Hát Aday được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

21/04/2022

Ngày 19/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghệ thuật trình diễn dân gian hát Aday của người Khmer xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Hát Aday được truyền vào tỉnh Hậu Giang cùng với công cuộc khai hoang mở đất của đồng bào Khmer. Loại hình nghệ thuật này được ghi nhận xuất hiện ở địa bàn huyện Long Mỹ từ rất sớm, điển hình là ở chùa Pô Thi Vong Sa, xã Xà Phiên.

Là nét văn hóa độc đáo của người Khmer, hát Aday được trình diễn tại các lễ hội cộng đồng, nghi lễ gia đình nhằm gắn kết các thành viên với nhau. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian với hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, thể hiện đa dạng các chủ đề trong cuộc sống. Lời ca đôi khi là lời ví von quen thuộc, lời thăm hỏi thân thương, ngoài ra còn mang tính thần bí, bộc lộ tín ngưỡng của người Khmer qua lời cầu mong cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Lối hát đối đáp Aday kết hợp với các điệu múa, vừa múa vừa hát hoặc có thể hóa trang bằng mặt nạ.

Hát Aday được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Internet

Hát Aday được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Internet

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Với mục đích không để hát Aday ngày càng mai một và vắng bóng dần trong những lễ hội của đồng bào người Khmer, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng đề án "Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020".

Tỉnh đã bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc bằng nhiều hình thức như tổ chức hội thi, hội diễn, mở lớp truyền dạy cho học viên là người dân tộc Khmer, nâng cao chất lượng hệ thống các câu lạc bộ, làm phim tài liệu, xây dựng các tiết mục để trình chiếu, biểu diễn phục vụ nhân dân.

Hát Aday được truyền vào tỉnh Hậu Giang cùng với công cuộc khai hoang mở đất của đồng bào Khmer. Ảnh: Internet

Hát Aday được truyền vào tỉnh Hậu Giang cùng với công cuộc khai hoang mở đất của đồng bào Khmer. Ảnh: Internet

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Với loại hình nghệ thuật hát Aday, Hậu Giang sẽ tiếp tục phát huy, nhằm đưa loại hình này trở lại gần gũi với đời sống của đồng bào Khmer dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Phương Thảo - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES