Kỳ bí bãi đá cổ khổng lồ hình kim tự tháp của dân tộc S’tiêng

02/07/2014

Giữa núi rừng hoang vu bạt ngàn cây cối, khu mộ cổ với những viên đá ong mang hình Kim tự tháp nằm dãi dầu mưa nắng thời gian cùng những câu chuyện kể vô cùng kỳ bí mà bất cứ ai khi nghe xong cũng phải lạnh cả sống lưng. Tuy nhiên, với người dân quanh vùng, khu mộ cổ này không phải biểu hiện của sự chết chóc mà chỉ thấy cảm giác linh thiêng và tôn kính. Đó chính là khu mộ đá ong của người S’tiêng thuộc ấp 2, xã Lộc An (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) với hàng trăm khối đá ong to nhỏ khác nhau.

Những vòng tròn đá đồng tâm ma quái

Tác giả đang tìm hiểu những khối đá ong ở đây

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Phải len lỏi qua mấy chục cây số đường rừng, lội qua những con suối chảy xiết đầu mùa mưa, chúng tôi mới tìm đến được khu mộ đá cổ của S’tiêng nằm giữa bạt ngàn rừng núi biên giới Lộc Ninh. Người dẫn đường cho chúng tôi, anh Điểu Thoại, một thanh niên còn khá trẻ, vui tính vừa đi vừa kể: “Khu mộ cổ này nằm ở gần khu mỏ đá đang khai thác của người dân địa phương. Đó là một khu đất trống, rộng mênh mông nằm thoai thoải trên một triền đồi, được người dân quanh vùng gọi là khu đá Bãi Tiên”. 

Thoạt nhìn, khu mộ mang đến cho ta cảm giác của sự ngạc nhiên và rất đỗi hoang vu vì xung quanh không có người ở nhưng lại có rất nhiều đá. Toàn đá ong nằm trên nền cỏ xanh mặc dù xung quanh không có núi, đồi gì cả. Theo quan sát của chúng tôi, khu mộ này có đến cả nghìn tảng đá lớn nhỏ khác nhau, nằm rải rác. Ở trung tâm của khu mộ là một ngôi mộ được cấu tạo bởi vòng tròn đá có bán kính chừng 6 mét với khoảng 30 phiến đá ong hình Kim Tự Tháp nhọn xếp bao quanh, cao hơn bề mặt chung quanh khoảng 0,5-0,6 mét. Có thể nói, đây chính là trung tâm của khu mộ cổ này và cũng được cho là nơi an nghỉ vĩnh hằng của chủ nhân khu mộ, già làng Rlem, người đầu tiên đưa những cư dân S’tiêng về đây định cư. 

Kể về chuyện này, già làng Điểu Vinh, 69 tuổi, một người sinh sống gần khu mộ này cho biết: Lúc nhỏ, tôi được nghe các  già làng trong vùng kể rằng khu mộ đá là nơi an nghỉ của già Rlem và hơn 100 người S’tiêng khác. Đó chính là một sự kiện lạ lùng mà đến nay, không ai giải thích nổi nhưng tất cả mọi người đều tin đó là sự thật. Trong đám tang của già Rlem, có 100 người dân đưa tiễn đến đây, đang an táng cho già làng thì đột nhiên trời đổ mưa như trút nước khiến trời đất và vạn vật như bị nhấn chìm. Rồi đột nhiên, giữa một tiếng sét kinh thiên động địa, long trời lở đất, xác già làng và tất cả những người đi cùng đều bị hóa thành đá. Từ đó, khu mộ đá ong được hình thành và là nơi linh thiêng của cộng đồng người S’tiêng trong vùng. Với họ, việc già làng và 100 người bị biến thành đá chính là ước nguyện sự bất tử, vĩnh hằng trong trời đất, thưở mới khai thiên lập địa để mong con cháu người S’tiêng sau này an cư lạc nghiệp, lấy khu mộ cổ này làm trung tâm để sinh sống, phát triển, từ bỏ cuộc sống lang thang qua những cánh rừng và dòng sông. Thực sự, nghe già làng kể và tận tay chạm vào những viên đá ong cổ, tôi mặc dù không tin nhưng vẫn có cảm giác linh thiêng, thấy dường như có sự hiện diện đâu đây của tiền nhân, những chủ nhân ngàn đời của mảnh đất hoang vu này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nấm mộ trung tâm ở chính giữa, nơi đây còn có những tảng đá lớn bao quanh theo hình tròn. Cụ thể, ngoài vòng tròn là nấm mộ già Rlem thì 2 vòng tròn đá bên ngoài khá rộng, được cấu thành bởi những khối đá nằm rải rác, xếp liền kề nhau theo một trật tự cố định nhưng đồng tâm. Hiện nay, hai vòng đá bên ngoài này đã bị xáo trộn nhiều do những biến động của thời gian và cả chính con người. Cụ thể, vòng đá tròn thứ 2 có đường kính ước phải 20 mét với hàng trăm viên đá ong nằm bao quanh. Nay chúng chỉ có non nửa số đá ong do nhiều tảng đã bị di chuyển đi nơi khác nhưng dấu tích của nó vẫn còn, dù khá mờ. Cuối cùng, vòng tròn đá thứ 3 được cho là bao quanh, đồng tâm với hai vòng tròn kia có bán kính khoảng trăm mét, rất lớn. Có thể nói, việc những vòng tròn đá đồng tâm được sắp xếp một cách kỳ lạ và khá chính xác khiến không ít người cảm thấy nghi ngờ bởi cách đây nhiều năm, việc sắp xếp được những vòng tròn đá đồng tâm mà lại chính xác như thế là rất khó khăn. Mặc dù chưa được phép khai quật để biết chính xác bên dưới những phiến đá ong kỳ lạ kia là gì nhưng chúng ta cũng có thể hình dung được, nó chắc chắn sẽ có chứa nhiều bí ẩn thú vị của văn hóa cộng đồng người S’tiêng nơi này.

Nguy cơ biến mất

Như chúng tôi đã nói ở trên, khu mộ cổ đá ong này nằm gần khu mỏ đá đang khai thác của người dân khiến chúng có thể trở thành nạn nhân của việc bị nghiền nát, đưa lên xe tải chở đi bất cứ lúc nào. Theo anh Điểu Thoại, cách đây mấy năm, một chủ đá ở địa phương đã có kế hoạch cho nổ mìn khu mộ cổ này để lấy đá nhưng sự việc đã đượ chính quyền địa phương sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn. Cũng theo anh Thoại, hiện nay quanh khu vực này có rất nhiều cơ sở khai thác đá như vậy và bãi đá cổ có thể bị khai thác bất cứ lúc nào bởi những xe tải và mìn phá đá ở đây hoạt động suốt ngày đêm. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, chỉ một thời gian ngắn nữa, những chiếc máy ủi hoàn toàn có thể xâm lấn tới khu mộ đá này. Chính vì thế, thời gian vừa qua, một số đoàn khoa học của tỉnh Bình Phước đã có những cuộc khảo sát khu quần thể di tích mộ đá này. Tuy chưa đưa ra kết luận chính thức nhưng đoàn khảo sát khẳng định, khu mộ đá có thể là nơi chôn cất của các tù trưởng của người S’tiêng hoặc có thể là đàn đá tế trời, cầu mưa của đồng bào. Trái lại, nhiều ý kiến khác về khu mộ đá này lại cho rằng, khu mộ đá với hàng ngàn khối đá ong và những vòng tròn đá đồng tâm chính là một tuyệt tác của thiên nhiên, được hình thành một cách ngẫu nhiên, không có sự can thiệp của bàn tay con người. Nó có thể coi là một sự kỳ lạ trong cuộc sống như những quần thể đá khác mà con người đã phát hiện ra mà thôi. 

Mặc dù khoa học chưa có kết luận chính xác về nguồn gốc của khu mộ đá nhưng theo người dân, có rất nhiều điều kỳ lạ đã diễn ra quanh khu mộ đá ong này. Đó là chuyện trong thời gian chiến tranh, hầu như khu vực biên giới Lộc Ninh, cái nôi của phong trào giải phóng miền Nam và cơ quan đầu não của cách mạng đều phải chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù. Dù những vùng núi, rừng, suối khác bị bom đạn cày xới, tung tóe nhưng khu mộ cổ này nguyên si, không hề bị suy chuyển. Mọi người còn kể, không hiểu sao bom đạn kẻ thù cứ “lảng tránh” khu mộ này mặc dù nó rất trống trải, nằm biệt lập một cách vô cùng khó hiểu. Chính vì thế, người dân S’tiêng còn coi khu mộ cổ này là báu vật linh thiêng bất khả xâm phạm của dân tộc mình.

Theo ông Trần Thanh Tùng, giám đốc bảo tàng tỉnh Bình Phước thì khu di tích Bãi Tiên này chắc chắn là một di chỉ khảo cổ học có giá trị bởi những vòng tròn đá sắp xếp như thế phải có bàn tay của con người chứ không chỉ đơn thuần là sự cấu tạo của tự nhiên được. Bỏ qua những câu chuyện huyền bí truyền miệng của đồng bào, nơi đây có ẩn chứa nhiều giá trị nghiên cứu về những người S’tiêng cổ, những cư dân đầu tiên của vùng đất Lộc Ninh, Bình Long… ngày nay. Chính vì thế, sắp tới bảo tàng sẽ nghiên cứu chính xác niên đại cũng như tuổi đời của hiện vật đá ở Bãi Tiên để xác định những nghi vấn cũng như giải thích chính xác những câu chuyện thần bí của đồng bào.

Có thể nói, điều ông Tùng giải thích cũng phần nào phù hợp với văn hóa tín ngưỡng sử dụng đá trong đời sống văn hóa của đồng bào S’tiêng. Theo các già làng ở vùng Lộc An thì từ lâu, đá đã có một vai trò hết sức quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng của họ. Từ các nghi lễ bỏ mả, cúng lúa mới, ma chay hay cưới hỏi… dân làng đều phải thờ đá. Chính vì thế, khu vực mộ đá đó dần đã trở nên linh thiêng với người dân từ lúc nào không hay.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES