Tết Songkran hay còn gọi là Tết té nước đã diễn ra trong không khí tưng bừng ở Thái Lan khi người dân cả nước tạm gác lại những lo toan và mọi tranh cãi để cùng đón Năm mới và cầu chúc cho nhau những điều may mắn.
Một khách du lịch bày tỏ sự thích thú trong lễ hội Songkran tại Central World.
Mặc dù không tổ chức cúng gia tiên, nhưng vào dịp này, người Thái thường lên Chùa làm lễ tắm Phật để cầu mong những điều tốt lành nhất trong Năm mới. Theo truyền thuyết, Songkran có nghĩa là di chuyển, thể hiện Mặt Trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ, mọi người đón mừng Đản sinh Đức Phật bằng việc phun nước vào người nhau để gột rửa hết những lo lắng, buồn phiền.
Một số địa phương miền Bắc Thái Lan hiện vẫn còn giữ được phong tục cổ truyền, trong đó vào ngày đầu tiên của Năm mới (13/4), người ta mang trái cây và các món chay cung tiến các nhà sư, lên chùa dự lễ tắm Phật và sau đó về nhà chúc thọ ông bà, cha mẹ.
Năm nay, người dân Thái Lan được nghỉ bù thêm một ngày nên Tết Songkran sẽ kéo dài đến hết 16/4. Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã trở về quê tại Chiang Mai để cùng đón Tết với gia đình, trong khi thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tổ chức đón Tết cùng những người ủng hộ ngay tại khu vực cắm trại của họ.
Trong năm nay, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã phối hợp với các địa phương để tổ chức nhiều lễ hội Songkran nhằm kích thích du lịch và chi tiêu của người dân cũng như khách du lịch nước ngoài. Tại Bangkok, Tết Songkran vẫn được tổ chức ở những khu vực quen thuộc là trung tâm thương mại Central World, Silom hay khu vực tập trung đông du khách nước ngoài trên đường Khao San.
Anh Thanachot Peerkad cho biết: "Tôi tới đây tham gia lễ hội do Chính phủ tổ chức để chứng kiến các hoạt động đón Tết thời hiện đại và cảm thấy rất tuyệt vời. Tháng Tư ở Thái Lan là một trong những tháng nóng nhất trong năm và người ta cần có nước để giải tỏa bớt bầu không khí oi bức. Trước đây, trong lịch sử, Tết Songkran là ngày sum họp gia đình. Tất cả mọi người dù có đi làm ăn xa ở đâu cũng cố gắng về gia đình để được gặp nhau và làm lễ té nước chúc phúc cho những người cao tuổi mong được may mắn. Đây cũng là dịp để họ gột rửa mọi lỗi lầm từng làm trong năm để bước sang năm mới thanh thản hơn. Hiện nay, các hoạt động này không còn nhiều, nhưng lễ hội Songkran ở đây cũng vẫn làm cho tôi cảm thấy rất thú vị bởi mọi người đều là bạn bè, rất hòa bình và thân thiện."
Trước cửa trung tâm thương mại Central World, người ta ngăn ra thành hai khu vực để những người đi chơi đón Tết tự lựa chọn và tham gia. Du khách có thể tham gia lễ hội té bọt nước hoặc tham gia lễ hội bắn nước bằng súng nước. Trên dọc con phố Silom, nơi tập trung các cửa hàng buôn bán gần như kiểu Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội, các chủ cửa hàng bày la liệt thùng nước ra trước cửa và xin phép té nước vào khách qua đường để cầu chúc cho sự may mắn. Tại khu vực Khao San, không khí lễ hội đang diễn ra tưng bừng. Mọi người dùng súng nước, xô, chậu và thậm chí cả vòi nước máy để phun vào nhau. Đây thực sự là những phút giây thư giãn thoải mái, thể hiện tinh thần bạn bè không biên giới. Đây cũng là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc đang lan tràn khắp nơi.
Một du khách đến từ châu Phi cho biết: "Thực sự là một ngày tuyệt vời. Chúng tôi rất vui vì lễ hội này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Bạn thấy đấy, ở đây tràn ngập không khí hữu nghị. Chúng tôi gồm sáu người tới đây du lịch và đã thực sự được trải nghiệm những điều bất ngờ nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ lại có mặt ở chính nơi này vào Tết Songkran năm sau... Chúng tôi yêu lễ hội này và yêu Thái Lan."