Hang động Waitomo nằm ngay bên ngoài thị trấn Waitomo trên đảo Bắc, New Zealand. "Wai" theo tiếng Maori có nghĩa là nước và “tomo” có nghĩa là lỗ hoặc mở. Hệ thống hang Waitomo bao gồm hang Ruakuri và hang Aranui, là điểm đến hấp dẫn du khách trên toàn thế giới cùng đến chiêm ngưỡng và khám phá với ánh sáng xanh huyền ảo.
Waitomo được bởi tộc trưởng tộc người Maori - Tane Tinorau cùng với một điều tra viên người Anh - Fred Mace khám phá lần đầu tiên vào năm 1887. Người Maori từ lâu đã biết về sự tồn tại hang động, nhưng các hang động dưới lòng đất chưa bao giờ được khám phá rộng rãi cho đến khi Fred và Tane đi điều tra. Họ làm một chiếc bè bằng thân cây lanh và cầm nến, đuốc trên tay, cùng đi vào hang động. Khi đi vào bên trong hang, họ thực sự cảm thấy kinh ngạc trước ánh sáng lấp lánh của các con đom đóm phát ra từ trần của hang động. Và khi đi sâu hơn vào các hang động hướng tới một bờ kè, họ lại càng kinh ngạc hơn bởi những tầng đá vôi dày đặc và chi chít trong lòng hang. Vô cùng phấn khích trước các phát hiện về một hang động hùng vĩ như vậy, họ đã quay trở lại đây nhiều lần để tiếp tục khám phá nhiều hơn. Trong một lần đi một mình, tộc trưởng Tane đã phát hiện ra lối vào phía trên của hang động và cũng chính là lối vào chính của hang ngày nay. Vào năm 1889, Tane Tinorau đã bắt đầu mở cửa hang nhằm phục vụ khách du lịch vào thăm quan. Kể từ năm 1906, chính phủ New Zealand tiếp nhận quyền sở hữu hang động, Tane Tinorau và vợ nhận được tỷ lệ phần trăm doanh thu của hang động và cùng tham gia vào việc quản lý và phát triển hang động.
Qua nhiều năm dưới sự tác động bởi dòng chảy của nước, hang động Waitomo hình thành hàng triệu thạch nhũ và măng đá, tạo nên hệ sinh thái vô cùng phong phú trong hang. Khi đi sâu hơn vào bên trong lòng hang động, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước hệ thống hang động hùng vĩ và đây cũng là nơi sinh sống của hàng trăm loài sinh vật khác.
Nằm sâu hơn 45 m trong lòng đất với cấu trúc hang động và hình dáng độc đáo do sự tác động của thiên nhiên theo thời gian, hang động Waitomo là nơi cư ngụ của loài đom đóm có tên khoa học là Arachnocampa luminosa, một loài đom đóm chỉ sống ở New Zealand. Ấu trừng của loài đom đóm này treo lơ lửng trên trần hang động như những chuỗi pha lê lấp lánh. Đom đóm trưởng thành sử dụng chất phát quang sinh học được tạo ra từ đuôi của mình để thu hút bạn tình cũng như "lừa" các loài côn trùng khác vào bẫy.
Ánh sáng huyền ảo của đom đóm Arachnocampa luminosa lung linh dọc theo dòng sông Waitomo, như thể bạn chỉ cần với tay là có thể chạm vào dải thiên hà với muôn ngàn vì sao lấp lánh, như thể một thế giới viễn tưởng trong siêu phẩm điện ảnh "Avatar" như đang hiện ra trước mắt, ánh sáng diệu kỳ ấy vụt sáng, rồi lại vụt tắt theo tiếng động trong hang. Thuyền chầm chậm trôi, bạn sẽ bị say đắm bởi từng dãy ánh sáng buông thõng một cách tự nhiên như những dải lụa mềm mại, nối dài đến tận cùng hang động như những chiếc đèn li ti điểm tô cho các khối thạch nhũ kì vĩ. Thứ ánh sáng huyền ảo đó hòa quyện với tiếng tí tách, trong trẻo của những giọt nước, tạo thành một khung cảnh thần tiên nơi mặt đất.
Để bảo tồn "dải ngân hà trên mặt đất" tại hang động Waitomo, những nhà khoa học New Zealand luôn phải theo dõi phân tích chỉ số không khí, độ ẩm, nhiệt độ và lượng khí CO2 trong hang động hết sức cẩn thận để nắm bắt sự biến đổi của Waitomo, dựa vào đó mà điều chỉnh số lượng khách tham quan hang động vào mỗi ngày. Những quy định khắt khe này được đề ra nhằm bảo vệ và giúp nhân loại không bị mất đi một kho tàng thiên nhiên tuyệt mỹ, kỳ diệu đến như thế.