Có đường đâu mà nói lạc đường?
Chúng tôi xuất phát từ thành phố Qui Nhơn, chạy theo QL1A về phía bắc khoảng 50 km để đến xã Cát Tài, huyện Phù Cát. Anh Đỗ, người dẫn đường, đã chờ chúng tôi ở điểm hẹn. Sau khi gửi xe máy vào nhà người quen của anh, chúng tôi xốc ba lô hăm hở lên núi ngay.
Vượt qua một khu vườn điều mênh mông, dốc thoai thoải, cả nhóm mới bắt đầu thực sự leo lên núi. Cây cối rậm rạp, dây leo, bụi gai chằng chịt, những tảng đá lớn nhỏ nằm ngổn ngang trên sườn núi, gần như không có đường mòn.
Khi được hỏi "làm thế nào để không lạc đường?", anh Đỗ chỉ cười không đáp. Leo lên khá cao trên sườn núi, chúng tôi bắt gặp mấy lò ủ than củi đang nghi ngút bốc khói. Đi ngang qua khu vực này, ai cũng cảm thấy tức ngực vì nồng độ khí độc CO trong không khí rất cao.
Qua khỏi mấy lò ủ than củi một đoạn xa, chúng tôi nghỉ lại ở một lạch suối nhỏ, tranh thủ ăn trưa cho nhẹ bớt hành lý. Lúc này anh Đỗ mới thủng thẳng nói: “Ở đây có đường đâu mà lạc? Đúng ra, tụi tui… lạc thường xuyên trên núi. Có điều lạc loanh quanh một hồi rồi cũng ra đến chỗ quen, lại… hết lạc”.
Chúng tôi còn ngơ ngác, anh tiếp: “Mấy cái lò ủ than củi đó là lý do làm bọn tui cũng bị lạc như thường. Thường đi rừng hay để lại các dấu vết đường đi trên các thân cây, mà các cha ủ than nay hạ cây chỗ này, mai hạ cây chỗ khác, nên có khi tụi tui đánh dấu đường hôm lên núi, vài bữa sau xuống núi đã … mất dấu”.
Nghỉ ngơi xong, chúng tôi lại lên đường. Cây cối chằng chịt, phải dùng dao phạt dây leo và gai góc lấy lối lách người qua. Anh Đỗ cười xòa: “Đúng là lối này tui chưa đi qua lần nào, nhưng không lạc được đâu, cứ lên được dông là lại ra phương hướng”. Dông chính là cái sống núi. Chúng tôi bắt đầu thấy thú vị với kiểu đi “mò” thế này nên không ai hỏi han nữa, cứ thế đi theo anh.
Cuối chiều, chúng tôi cũng lần lên được dông, nơi đây bạt ngàn cây Thanh hao - một loại cây lá kim, thân cây có rất nhiều cành nhánh và có mùi hương thơm dịu - loại cây ở nhiều nơi được người ta bó lại dùng làm chổi rễ quét sân.
Chúng tôi lập tức định vị được Hòn Chuông. Sau chừng nửa giờ đi dọc dông núi đến khá gần Hòn Chuông, anh Đỗ tạt vào một trảng cỏ rộng lớn và bằng phẳng, gần một lạch nước nhỏ, cả nhóm hạ trại ở đó.
Một điều khá đặc biệt: trên đỉnh Hòn Chuông có di tích một ngọn tháp Chăm cổ chưa từng được những nhà khảo cổ người Pháp nhắc tới trong bảng thống kê các di tích Chăm cổ ở miền Trung. Ngôi tháp cổ đổ nát là cái đích chúng tôi lên núi Bà lần này, nhưng đấy là việc của ngày mai.
Khám phá tháp cổ Hòn Chuông - điệp vụ bất thành
Bữa tối với gà nướng và cháo gà trôi qua ấm cúng trên núi. Mọi người đi nằm sớm, nhưng những câu chuyện về tháp Hòn Chuông bí ẩn, về những người tìm vàng Hời ngày trước quần thảo ở khu vực này cứ vang lên đến khá khuya.
Đêm có mưa nên sáng sớm mây mù bảng lảng, chúng tôi quên cả ăn sáng, cứ canh chụp ảnh Hòn Chuông ẩn hiện trong mây mù, quả là ảo diệu.
Sau khi ăn sáng vội vàng, chúng tôi chỉ mang theo dao đi rừng và cuộn dây thừng 20 m to như ngón chân cái, trực chỉ Hòn Chuông. Băng qua những bụi cây thưa cao lúp xúp, chỉ chừng 15 phút là chúng tôi đã đến chân Hòn Chuông. Nhìn từ xa thì thế, lại sát khối đá mới thấy nó… to quá và dốc đứng. Nửa mặt phía sau khối đá là vực, chúng tôi mất cả giờ không tìm được lối nào khả dĩ leo lên được, đành leo lên khối đá thấp hơn nằm ngay bên cạnh Hòn Chuông.
Chúng tôi ngồi trên đỉnh khối đá sát cạnh, nhìn rất rõ phế tích ngôi tháp Chăm bằng gạch trên đỉnh Hòn Chuông. Cảm giác thật khó nói. Có tiếc nuối, vì đã không đạt mục đích cuối cùng; nhưng lại chen cả chút sung sướng vì mình đã có mặt ở nơi này, sau một hành trình thú vị, đến rất gần một di tích hầu như chưa từng được nói tới trong hồ sơ khảo cổ.
Chừng nửa buổi, trời bắt đầu mưa nhỏ, chúng tôi trở về lán thu dọn hành lý, xử lý rác sạch sẽ và xuống núi.
Hẹn một thời điểm thích hợp với sự chuẩn bị đầy đủ hơn về thời gian và phương tiện, nhất định chúng tôi sẽ quay lại với Hòn Chuông.