Tại các Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE), mùa hè là một trong những thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm khi nhiệt độ thường có thể lên tới 48 độ C. Để chiến đấu với khí hậu khô nóng của sa mạc, các nhà khoa học tại đây đã nghĩ ra phương pháp “gọi mưa”.
Cụ thể, Dubai triển khai máy bay không người lái (drone) bay về phía các tầng mây rồi phát điện. Bằng cách này các đám mây sẽ tụ lại, biến thành mây dông rồi đổ mưa xuống thành phố sa mạc.
Phương pháp này là một phần trong dự án trị giá 15 triệu USD của UAE nhằm gia tăng lượng mưa hàng năm của đất nước này. Phương pháp được phát triển bởi các chuyên gia thuộc Đại học Reading (Anh Quốc).
Giáo sư Maarten Ambaum, một trong những người tham gia dự án, cho biết UAE có đủ lượng mây cần thiết để kiến tạo nên mưa. “Chỉ cần kích thích cho những giọt nước trong mây tụ lại với nhau, khi đủ lớn chúng sẽ bắt đầu rơi xuống, tạo ra mưa”, Giáo sư Ambaum giải thích với BBC.
UAE cũng đang tìm cách bảo tồn nước mưa thay vì để nó bốc hơi tự nhiên. Hiện quốc gia sở hữu 130 đầm trữ nước với sức chứa lên tới 120 triệu mét khối.
Giám đốc Trung tâm Khoa học Quốc gia Abdulla al-Mandoos cho biết, đất nước đang nghiên cứu để xây dựng thêm nhiều đầm dự trữ nước mưa hơn nữa.
“Chúng tôi không muốn lãng phí kể cả một giọt nước”, ông Mandoos chia sẻ.