Jerash, bóng ảnh thành Pompeii huyền thoại

02/12/2013

Không ai còn thấy thành phố xinh đẹp Pompeii (ở Naples) của người La Mã có hình dáng như thế nào bởi cơn thịnh nộ của núi lửa Vesuvius đã chôn vùi thành phố vào đống tro tàn vào năm 79 sau Công nguyên. Thành phố Jerash ở Jordan lại tái hiện hình ảnh lung linh của Pompeii ngày xưa và là điểm du lịch hấp dẫn thứ hai, chỉ sau thành phố hoa hồng đỏ Petra.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Vì cứ tưởng tôi là sinh viên đại học văn hóa năm cuối, ông chủ tốt bụng khách sạn Sun Rise đưa ra chương trình tour vòng quanh Jordan với giá ưu đãi đặc biệt cho tôi. Ông còn cử chú tài xế Allied vui tính theo suốt hành trình của tôi.

Khoảng cách từ Amman, thủ đô của Jordan, đến Jerash chỉ có 48km và đoạn đường đi đến thành phố Jerash bắt đầu thay đổi về phong cảnh xung quanh. Rất khác biệt với cung đường đi Biển Chết, Petra hay sa mạc Rum với những đồi cát của sa mạc trải dài, những hàng thông xanh rì ôm phủ các đồi trọc nơi đây mang đến một màu xanh mát mắt. Cung đường ngoằn ngoèo trên những đồi núi trùng trùng điệp điệp đầy bóng cây xanh ven đường. Các trang trại trồng cam hay những nhà lưới trồng rau nằm dọc theo các thung lũng mang đến cho tôi cảm giác đây là một vùng đất trù phú màu mỡ. Xa xa là dòng sông Jordan quanh co uốn mình chảy qua các thung lũng và nó có màu sắc như là một con rắn bạc lấp lánh khi mặt trời lên cao.

Theo kế hoạch, tôi sẽ ghé thăm lâu đài Ajloun trước khi đến thành phố Jerash. Allied vội vàng cho xe quẹo phải để đi đến thành phố Ajloun. Đoạn đường đi trở nên chậm hơn một chút bởi vì những con đường trong lòng thành phố Ajloun khá chật, nên tình trạng kẹt xe liên tục xảy ra. Sau một hồi lạng lách quanh co và leo trèo trên những đoạn dốc cao ngất, ông cũng đưa tôi đến được lâu đài Ajloun.

Ajloun – kiến trúc đặc trưng thời kỳ Hồi giáo sớm

Lâu đài Ajloun hay Ajlun thường được gọi là pháo đài Ayyubid, nằm trên đỉnh núi Jabal Auf cách thành phố Ajloun khoảng 5km. Vì quá gần với thành phố Ajloun, nên người địa phương lấy tên thành phố để đặt tên cho lâu đài. Pháo đài được xây dựng vào năm 1184 đến 1185 theo kiến trúc Hồi giáo sớm bởi vua Izz al-Din Usama – cháu trai của vua Salah ad-Din al Ayyubi. Vào thời điểm đó, đây được xem như một trong những pháo đài hiếm hoi được xây dựng với mục đích bảo vệ đất nước trước sự tấn công của những cuộc “Thập Tự Chinh” từ thành phố Karak ở phía Nam và từ thành phố Bisan ở hướng Tây. Từ vị trí trung tâm pháo đài, quân đội của nhà vua có thể vươn ra bảo vệ phần lớn thung lũng màu mỡ của sông Jordan, kiểm soát được ba hướng đi chính dẫn đến các sa mạc Kufranjah, Rajeb và Yabes. Cũng từ đây, quân đội của nhà vua có thể bảo vệ con đường huyết mạch thông thương giữa Jordan và Syria, đồng thời bảo vệ luôn nguồn tài nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng cho Ajlun đó là mỏ sắt.

