Những năm gần đây, thiên tai và dịch bệnh liên tiếp xảy ra khắp thế giới, khiến các nhà khoa học lo lắng về ngày tàn của nhân loại. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa diệt vong toàn cầu có thể là cuộc đại suy thoái kinh tế, khủng hoảng khí hậu, thiên tai tàn phá hoặc đại dịch nguy hiểm hơn Covid-19, hay cũng có thể các thảm họa này xảy ra đồng thời.
Dựa trên giả thuyết này, các nhà khoa học nghiên cứu để tìm ra quốc gia nào sẽ an toàn trước thảm họa toàn cầu. Các tiêu chí được xem xét bao gồm việc sản xuất lương thực cho người dân, bảo vệ biên giới khỏi các cuộc di cư trái phép và duy trì mạng lưới điện để vận hành các thiết bị thiết yếu. Cuộc nghiên cứu chỉ ra các hòn đảo với mật độ dân số thấp sẽ là nơi an toàn nhất để nương náu khi thế giới suy vong.
Theo đó, New Zealand là cái tên được đánh giá cao nhất. Kết quả này không khiến các nhà khoa học bất ngờ khi những năm vừa qua, giới tỷ phú đã rục rịch mua đất để xây dựng lô cốt ở quốc gia châu Úc nhằm chuẩn bị cho ngày khải huyền.
Sở hữu khí hậu ôn hòa và địa hình phong phú, đa dạng cùng với đường biên tách biệt nhờ biển cả, châu Úc nói chung và New Zealand nói riêng có thể coi là nơi an toàn nhất khi thảm họa xảy ra khắp hành tinh.
Bên cạnh đó, khi xét về các yếu tố duy trì sự sinh tồn của con người như đất trồng nông nghiệp, hệ thống sản xuất năng lượng từ thiên nhiên (nước, gió, mặt trời) cùng mật độ dân cư..., New Zealand cũng giành ngôi vị đầu bảng.
Sau New Zealand là những đảo quốc như Iceland, Ireland và Tasmania. Cái tên khiến các nhà khoa học bất ngờ nhất là Anh. Điểm trừ về mật độ dân số đông đúc được bù lại bằng khả năng phát triển các nguồn năng lượng thay thế nhanh nhất thế giới. Dù thời điểm hiện tại Anh chỉ mới sản xuất được 50% sản lượng lương thực quốc gia nhưng trong tương lai, quốc gia này có tiềm năng chống chọi với khủng hoảng toàn cầu.
Những nằm gần đây liên tiếp xảy ra các thảm họa như thiếu hụt lương thực, khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh. Chúng ta nên cảm thấy may mắn vì chúng không đồng thời diễn ra, song điều này hoàn toàn có thể xảy đến trong thời gian tới. Các nhà khoa học hy vọng bằng việc đối mặt với những sự kiện này, chúng ta sẽ sớm thích nghi và chuẩn bị các phương án để ứng phó với các thảm họa tương tự trong tương lai.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cho thấy các chính quyền cần hành động gấp rút khi tình hình bắt đầu chuyển xấu. Một bài học rút ra là không nên quá chú trọng về kinh tế để rồi phải đánh đổi sức trường tồn của quốc gia. Các quốc gia cần đầu tư nhiều hơn về các phương án phản ứng với thảm họa để không bị bỡ ngỡ khi "tin xấu" ập tới.