Khám phá thành cổ Petra của Jordan

04/03/2014

Nằm cạnh Ai Cập, ngành du lịch Jordan đành chịu lép vế hẳn so với nước láng giềng quá nổi tiếng. Tuy nhiên, với du khách phương Tây, Jordan vẫn là một điểm đến đáng mơ ước với thành cổ Petra vô cùng kỳ vĩ và còn chứa nhiều bí ẩn lịch sử..

Bước ra khỏi sân bay quốc tế Queen Alia, thủ đô Amman chào đón chúng tôi với bầu không khí nóng, khô và thoang thoảng mùi hương hoa nhài. Thành phố này trải dài trên bảy ngọn đồi với nhiều tòa nhà hiện đại xen kẽ các kiến trúc cổ xưa. Đã có mấy ngàn năm tuổi và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh lớn như Hy Lạp, La Mã nên Amman có nhiều di tích để tham quan. Tuy nhiên vì thời gian có hạn nên trong chuyến đi này chúng tôi chỉ tập trung khám phá Petra.

Sau hơn ba giờ ngồi xe từ thủ đô, đoàn đến với Petra, thành phố cổ đại nằm trong khe núi cách ly hẳn với thế giới bên ngoài trên dải núi đá cao đến 1.000m so với mực nước biển. Petra được khoét sâu vào vách núi, xung quanh là các vách đá cheo leo bao bọc. Để vào thành cổ, người ta phải đi qua Siq, một hẻm núi hẹp dài hơn 1km với hai bên là những vách đá dựng đứng hùng vĩ quanh co cao tầm 80m.

Màu đỏ ối và hình thù của các khối vách đá tạo ra một cảnh tượng rất bắt mắt. Nổi tiếng thế giới về màu sắc của đá núi, Petra còn được gọi là “Thành phố hoa hồng đỏ”. Thật ra, màu sắc đá ở đây không chỉ có màu đỏ mà còn có các màu khác nhau như màu cam, màu vàng, màu tím, màu xanh, màu lam... Khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày là vào giữa buổi sáng hoặc buổi chiều tà, khi ánh mặt trời chiếu xiên làm nổi bật màu sắc huy hoàng của các khối đá.

Từng rất nổi tiếng trong thời kỳ cổ đại, Petra với 20 ngàn dân bỗng nhiên biến mất một cách khó hiểu trong vòng hơn 1.400 năm và mới được tìm lại vào năm 1802 nhờ công của một số chuyên gia Thuỵ Sĩ. Nằm sâu trong một thung lũng đá, thành phố này có một vị trí địa lý quá hiểm trở và bí mật. Đế chế La Mã cũng đã từng một lần tấn công Petra nhưng thảm bại và các tướng quân đã thề không bao giờ quay lại đó nữa. Theo các nhà nghiên cứu, Petra lụi tàn là do bị bỏ hoang chứ không phải bị xâm chiếm. Nhưng nguyên nhân bỏ hoang thì đến nay vẫn chưa ai tìm ra được.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Petra là của một dân tộc Ả Rập mang tên Nabatean. Nằm ngay tại ngã tư thương mại nối Trung Quốc, Ấn Độ với Ai Cập và Rome, Petra là nơi trung chuyển những mặt hàng xa xỉ nhất thời bấy giờ: tơ lụa, gia vị, đá quý, lạc đà, dầu ô liu và rượu vang... Nhờ đánh thuế rất cao vào các mặt hàng đó, nơi này trở nên cực kỳ giàu có và xây dựng được những công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga ngay tại Petra.

Khác với tất cả các đô thị cùng thời, người Nabatean không sử dụng bất cứ vật liệu xây dựng nào từ bên ngoài, họ chỉ sử dụng kỹ năng chạm khắc, khoét sâu vào bề mặt các tảng đá khổng lồ để tạo ra các cột nhà, hang động và mái nhà khổng lồ. Đây cũng là một điều đáng kinh ngạc bởi các dân tộc Ả Rập thời cổ đại đều là dân du mục và chưa bao giờ để lại bất cứ dấu vết nào cho thấy trình độ kiến trúc xây dựng đáng nể.

Petra trước kia bao gồm cả đền thờ, nơi ở của vua chúa và nhà dân. Tuy nhiên, đến nay chỉ có các ngôi đền là còn nguyên vẹn. Du khách nếu muốn thăm kỹ càng tất cả thì phải mất khoảng bốn, năm ngày. Nét kiến trúc của Petra cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa thành phố này với các nền văn minh lân cận. Chẳng hạn, kiểu xây bề mặt đền mang đậm phong cách Hy Lạp và La Mã với các cột cao khổng lồ và mái hiên hình tam giác.

Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là Đền Lớn có sức chứa 600 người. Họa tiết chủ yếu của đền là hình đầu voi tinh xảo được khắc trên đá vôi. Gần đó là ngôi đền có một phần được đặt trên đồi thờ loại con sư tử có cánh, bên trong có một nhà hát lộ thiên kiểu La Mã có thể chứa hơn 2 ngàn người xem. Sân khấu và ghế ngồi cũng được khoét trong đá.

Ngoài ra, Petra còn có những thánh đường kiểu La Mã có sức chứa tới ba ngàn người. Ở đó có các tòa tháp, đền thờ, nơi cúng tế và những con phố được trang trí bằng nhiều dãy cột. Một nơi không thể bỏ qua nữa là tu viện Ad-Deir tọa lạc trên một ngọn núi. Để đến đây, du khách phải leo lên 800 bậc thang được đục, cắt từ đá giữa cái nắng nóng như hun. Nhưng một khi đã lên đến nơi, phóng mắt nhìn toàn cảnh cả thành phố, ai nấy đều bị choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của khung cảnh mà quên cả mệt nhọc.

Petra còn có vô số lăng mộ hầu hết nằm ở rìa thành phố. Trong đó có nhiều cái được thiết kế cực kỳ tinh xảo. Lăng mộ nổi tiếng nhất của Petra là Khazneh có chiều cao 43m và rộng 30m với những cây cột đồ sộ. Các họa tiết điêu khắc ở đây cũng vô cùng ấn tượng với hình sư tử đầu chim, hình đại bàng, ngoài ra là hình ảnh sống động về cây anh túc, nho, lựu...

Hình hoa hồng, biểu tượng của hoàng tộc cũng được tìm thấy. Ngoài trình độ điêu khắc trên đá, người Nabatean còn khiến giới khoa học ngày nay phải khâm phục bởi hệ thống dự trữ và phân phối nước của họ, đó là một loạt các bể đá chứa nước và các ống dẫn nước được tạo bằng cách khoét sâu vào vách đá. Bao bọc Petra chỉ toàn là núi non khô cằn nên việc giữ được nước mưa chính là yếu tố sống còn.

 

RELATED ARTICLES