Vẫn còn sớm nên chỉ một ít du khách Nhật đến đây. Hơi lạnh của những khối đá lan tỏa mang đến cảm giác rét run khi bước trên những bậc thang dẫn lên các tháp canh. Từ các đỉnh tháp cao nhất, trải dài phía bên dưới là những vườn ôliu xanh ngắt của thung lũng Jordan. Một màu xanh hiếm hoi trên vùng đất Trung Đông.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Pháo đài nguyên thủy bao gồm 4 tòa tháp ở 4 góc. Nối liền với 4 tòa tháp đó lại với nhau là những bức tường thành xây bằng gạch dày. Bao bọc xung quanh pháo đài là những hào nước có chiều rộng khoảng 16m và sâu khoảng 12 – 15m.

 

Tôi len lỏi qua những ô cửa với kiến trúc mái vòm đặc trưng trong thời kỳ mới. Bên trong lâu đài vẫn còn những cung điện, phòng bếp, hầm rượu…, những thứ chỉ dành cho vua chúa cùng một phòng trưng bày những cổ vật được tìm thấy nơi đây.

Trong thời kỳ đế chế Ottoman, pháo đài từng là nơi đóng quân cho lực lượng quân đội. Năm 1812, nhà du lịch người Thụy Sỹ là Johann Ludwig Burckhardt cùng với 40 người bản địa đã phát hiện ra pháo đài đang nằm ngủ yên trong rừng sâu. Những trận động đất vào năm 1837 và năm 1927 cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kiến trúc của pháo đài.

Pompeii của vùng Trung Đông

Từ lâu đài Ajloun đến Jerash chỉ còn khoảng 16km. Vừa thấy thành phố của người La Mã hiện ra trước mặt khi nó nằm dọc theo một con đường lớn để đi vào thành phố Jerash hiện đại, tôi vội bước đến mà quên mất một điều là mình phải lấy vé vào cổng.

Trong thời cổ đại, thành phố Jerash có tên gọi là Gerasa, theo tiếng La tinh cổ nó có nghĩa là: “thành phố Antioch nằm bên bờ sông vàng”. Sở dĩ tên gọi của thành phố được đặt theo ngôn ngữ của người La Mã vì Antioch là một trong mười thành phố nằm trong quy hoạch để phát triển của các hoàng đế La Mã trong vùng Syria. Theo tiếng La Mã cổ, “Antioch” có nghĩa là “sự kiên cường”, và có lẽ, cái tên “Jerash” ra đời sau khi người ta đọc trại từ chữ “Gerasa” mà ra.

Nhắc đến Geresa, người ta thường đặt cho nó một cái tên mỹ miều khác đó là “thành phố Pompeii của vùng Trung Đông hay của châu Á”. Sở dĩ cái tên mỹ miều đó ra đời, bởi vì người ta muốn tưởng nhớ đến thành phố xinh đẹp Pompeii của người La Mã đã bị chôn vùi bởi núi lửa - mà thành phố Jerash về mặt kiến trúc xây dựng rất giống thành phố Pompeii. Về Jerash, người ta cũng không quên nhắc đến một nhà toán học vĩ đại trong thời cổ đại: Nicomachus, người đầu tiên đưa ra “thuyết về những con số” hay “giới thiệu môn số học”…

Đến những năm cuối thế kỷ thứ 1, Jerash đã bắt đầu sống trong bóng hào quang của mình: sự thịnh vượng. Năm 106, hoàng đế La Mã Trajan cho tiến hành xây dựng những quốc lộ để nối liền các thành phố nằm trong quy hoạch lại với nhau và tập trung phát triển thương mại riêng cho thành phố Jerash. Năm 129 - 130, hoàng đế La Mã Hadrian đã viếng thăm thành phố Jerash. Để đánh dấu sự kiện trọng đại này, đấu trường dành cho đua ngựa mang tên Hadrian đã được xây dựng tại thành phố Jerash.

Hầu hết những công trình lớn xây dựng tại thành phố Jerash lúc bấy giờ đều được những thương gia giàu có của thành phố tài trợ. Từ năm 350, đã có một cộng đồng lớn người Kitô giáo sinh sống tại đây. Giữa năm 400 - 600, đã có hơn 13 nhà thờ được xây dựng và hầu hết các sàn nhà thờ được khảm bằng đá. Đại giáo đường của thành phố này bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ 4. Ngoài ra, các thánh đường Do Thái giáo cổ cũng được tìm thấy rải rác tại Jerash và vết tích của nó là những mặt sàn được khảm bằng đá để nói về cuộc đời của Thánh Noah.

Di tích của người La Mã để lại cho thành phố Jerash từ ngoài vào trong gồm: Cổng chào Hadrian - Hadrian’s Arch được xây dựng từ năm 129 - 130 đánh dấu sự kiện hoàng đế Hadrian đến thăm thành phố Jerash; Trường đua ngựa - Hippodrome; Quảng trường công cộng Oval Forum - nơi diễn ra những cuộc hội họp mang tính chất cộng đồng hay những lễ hội tâm linh về tôn giáo; Những cây cột mang kiến trúc đặc trưng của người La Mã - Corinthium Column; Con đường của những hàng cột còn được gọi là Cardo hay Colonnaded Street; đền thờ Thần mặt trời Zeus và đền thờ nữ thần Artemis; hai nhà tắm theo kiểu La Mã và những ngôi đền nhỏ bao quanh; hai nhà hát theo kiểu La Mã gồm nhà hát lớn về phía Nam và nhà hát nhỏ hơn về phía Bắc; tường thành bao quanh thành phố…

Giữ hồn cho Jerash

Tôi lang thang trong thành phố cổ Pompeii của vùng Trung Đông mất khoảng 3 tiếng đồng hồ bởi cần phải leo trèo lên những ngôi đền nằm trên những đỉnh đồi. Vừa nhai bánh mì trên những bậc thang của nhà hát lớn, tôi vừa nhìn những đoàn du lịch kéo đến đây thử nghiệm những âm thanh vang dội như thế nào trong một nhà hát ngoài trời.

Lòng bất chợt thầm nghĩ khi lắng nghe giọng hát cao vút theo dạng opera thật hay của một anh người Ý thử nghiệm cho đoàn du lịch của mình: người La Mã quá vĩ đại trong các kiến trúc của mình ở thời lịch sử cổ đại. Vì thế cần phải giữ gìn hồn cốt cho Jerash để người đời còn được nhìn thấy bóng ảnh của thành Pompeii huyền thoại.

Thông tin thêm:

+ Do chưa có Đại sứ quán tại Việt Nam nên để đến Jordan du khách cần liên hệ với các Đại sứ quán của Jordan tại Indonesia hay Malaysia để xin cấp visa.

+ Khai thác đường bay từ TPHCM đến thủ đô Amman có: Turkish Airlines, Emirates Airlines và Qatar Airways.

+ Đến Jerash từ Amman: đến bến xe Raghadan Al Seyaha (cạnh nhà hát La Mã), bắt xe buýt số 6 để đến Tababour. Từ Tababour bắt tiếp xe buýt để đến Jerash. Giá vé xe buýt mỗi lần: 0,85 JOD

+ Giá vé vào cổng Jerash: 8 Jordanian Dinar (JOD), giá xem show diễn là 10JOD. Giờ mở cửa trong mùa đông: 8h00 - 17h00. Giá vé vào cổng lâu đài Ajloun: 1 JOD (1 USD = 0,7 JOD).

+ Mua hàng lưu niệm quanh Jerash nên trả giá còn 2/3. Không nên mua những đồng tiền La Mã do những người bán dạo xung quanh. Việc mua bán tiền cổ là hành động vi phạm pháp luật Jordan và không xác thực đó là tiền thật hay giả.

+ Nên tham quan bảo tàng khảo cổ Jerash, nơi đây lưu giữ những cổ vật được tìm thấy ở Jerash.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES