Từ Hà Nội, theo quốc lộ 1A khoảng 90km về phía nam đến ngã ba Gián Khẩu, rẽ phải theo tỉnh lộ 477 gần 8km rồi rẽ phải đi tiếp 2km nữa, du khách sẽ đến khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
Với diện tích hơn 3.000ha, nằm trải rộng trên địa bàn 7 xã: Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hoà, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh và chủ yếu ở xã Gia Vân của huyện Gia Viễn, Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất khu vực Bắc Bộ. Nơi đây giống như một bức tranh thủy mặc với những khối núi đá vôi ngày đêm soi bóng xuống mặt nước trong xanh.
Quần thể núi đá vôi ở đây được gọi tên tùy theo hình dạng đặc trưng của mỗi khối núi như: núi Hoàng Quyển, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Mèo Cào, núi Cô Tiên,… Trong lòng những núi đá này là 32 hang động mang vẻ đẹp đặc trưng như: hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh, hang Thung Dơi… Đặc biệt, trên những vách núi khắc những hình ảnh kỳ thú như: hình người cổ đại một tay cầm rìu, tay kia cầm cung tên; một nhóm người cầm tay nhau cùng nhảy múa…
Một điều kỳ diệu là bình thường du khách sẽ không nhìn thấy những hình ảnh này nhưng nếu tưới nước lên đá thì những hình ảnh đó sẽ hiện ra rõ rệt. Vân Long còn được khách du lịch ví như “vịnh không sóng” bởi khi đi thuyền trong khu bảo tồn sẽ thấy mặt nước phẳng lặng như một tấm gương.
Hệ sinh thái rừng ở Vân Long rất đa dạng với khoảng 722 loài thực vật, trong đó có 687 loài thực vật bậc cao có mạch, 35 loài thực vật thủy sinh, đặc biệt có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (kiềng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổi, sắng, bách bộ, mã tiền, hoa tán); 39 loài động vật, trong đó có 12 loài thú quý (gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ, cầy vằn, báo gấm, báo hoa mai..., đặc biệt là voọc; 38 loài ếch, nhái, bò sát, trong đó có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam (rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ); 100 loài chim. Vào mùa khô, Vân Long còn là địa điểm trú đông của nhiều loài chim di cư từ phương Bắc như: đại bàng Bonelli, diệc xám, cò ngàng lớn, mồng két, cò bợ, cò trắng, vạc…
Cùng với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Vân Long còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như: chùa Địch Lộng, động Hoa Lư, đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Đức Thánh Nguyễn… cùng bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư khu vực đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, Vân Long hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng.
Từ đầu năm 2005, với sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình, xã Gia Vân - nơi định cư của hơn 5.300 nhân khẩu, đã đi tiên phong trong việc triển khai mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại Vân Long. Theo đó, bên cạnh các nghề kiếm sống chính là trồng lúa nước, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân nơi đây còn làm thêm nghề phụ cung cấp dịch vụ du lịch, từ tổ chức đón tiếp đến giới thiệu, quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hoá đặc sắc của địa phương đến du khách.
Bởi vậy, du khách khi đến đây, ngoài dịp được trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân bản địa như: đi chợ, nấu ăn, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, tát nước bằng gầu sòng, gầu dây, cất vó, móc cua ở bờ ruộng, đánh dậm, ngủ trong nhà cổ khung gỗ, nền đất..., còn có cơ hội tham gia tour du lịch bằng xe trâu, xe bò để tham quan khung cảnh làng quê Bắc Bộ, ngồi thuyền nan chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước hữu tình trong khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long…
Hiện tại, xã Gia Vân đang phát triển mô hình này trên phạm vi rộng nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Bước đầu, chính quyền xã đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; phối hợp với Phòng nghiệp vụ Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức du lịch, văn hóa ứng xử đối với du khách cho người dân; phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương. Bên cạnh đó, Hội Người cao tuổi đi đầu trong phong trào trồng cây xanh, cây cảnh để tạo cảnh quan môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp...
Với hình thức làm du lịch khá mới mẻ của chính quyền và người dân xã Gia Vân, trong tương lai, Vân Long sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng tiêu biểu ở Ninh Bình.