Họ nói gì khi nói về Hồ Chí Minh

02/09/2021

“Khi đó, cảnh sát Pháp lưu lại báo cáo về tất cả những gì Nguyễn Ái Quốc đã làm, đọc, viết, thấy; thậm chí cả về chuyện ăn uống hay tình hình sức khỏe. Mục đích của giới cầm quyền là để lưu trữ và điều tra, nhưng sau này, chính những tập tư liệu dày cộm và cặn kẽ đó lại trở thành biểu tượng cho một nhân vật vĩ đại, đáng ngưỡng mộ trong lòng người dân Pháp.”

Một người An Nam bản lĩnh

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh - nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam(1), nhóm tác giả đã điểm lại những hoạt động chính của Nguyễn Ái Quốc từ khi còn là thành viên tham gia sự kiện Congrès de Tours (1920), cho đến chặng đường trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia các khóa học ở Moscow và sau đó trở thành Đảng viên Quốc tế Cộng sản ở châu Á.

Cuốn sách là tổng hợp của nhiều nguồn tư liệu quý, ghi chép tỉ mỉ nhiều năm hoạt động Cách mạng không ngừng nghỉ của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1923 ở Pháp. Các hoạt động được miêu tả lại vô cùng chi tiết, nhờ vào báo cáo của cảnh sát địa phương tại những nơi mà Nguyễn Ái Quốc đã từng sống và hoạt động.

Cảnh sát Pháp lưu lại báo cáo về tất cả những gì mà Nguyễn Ái Quốc đã làm, đọc, viết, nhìn thấy; thậm chí cả về chuyện ăn uống hay tình hình sức khỏe (từng có lần Nguyễn Ái Quốc bị sốt 40°C khi kiểm tra bệnh cúm ở Hospital Cochin). Họ cũng sao chép các ghi chú cá nhân và các tài liệu của Người. Mục đích của giới cầm quyền khi đó là để lưu trữ và điều tra, nhưng sau này, chính những tập tư liệu dày cộm và đầy cặn kẽ ấy lại trở thành biểu tượng cho một nhân vật vĩ đại, đáng ngưỡng mộ trong lòng người dân Pháp.

Đặc biệt sau sự kiện Congrès de Tours (1920), Nguyễn Ái Quốc trong mắt giới cầm quyền Pháp không còn chỉ là một người An Nam nhút nhát, bé nhỏ mà đã trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng - người thay mặt cho tiếng nói của nhiều dân tộc trên thế giới. Thậm chí, Nguyễn Ái Quốc còn có vài cuộc nói chuyện trực tiếp với chính Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Albert Sarraut.

Không chỉ dừng lại ở một nhà hoạt động cách mạng, trong những năm tháng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết và tự hào ký tên Nguyễn-ái-quốc vào những bài báo rực lửa trên tờ Nhân Đạo cùng nhiều tờ báo cánh tả cấp tiến khác, sôi nổi tham gia các cuộc họp chính trị để tố cáo chế độ thực dân hóa. Trong những ngày tháng lịch sử ấy, một người An Nam đã sống và thở chung nhịp thở của thời đại như một người Paris đích thực.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị Đảng Cộng sản Pháp, Paris, 1920.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị Đảng Cộng sản Pháp, Paris, 1920.

Nguyễn Ái Quốc với bí danh tiếng Trung là

Nguyễn Ái Quốc với bí danh tiếng Trung là "Chen Vang" chụp tại Hội nghị Quốc tế Cộng sản (Comintern) ở Moscow, năm 1923.

Bên cạnh cuộc đời cống hiến cho Cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc vẫn có cho riêng mình một thế giới nội tâm phong phú và đáng ngưỡng mộ. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc khi đó 30 tuổi, thường hay đi xem biểu diễn nghệ thuật tại le Salon d'Automne, ghé đến các viện bảo tàng, phòng hòa nhạc Olympia... Ngoài một người bạn thân tên là Marie Brière, Người cũng có rất nhiều bạn bè, hầu hết là trong giới cánh tả. Như tác giả Vũ Đình Huỳnh khẳng định, Người có quen biết các nhà hoạt động (và sau này là những người Cộng sản) cấp tiến như Henri Barbusse hay Paul Vaillant-Couturier, và cả những nghệ sĩ nhiều tâm tư - trong thời kỳ mà thế giới đang biến động không ngừng.

Tháng 11 năm 1922, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tham gia vào một buổi trình diễn nghệ thuật tại Salle Auguste-Comte - Saint-Séverin, nơi những tác phẩm nghệ thuật của Người lần đầu được trưng bày. Buổi biểu diễn được tổ chức bởi một luật sư có tư tưởng tự do, Lucien Barquissau, khách tham dự gồm cả một số họa sĩ chuyên nghiệp - trong đó có hai họa sĩ của chủ nghĩa hiện đại: Wladimir de Terlikowski và Louis Anquetin(2).

Ngoài công việc chỉnh sửa ảnh, để có thể trang trải cho cuộc sống ở Paris, Nguyễn Ái Quốc còn vẽ tranh minh họa cho tờ báo Le Paria và nhận vẽ tranh "chân dung nghệ thuật" theo yêu cầu(3).

Góc phải: một đoạn quảng cáo của Nguyễn Ái Quốc trên báo Pháp với nội dung (tạm dịch):

Góc phải: một đoạn quảng cáo của Nguyễn Ái Quốc trên báo Pháp với nội dung (tạm dịch): "Hãy giới thiệu với bạn đọc và bạn hữu - Tranh chân dung nghệ thuật - Vẽ theo bất cứ tài liệu gốc nào - từ 20 franc và có đóng khung từ 40 franc."

Bút ký của Nguyễn Ái Quốc. (1941)

Bút ký của Nguyễn Ái Quốc. (1941)

Tháng 6 năm 1946, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp với danh nghĩa là Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự Hội nghị Fontainebleau. Người ở lại Paris từ ngày 22/6 đến 15/9 và, ngoài những thời gian dành cho sự nghiệp của dân tộc, Người vẫn dành chút thời gian ít ỏi mỗi ngày để viết về hoạt động của mình trong quãng ngày trở lại Pháp(4). Theo ghi chép (hàng ngày, đôi khi hàng giờ), Người đã gặp gỡ nhiều cá nhân trong mọi ngành nghề khác nhau - từ các chính trị gia, nhà hoạt động cho đến cả những nghệ sĩ. Người có đề cập đến họa sĩ Vũ Cao Đàm và những bức tranh tuyệt đẹp của ông ở Paris (người họa sĩ sau này đã tạc lại bức tượng bán thân của Hồ Chí Minh và dành tặng cho nước Pháp); cho đến việc gặp gỡ nhà báo Andrée Viollis và những người đồng sáng lập Hiệp hội Pháp-Việt sau này.

Không được ghi chép lại nhưng qua lời kể của Vũ Đình Huỳnh, thư ký của Bác lúc bấy giờ, trong thời gian lưu lại Pháp còn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và danh họa Pablo Picasso. Cuộc gặp gỡ đặc biệt đã được ông Vũ Đình Huỳnh kể lại như sau(5):

Một hôm, Bác gọi tôi đến bảo:

- Chú thay bộ quân phục, mặc thường phục đi với tôi ngay bây giờ.

Lúc lên xe, đi một quãng Bác mới cho hay:

- Hôm nay, chúng ta đến thăm danh họa Picasso.

Tôi ngạc nhiên:

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

- Bác cũng quen họa sĩ Picasso ạ?

Bác nói:

- Giả sử không quen biết từ trước thì đến thủ đô Paris này, chúng ta vẫn phải đến chào một con người sáng tạo hội họa khó hiểu mà nghệ thuật của tranh ông lại làm nhiều người mê.

Bác đến không báo trước. Lúc người giúp việc của Picasso đưa Bác đến gần cửa, họa sĩ đã nhận ra Bác. Ông vội chạy tới:

- Chào anh Nguyễn!

Hai người ôm chầm lấy nhau. Rồi Picasso lùi lại một bước ngắm Bác:

- Anh chóng già quá, nhưng đôi mắt vẫn trẻ và như sáng hơn thời chúng ta gặp nhau ở trụ sở nhóm Clarté(6).

Picasso đưa Bác đi xem phòng tranh của ông. Bác cầm từng bức tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà, Picasso bảo với Bác:

- Anh cho tôi một lời khuyên.

Bác nói:

- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về tranh Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi, một người không am hiểu nghệ thuật hội họa cho lắm.

Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:

- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria, anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu. Ngày ấy tôi nói với Henri Barbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ. Nhưng hôm nay anh Nguyễn là Hồ Chủ tịch, người đi đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác.

Empty

"Một cá nhân luôn khao khát hòa bình"

Tạp chí Time hàng đầu của Mỹ đã từng đăng 5 bức chân dung của Người làm ảnh bìa tạp chí, vào mỗi dịp kỉ niệm sự kiện lịch sử xảy ra trên đất nước Việt Nam - đây là vinh dự mà không phải nguyên thủ quốc gia nào cũng có thể “nhận” được. Thậm chí, trong một ấn phẩm, tạp chí đã dành hẳn 5 trang để tường thuật về Hồ Chí Minh, con người và sự nghiệp của Người, cùng với chiến thắng của Việt Nam trước Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng trên Time, họ dẫn lời Jawaharlal Nehru - nhà cách mạng vĩ đại của Ấn Độ: “Đó là một người dễ mến và vô cùng thân thiện, một cá nhân luôn khao khát hòa bình”.

Empty
Empty
Empty
Empty

“Ẩn sau vẻ ngoài mềm mại là một tinh thần mạnh mẽ, dũng cảm, bất khuất…" - cố Tổng thống Chile, Salvador Allende khi nói về Hồ Chí Minh - "Ban đầu, nhiều người phương Tây không phục, nhưng sau một thời gian, nhiều người trong số họ nhận ra rằng, bộ quần áo đặc biệt của ông đã chứng tỏ rằng dù ở bất cứ nơi đâu, trong giới tinh hoa hay giữa quần chúng nhân dân, ông không bao giờ quên rằng mình là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam... Nếu ai muốn tìm những từ có thể tổng hợp được tất cả về Hồ Chí Minh, từ đó là: giản dị và hết sức khiêm tốn”.

Trong một bài báo có tựa đề “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn chiến thắng” đăng trên tạp chí In Asien của Đức, tác giả Dierk Szekielda từng viết rằng “lòng ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức sống của các thi nhân Việt Nam đã thôi thúc tôi viết nên những dòng tin xúc động”. Dierk Szekielda ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người có phẩm chất phi thường.

Thời báo Manila (Philippines) từng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của châu Á vì thành công trong vai trò lãnh đạo của Người, một tấm gương mẫu mực, hết lòng, hết sức phục vụ lợi ích của nhân dân, làm nên lịch sử cận đại, và vì vậy, Người là một trong những “nhân vật cao quý nhất và được kính trọng nhất thời đại”.

Empty

Wilfred Burchett là một trong số ít nhà báo phương Tây gắn bó với nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cho đến khi mất năm 1983, ông là người bạn trung thành của nhân dân Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Wilfred Burchett gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên vào cuối tháng 3 năm 1954, ngay trước trận Điện Biên Phủ. Trong cuốn sách Phía Bắc vĩ tuyến 17, nhà báo nhớ lại cuộc gặp gỡ: “Thật khó tin là chỉ trong vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi lại được ngồi đối diện với vị lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Đôi mắt đen sáng ngời lấp lánh, bộ râu thưa, khuôn mặt mà chúng ta đã biết qua các bức ảnh và chân dung trong nhiều năm trước. Ông ấy xuất hiện không báo trước, một chiếc áo khoác gió khoác hờ qua vai, bước đi thoăn thoắt bên chiếc gậy tre dài, đội mũ cối cao trên đôi mày rộng của mình. Sau những lời chào gặp gỡ, ông ấy khiến chúng tôi hoàn toàn thoải mái bằng vốn tiếng Pháp và tiếng Anh thông thạo (và đã nói vài câu bằng tiếng Ý với người đồng nghiệp Ý của tôi). Chúng tôi hỏi Hồ Chủ tịch tại sao lại chú ý quá nhiều đến Điện Biên Phủ. Thực tế chuyện gì đang xảy ra ở đó?

“Đây là Điện Biên Phủ” ông ấy nói và úp chiếc mũ cối xuống bàn, “Đây là những ngọn núi”, từng ngón tay mảnh khảnh, rắn rỏi của ông ấy lần theo viền ngoài của chiếc mũ, “và đó là nơi chúng ta đang ở”.

“Điện Biên Phủ. Ở đó - có quân Pháp. Họ không thể thoát ra được. Có thể mất nhiều thời gian, nhưng họ không thể thoát ra”, ông nhắc lại”.

Empty

Sau cuộc khủng hoảng và tan rã của Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nhiều học giả vẫn khẳng định rằng, cần học ở Hồ Chí Minh những phẩm chất thể hiện qua quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài của Người.

Nhà báo người Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi gặp Người đã viết: “Ông sống giản dị và khắc khổ trong một ngôi nhà nhỏ và đơn sơ phía sau dinh Thống đốc Pháp cũ ở Hà Nội. Ông ấy lịch sự đến mức khi tiếp trà với khách, ông thường tặng hoa hồng cho khách nữ, nói đùa vui vẻ với khách nam; cảm giác như tất cả những điều tốt đẹp, lãng mạn và chân lý nhất đều có thể tìm thấy ở con người này…”.

Empty

Tiến sĩ Modagat Ahmed, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh: “Chỉ có một số nhân vật lịch sử đã trở thành một phần huyền thoại của thế giới hiện đại khi còn sống. Hồ Chí Minh rõ ràng là một trong số đó. Ông sẽ được ghi nhớ không chỉ với tư cách là người giải phóng quê hương và những người dân thuộc địa, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại, người đã mang đến một cái nhìn mới và hy vọng cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để xóa bỏ bất công và bất bình đẳng khỏi Trái Đất này”.

Ngày 12/11/2013, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó viết lại nhiều suy ngẫm của mình trong cuốn sổ lưu niệm. Và lời kết của Tổng thống Putin, có lẽ cũng thay cho lời kết của mọi cuộc bàn luận trên khắp thế giới về Người.

"Như một vị vĩ nhân, một cá tính kiệt xuất, lịch sử sẽ mãi mãi nhắc đến Hồ Chí Minh.”

Tham khảo

(1) “Ho Chi Minh - the character who regained independence for Vietnam” - NXB Le Monde (Pháp), 2015

(2) Theo “Le Radical”, 15/11/1922

(3) Theo “L’Émancipateur”, 15/4/1923

(4) “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng tại Pháp”

(5) Theo “Bác Hồ - một tình yêu bao la” - NXB Kim Đồng, 2010

(6) Năm 1911, Bác Hồ - khi đó 21 tuổi, mới đặt chân lên đất Pháp - đã gặp gỡ và quen biết họa sĩ Picasso. Qua những lần tham gia một số hoạt động nghệ thuật, Bác Hồ đã cùng Picasso gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ khác ở nhóm Clarté (Ánh sáng).

Trọng Nghĩa (Ảnh: Internet)
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES