả là tiện lợi. Còn người dân bản địa, họ quàng khăn che kín mái đầu. Tôi lấy làm lạ về những sợi chỉ được móc dọc đầy hai bên lan can lối đi. Một người đi đường giải thích bằng thứ tiếng Anh lõm bõm về những sợ chỉ kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai trong cuộc đời mỗi con người.

Còn khoảng vài trăm bậc nữa là đến đỉnh núi. Chúng tôi đã dừng lại nghỉ khá nhiều, tốn không ít nước và đi cũng đã được gần ba tiếng đồng hồ. Các bậc thang được chia làm 2 bằng chấn song sắt, dành cho một đường lên và một đường xuống. Trời đã rạng dần. Từ độ cao này đã có thể nhìn thấy toàn cảnh xung quanh núi Adam Peak phía dưới với những cánh rừng bạt ngàn và một vài đỉnh chóp của những ngôi chùa mái nhọn vươn lên giữa rừng xanh.

Rất đông các đệ tử Phật giáo đang quây quần trên đỉnh thiêng của ngọn núi. Bầu trời đã bắt đầu rạng từ xa xa, một màu phớt hồng óng ánh. Khi những tia nắng đấu tiên của ánh sáng bình mình chiếu lên ngọn núi thiêng (cao 2243m so với mực nước biển), vào những ngày đẹp trời, người Srilanka cho rằng ánh sáng sẽ phản chiều hình bàn chân Thánh trên nền trời. Đây là một hiện tượng quang học kỳ lạ tạo nên vẻ đẹp huyền ảo và thần thánh cho ngọn núi thiêng.

Sau bình minh chói lòa, chúng tôi theo một nhóm các Phật tử đi vòng quanh dấu chân Thánh. Một vị sư già làm phúc cho chúng tôi với dấu Thánh trên trán và vòng hoa tay mang về. Cô bé đi cùng thỉnh xin một chiếc chuông cầu phúc cho ông bà.

Chúng tôi rời khỏi đỉnh thiêng khi trời đã đứng bóng. Những bậc thang nối tiếp nhau đưa các vị khách hành hương xuống chân núi. Không bị mệt như khi leo lên, chúng tôi thong thả đi xuống và dừng nghỉ ít hơn. Hai chú chó từ tận đỉnh núi cứ lầm lũi chạy theo chúng tôi cho đến tận cánh cổng đầu tiên dưới chân núi. 5200 bậc hành hương với niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

BOX: Cho dù bạn theo bất cứ tín ngưỡng nào từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, Hindu giáo, con đường hành hương sẽ dẫn đường cho bạn đến với “vùng ánh sáng của Đức tin và Hy vọng”.

Thông tin thêm:

Srilanka không phải là một nước phát triển mạnh về du lịch. Các dịch vụ vẫn còn hạn chế, khách sạn từ 3 sao trở lên mới có nước nóng lạnh và điều hòa.

Người thích du lịch văn hóa có thể tìm hiểu các phế tích - di sản của một nền văn hóa lâu đời. Sri Lanka có một khu vực gọi là “Tam giác văn hóa” gồm 3 thành phố cổ Polonnaruwa, Anuradhapura và Kandy. Polonnaruwa là trung tâm của “Tam giác văn hóa”, cách Thủ đô Colombo 216km về phía Tây-Bắc.

Tiền tệ: Đồng Rupi (tỉ giá 100 Rupi = 1 USD)

Thời điểm hành hương tốt nhất trong năm vào mùa xuân, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Ngọn núi Adam’s Peak còn được gọi là Sri Pada hay Sivan Adipadham hoặc Sivanolipatha Malai.

Chọn lựa tốt nhất cho một đám đông đi du lịch là thuê xe riêng để đến các điểm du lịch nổi tiếng. Khi hỏi đường, tốt nhất nên đưa bản đồ có ghi tên địa danh rõ ràng, để tránh nhầm lẫn.
Chế độ ăn hàng ngày gồm gạo và carry, pittu (gạo rang trộn với nước dừa tươi, sau đó được nấu trong ống tre). Với những người khó ăn, nên mang theo mì tôm và các loại thực phẩm khô như ruốc, vừng lạc để ăn với cơm trắng. Nhớ mang thêm 1 chiếc thìa vì người dân Sri Lanka ăn bốc tay.

Người dân Sri Lanka khá hiền lành và thân thiện. Đừng ngại hỏi họ đường đi nếu bạn cần
Phụ nữ nước ngoài không nên đi một mình, nhất là trên xe bus. Các xe bus thường để chế độ điều hòa rất lạnh, khi đi xe, bạn nhớ mang thêm áo khoác ấm hoặc khăn.

Từ Kitugala có xe bus đến Adam's Peak, còn từ Horton Plain muốn đi Adam's Peak thì phải quay về Nuwara Eliya rồi mới bắt 1 xe bus khác.

Quà mang về: Đừng quên những hộp chè hảo hạng vì Srilanka là một trong những nơi sản xuất chè lớn nhất thế giới. Ngoài ra, những chiếc mặt nạ màu sắc dân gian cũng là những món quà không thể thiếu trong túi xách của bạn.

Bài và ảnh: Lam Linh

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES