Lạ...bên đôi bờ sông Seine

31/10/2013

Đúng như lời khuyên của các bạn Pháp, muốn biết được cái đẹp tinh túy của thủ đô Paris, chỉ cần đi dọc đôi bờ sông Seine là đủ. Bởi, hầu như những gì nổi tiếng của xứ này đều được phơi bày quanh sông Seine.

Trịnh Sinh

Nhân một chuyến đi công tác Châu Âu, tôi làm một tour du lịch bụi đến Paris, thủ đô ánh sáng. Paris không có nhiều nhà chọc trời. Đúng ra, nhà chọc trời được “gom” lại một góc, đó là khu La Denfense, một khu mới ở ngoại vi, được coi như một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Châu Âu. Còn lại là một Paris hoa lệ với nhiều nhà cổ hay xây theo phong cách cổ, có thể hình dung như dạng khu phố Tây của Hà Nội. Mà thực ra, chẳng phải chính sản phẩm khu phố Tây ở Việt Nam cũng được sao y bản chính từ một phần của Paris hồi đầu thế kỷ 20 đó sao?

Anh bạn đồng nghiệp người “Parisien” chính hiệu có ý định dẫn tôi đi tham quan thành phố, nhưng tôi lại muốn tự đi “phượt” một mình trong phố xá hơn, như đã thành một thói quen như cách trước đây từng đến các thành phố xa lạ như New York, Washington, Moscow hay Tokyo…

Chỉ mất có 17 đô la Mỹ (tính hối đoái từ tiền Euro, chứ việc đổi tiền Mỹ ở đây cũng rắc rối lắm!) đã có thể làm một vòng sông Seine 60 phút trên các con tàu du lịch sang trọng mang tên “Bateaux Parisiens” để được ngắm cảnh đôi bờ. Cũng có nhiều bến đỗ và hãng tàu khác nhau nhưng giá đều gần như nhau, để du khách có thể chọn lựa. Cứ khoảng nửa giờ có một chuyến tàu đến và đi, nhả khách và đón khách như một nhịp điệu vĩnh hằng làm đẹp cho thành phố mà cũng thật tiện cho khách du lịch.

Không phải ngẫu nhiên mà đôi bờ sông Seine, chảy giữa thủ đô Paris hoa lệ của Pháp, lại được xếp vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi mà tổ chức quốc tế này "phong thánh" cho đôi bờ một con sông.

Về mặt tự nhiên thì sông cũng "thường thường bậc trung" với vẻ đẹp xanh lục, lưu lượng dòng chảy hiền hoà, độ sâu khoảng từ 6 đến 8 mét. Tức là cũng giống biết bao dòng sông khác ở Châu Âu, nhưng cái địa lợi là nằm chính giữa và chia thủ đô Pháp làm đôi bờ nam - bắc. Chính cái đôi bờ mới làm đẹp thêm cho sông và chính những chiếc cầu nối đôi bờ mới làm đẹp cho cả sông lẫn bờ. Thì ra, người Pháp từ lâu đã coi sông Seine là một "mặt tiền" trời cho để làm sang với thiên hạ. Và, vì vậy mà họ đã khoe hết kiến trúc này đến đền đài khác trên cái mặt tiền dài khoảng 14km chảy qua nội đô này.Sông Seine là một con sông được khai thác 2.500 năm cách đây, khi những người Pháp đầu tiên trong thời tiền sử, đến Paris để cư trú và khai phá đảo Cite nằm giữa sông. Từ bấy đến nay, đôi bờ sông đoạn chảy qua Paris đã trở thành hòn ngọc lung linh, góp phần không nhỏ tạo nên sự hấp dẫn của thành phố mỗi năm thu hút tới 30 triệu khách du lịch.Không phải ngẫu nhiên mà đôi bờ sông Seine, chảy giữa thủ đô Paris hoa lệ của Pháp, lại được xếp vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi mà tổ chức quốc tế này "phong thánh" cho đôi bờ một con sông.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi nhẩm đếm được có 37 chiếc cầu bắc ngang sông. Mỗi chiếc cầu là một tuyệt tác kiến trúc, không cái nào giống cái nào. Ấn tượng nhất với tôi là cây cầu Pont Neuf, theo đúng nghĩa đen là “Cầu Mới”. Thế mà chẳng mới tý nào. Trong số những cầu còn soi bóng sông Seine thì đây lại là cây cầu có niên đại xưa nhất, được xây từ năm 1578. Duyên do khi mà cầu này được xây lên bằng đá, thì các chiếc cầu khác chỉ là cầu gỗ. Cái nghĩa “mới” từ lúc đó vẫn giữ cho tới nay.

Một trong những chiếc cầu đẹp nhất, theo tôi có lẽ là cầu Alexandre đệ tam, xây vào năm 1896. Đây còn là quà tặng của Hoàng đế nước Nga tặng cho Paris và tên cầu cũng được đặt theo tên của ông. Chiếc cầu mang phong cách nghệ thuật và được nhiều người đi nhất vì nằm ở lối vào khu trung tâm, nơi có tháp Eiffel, điện Elysee, lâu đài Bourbon, quảng trường Concorde… Cầu có những cây cột đèn trang trí đẹp. Hai đầu cầu có các bức tượng kim loại màu vàng lộng lẫy.

Điểm nhấn của đôi bờ sông lại là kiến trúc lâu đài. Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng với tác phẩm của V. Hugo “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” đẹp cổ kính như một dạng phóng to của nhà thờ lớn Hà Nội. Còn có thể chiêm ngưỡng tòa nhà Quốc Hội, tòa nhà Grand Palair vốn là một cung điện lớn, nằm ở đại lộ Champ-Elysees nổi tiếng, cùng một hệ thống khách sạn nổi tiếng khác được xây từ năm 1671 có tên gọi là Invalides…

Hai trong số những bảo tàng nổi tiếng thế giới cũng nằm ở bên sông. Đó là Bảo tàng Louvre tập trung nhiều hiện vật cổ - trung đại quý nhất như tượng đá Thần Vệ Nữ, tranh nàng Mona Lisa có nụ cười bí hiểm… Gần đây, một kiến trúc Kim Tự Tháp hiện đại làm bằng kính được xây ở giữa sân bảo tàng đẹp lung linh, nhất là về ban đêm khi có hệ thống đèn màu chiếu sáng. Trong khi đó, Bảo tàng Orsay lại là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật phương Tây cận và hiện đại, có những tác phẩm nổi tiếng của đại danh họa Van Gogh.

Một kiến trúc nữa khiến gây ra nhiều tranh cãi nhất trong dân thị thành Paris khi mới ra đời. Đó là tháp Eiffel. Đã từng bị coi là “con quái vật bằng thép” nhưng dần dà thành… quen mắt. Nay lại là biểu tượng đẹp và không thể thiếu của Paris, thậm chí của cả châu Âu. Tháp cũng sừng sững in bóng trên dòng sông.

Dọc bờ sông còn có khá nhiều bến đá, cũng cổ kính không kém lâu đài. Người Pháp còn dựng nên nhiều nhà hàng nổi, vũ trường, quán cà phê. Nhưng nổi bật nhất mà cũng công phu nhất là họ dựng cả một “bãi biển” nhân tạo ven sông. Hàng ngàn tấn cát, cây cọ được nhập khẩu. Cũng có cảnh các cô gái mặc bikini nằm tắm nắng, các cuộc dã ngoại, tụ tập chơi ghi ta, uống rượu đây đó bên bờ sông như thể ngày nào cũng có lễ hội.

Sông Seine với người Paris không chỉ đẹp về kiến trúc, mà còn là những kỷ niệm đời người. Bao tao nhân mặc khách đã đến đây, chủ đề của thơ ca, hội họa, nơi hẹn hò của những lớp người tình... Một con sông đã gắn bó máu thịt với đời sống của người dân.

Đến với sông Seine không chỉ một lần, nhưng có lẽ với tôi thời gian mà sông đẹp nhất, trời Paris cũng trong xanh nhất, lại ấm áp, chính là vào dịp từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Còn gì thú hơn là ngồi trên sàn tàu giữa trời xanh nước biếc mà nhấm nháp từng ly rượu vang Pháp? 

Thời gian mà sông đẹp nhất, trời Paris cũng trong xanh nhất, lại ấm áp, chính là vào dịp từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Còn gì thú hơn là ngồi trên sàn tàu giữa trời xanh nước biếc mà nhấm nháp từng ly rượu vang Pháp?   

Thông tin thêm:

+ Đi bằng gì?

Từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể bay thẳng đến sân bay Charles De Gaulle trên nhiều hãng hàng không quốc tế. Vietnam Airlines cũng có tuyến bay thẳng này. Các tiếp viên của Vietnam Airlines xinh đẹp, trẻ trung và nhất là có thể giao tiếp bằng … tiếng Việt. Từ sân bay, có thể đi xe buýt về trung tâm thành phố, cách bến sông Seine khoảng 25km. Đó là phương tiện rẻ nhất và được ngắm cảnh dọc đường cũng khá đẹp, nhất là về mùa hè.

+ Nghỉ ở đâu?

Bạn có thể tự đặt khách sạn qua nhiều trang mạng du lịch (từ 2 sao đến 5 sao). Nếu biết tiếng Anh, Pháp hoặc có kinh nghiệm đi nước ngoài thì nên ở khách sạn vùng ven đô, giá rẻ và cũng sạch sẽ, phục vụ chu đáo.

+ Tham quan

Dọc sông Seine đều là thắng cảnh và các lâu đài, bảo tàng đẹp. Nếu chỉ có 1 ngày thì đi tour dọc sông Seine. Nếu có vài ngày thì có thể đi bộ các nơi đẹp nhất, cũng ở đôi bờ sông: Leo lên tháp Eiffel, tham quan Bảo tàng Louvre, điện Elysee, lâu đài Bourbon, quảng trường Concorde… là những nơi cô đọng lịch sử và văn minh Pháp. Hoặc làm một tour tham quan các kênh rạch chằng chéo Paris bằng tàu, cũng xuất phát từ bến sông Seine, hoặc thăm khu thương mại hiện đại La Denfense có nhiều nhà chọc trời, tuy hơi xa trung tâm.

Nếu muốn thưởng thức các món ăn Việt Nam như phở, bánh cuốn, nem thì đến quận 13 - nơi có đông đảo Việt kiều sinh sống như một dạng Little Sai Gon.

+ Lưu ý:

Nếu đi bộ dạo chơi phố phường Paris thì nên cẩn thận: Chú ý nhìn mặt đất, vì người Pháp có thói quen dắt chó đi chơi, rất dễ dẵm phải “mìn” phân chó dọc đường. Chú ý dọc một số đường có cây cổ thụ xum xuê, rất dễ được hưởng thụ một… bãi phân chim rơi đúng đầu. Có lẽ hai điều này ở Pháp làm nên một đặc thù mà ở nhiều nước không có chuyện này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES