Hồng Giang cổ thương thành

15/12/2012

Một minh chứng huy hoàng của văn minh thương nghiệp cổ đại Trung Hoa. Một “hóa thạch sống” của phong cách kiến trúc và các di vật từ thời nhà Minh – Thanh (1368-1911). Một nhịp sống chậm đến khó tin trong một không gian cổ xưa đặc quánh, khiến du khách không thể tự hỏi mình: Liệu có phải một Hồng Giang cổ thương thành – hòn ngọc Tương Tây?

Bài: Thủy Trần

Kể từ thời cổ đại, Trung Quốc đã có nền văn minh kinh doanh của mình. Nhiều cổ thương thành rõ ràng là một chứng nhân lịch sử. Mặc dù quá khứ hoàng kim đã phai mờ nhưng chúng ta vẫn tìm thấy nền văn hóa sâu sắc và kiến trúc hùng vĩ hiện diện trong nhịp sống của các cổ trấn ở Trung Hoa, trong đó Hồng Giang là một điển hình.

Nằm ở điểm giao nhau của sông Nguyên và sông Vu, Hồng Giang cổ thương thành hiện nay thuộc khu Hồng Giang, huyện Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam. Theo sử liệu, cổ thương thành hưng thịnh nhất dưới thời kỳ trị vì của hoàng đế Khang Hy (1662-1722). Trước đó nó đã từng đạt được nhiều thành quả quan trọng dưới thời nhà Minh (1368-1644). Rất nhiều thương gia đã tìm tới Hồng Giang với một cái túi rỗng và ước mơ thành ông chủ, và chỉ chưa đến 10 năm, họ đã tìm thấy thành công. Các thương khách cùng quê, cùng kinh doanh các mặt hàng tương tự sẽ chia sẻ thông tin và cùng thảo luận để tìm ra các cơ hội kinh doanh lớn hơn đã hình thành nên sự có mặt của các hội quán. Hiện nay các hội quán như Vạn Thọ cung, Thiên Hậu cung … vẫn còn mở cửa để phục vụ khách tham quan.

Một trong những lý do làm nên sự thành công của Hồng Giang trong quá khứ, cho dù nó nằm ở một thị trấn miền núi xa xôi, ấy là bởi hệ thống giao thông rất thuận lợi. Sông Nguyên – một trong những con sông lớn chảy qua cổ trấn, là con đường thủy chính kết nối với sông Dương Tử và sông Châu Giang, hai hệ thống nước quan trọng nhất ở phía nam Trung Quốc. Các giao dịch buôn bán lớn của miền tây nam Trung Quốc, chẳng hạn như thuốc lá, nguyên liệu làm thuốc, làm giấy, gỗ quý và dầu hồng sẽ được tập kết đến Hồng Giang, chế biến và vận chuyển bằng tàu lớn dọc theo sông Nguyên ra sông Dương Tử tới các cảng khác nhau ở trung tâm và miền đông Trung Quốc. Đồng thời, thương nhân sẽ vận chuyển lụa, vải vóc, hải sản và hàng hóa thương mại khác từ các cảng này qua Hồng Giang để đi bán ở khu vực phía tây nam. Dần dần, Hồng Giang trở thành một trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa, tôn giáo sôi động và thịnh vượng của vùng.

Một số lượng lớn thương khách đến từ các vùng khác nhau đã mang đến Hồng Giang cổ thương thành một nền văn hóa đầy màu sắc. Sự phát triển thịnh vượng của thương mại đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các lĩnh vực khác như tài chính, văn hóa và tôn giáo. Sự tồn tại của ngân hàng, báo xã, thư viện, trường học, khách sạn, bệnh xá, nhà hát kịch, kỹ viện, trà lầu, chùa chiền, miếu mạo … nằm xen kẽ trong cổ thương thành là một minh chứng cho sự phát triển huy hoàng trong quá khứ huyền thoại của Hồng Giang. Thậm chí, một khám phá khảo cổ gần đây đã tìm ra các tầng hầm lưu trữ tiền mặt có chứa những đồng xu đời Thanh, chứng minh cho nhu cầu tài chính cực kỳ lớn thời kỳ đó.

Kiến trúc của Hồng Giang cổ thương thành là sự pha trộn giữa những nét đặc trưng điển hình của phong cách xây dựng ở phía nam sông Dương Tử thời Minh – Thanh và tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, một kiến trúc ngoạn mục trong lịch sử kinh doanh của người Trung Hoa. Tất cả các tòa nhà đều được xây dựng khéo léo dựa trên địa hình khu vực, trên sườn núi, trong một con phố dài hay dọc theo bờ sông. Các tòa nhà đều được xây dựng từ nguồn vật liệu tự nhiên như gạch, đá và gỗ, có tường cao bao bọc kín kẽ và diện tích bên trong rất rộng, mái lợp ngói chồng, bao gồm hai hoặc ba tầng nhà bằng gỗ với một sân trong trung tâm. Các khung cửa sổ, lan can gỗ được chạm khắc tinh xảo với thiết kế truyền thống, thể hiện sự giầu có của gia chủ khi xưa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hồng Giang cổ thương thành thực sự là một mê cung tuyệt vời và bí ẩn bởi các ngõ nhỏ hẹp dài, các lối đi với bậc cầu thang cao vút và những tòa nhà cổ kiến trúc kì lạ. Dạo bộ quanh cổ trấn qua các lối ngõ dọc ngang ngoắt nghéo, những bờ tường rêu phong cỏ dại, những góc phố liêu trai u uẩn, màu ngói xám xịt phủ trên nóc tòa nhà, nghe như đâu đây tiếng vọng xôn xao của một thương thành sầm uất thuở nào.

Cổ trấn hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, được bao quanh bởi 3 con phố chính, có khoảng 6.000 dân vẫn đang sống trong các tòa nhà cũ. Không gian trầm mặc của những căn nhà im lìm, cánh cửa gỗ lặng im, nhịp cầu thang cũ mòn ngoằn nghèo biến mất trên lối đi khiến chúng tôi không khỏi hoài nghi về một quá khứ đầy màu sắc của nó.

Những bức tường đá xám dường như đang hút hết những âm thanh ồn ào của phố thị và âm thanh duy nhất còn cảm nhận được là tiếng vang của một quá khứ giàu có. Trái ngược với quá khứ ấy, ngày nay, cư dân của Hồng Giang cổ thương thành đang chọn cho mình một nhịp sống chậm đến lặng lẽ. Ngó vào các căn nhà vắng vẻ, gia chủ đi vắng mà cửa nhà bỏ ngỏ, chúng tôi thấy bình yên đến lạ trước sự giản đơn của đồ nội thất trong nhà, như thể những đồ vật ấy đã từng có một tuổi đời rất dài, đã từng phục vụ cho rất nhiều thế hệ.

Cuộc dạo chơi trong đêm tối nhập nhoàng khiến cho Hồng Giang thêm phần huyền hoặc và bí ẩn. Những ánh đèn le lói hắt ra từ trên cao hay một khuôn cửa hé mở, đổ bóng những tòa nhà dài trên ngõ vắng. Xen giữa tiếng người gọi nhau chơi mạt chược là những bóng người di chuyển lặng lẽ đến giật mình. Sự hiếm hoi của âm thanh khiến chúng tôi thảng thốt bởi chính tiếng bước chân mình trên nền đá lát, tiếng chó sủa xa xôi hay tiếng kẹt cửa, khép cổng vang lên trong đêm thanh tịch. Một tối lạc bước ở Hồng Giang không thể nào quên.

Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại cổ trấn, tìm lại những lối mòn đã dạo bước đêm qua và kinh ngạc trước những khối kiến trúc cổ. Những bức tường đá xám dường như đang hút hết những âm thanh ồn ào của phố thị và âm thanh duy nhất còn cảm nhận được là tiếng vang của một quá khứ giàu có. Trái ngược với quá khứ ấy, ngày nay, cư dân của Hồng Giang cổ thương thành đang chọn cho mình một nhịp sống chậm đến lặng lẽ. Ngó vào các căn nhà vắng vẻ, gia chủ đi vắng mà cửa nhà bỏ ngỏ, chúng tôi thấy bình yên đến lạ trước sự giản đơn của đồ nội thất trong nhà, cũ kỹ, tróc mẻ, mộc mạc, giống như thể những đồ vật ấy đã từng có một tuổi đời rất dài, đã từng phục vụ cho rất nhiều thế hệ.

Tiếng rao màn thầu lanh lảnh buổi sớm mai gọi chúng tôi đi vào trong ngõ vắng. Một người phụ nữ hối hả gánh nước đi ngang. Tiếng ríu rít của đám trẻ đến trường làm xáo động không gian trong phút chốc. Lần theo lối nhỏ, bất chợt giật mình khi thấy những gương mặt cư dân già nua đang bắc ghế ra sân nhà ngồi hong nắng. Có thể nào tin nổi mình đang đi qua những tàn tích huy hoàng của hòn ngọc Tương Tây?

Thông tin thêm:

+ Hồng Giang cổ thương thành (phiên âm Latin là Hongjiang Gushangcheng) cách Phượng Hoàng cổ trấn khoảng 170km về phía nam, cách Hoài Hóa 55km và cách Hồng Giang thị 25km.

+ Cách tiếp cận Hồng Giang thuận lợi nhất là bay trực tiếp từ Bắc Kinh đến Hoài Hóa. Xe buýt chạy thường xuyên từ Hoài Hóa đi Hồng Giang, đỗ ngay cổng vào cổ trấn hoặc có thể di chuyển bằng taxi. + Đường bộ là nhiều lựa chọn của du khách Việt Nam, qua cửa khẩu Hữu Nghị đến Nam Ninh mua vé tàu đêm đến thành phố Hoài Hóa.

+ Lưu trú: Nghỉ đêm tại các nhà trọ gia đình, tiết kiệm, sạch sẽ là trải nghiệm cực kỳ thú vị.

 

RELATED ARTICLES