Ladakh, chân trời trong mơ (Kỳ 2)

11/11/2014

Chúng tôi trải qua thật nhiều những bất ngờ và ngạc nhiên, bởi cảnh vật kỳ thú, cứ thay đổi không đoạn nào giống đoạn nào. Đôi lúc tôi có cảm giác mình đang đi qua địa hình, địa chất của sao Hoả, sao Mộc hay mặt Trăng vậy, nếu ở đó không tồn tại một con đường.

 

Bài và ảnh: Lê Thắng

 

Chúng tôi đã đi được nửa ngày đường, qua những cung đèo đẹp mê hoặc nhưng cũng pha lẫn đôi chút sợ hãi. Những khúc cua gấp ngang lưng núi đưa chúng tôi lên cao dần, nhiệt độ cũng giảm xuống, trời bắt đầu lạnh hơn. Tôi thấy đỉnh núi tuyết đầu tiên, xa xa phía chân trời, nơi con đường quanh co hun hút sâu vào giữa những mảng nắng sáng tối mênh mông. Bạn bè tôi, ánh mắt họ sáng bừng, chiếc xe lao đi mang theo biết bao hứng khởi.

 

 

Anh tài xế người bản địa dừng xe lại bên đường, giữa thung lũng cỏ xanh khá hiếm hoi ở vùng đất này. Chúng tôi xuống xe trong sự phấn khích, sau nửa ngày dài lắc lư qua biết bao núi đồi. Thảo nguyên đẹp và thơ mộng. Tôi bắt gặp một gia đình du mục đang di chuyển bằng ngựa, một người đàn ông khác chăn đàn dê dưới triền cỏ, tất cả họ trông vô cùng đáng yêu. Sự lạ lẫm về diện mạo hay khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán đã mang đến cho chúng tôi sự tò mò lớn. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh cùng họ và chụp riêng họ, trước khi nhâm nhi một tách trà bên đường rồi tiếp tục hành trình trên thảo nguyên.

 

 

Từ Srinagar đến Leh mất hai ngày đường. Chúng tôi đã đến thị trấn Kargil, đặt chân vào đất Ladakh. Kargil là thị trấn lớn, chia đôi quãng đường giữa Srinagar và Leh. Kargil năm 1999 từng là chiến trường trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan. Nghe nói Kargil không thực sự an toàn, nên chúng tôi quyết định đi thêm 60km, đến ngôi làng Mulbek, một nơi rất thanh bình để ngủ lại đây và tiếp tục hành trình vào sáng hôm sau.

 

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Mulbek chiều chạng vạng gió lồng lộng, xa xa chân trời là cơn giông, khung cảnh trở nên kì bí. Chúng tôi có một dự định từ quê nhà, là khi đặt chân vào đất Ladakh, các bạn sẽ cắt tóc cho nhau, và không thể có lúc nào phù hợp hơn để thực hiện điều đó hơn lúc này. Mấy anh em đã lần lượt xuống tóc, trong gió lạnh và bóng tối dần bao phủ thung lũng ở độ cao gần 3.000m.

 

 

Tôi thức giấc khi mọi người còn ngủ say. Phần nhiều là vì trên cao hơi khó ngủ, phần khác là sự thấp thỏm chờ đợi tia nắng đầu tiên trải xuống thung lũng. Và khi mặt trời vừa ló trên đỉnh núi, thứ ánh sáng mê hoặc ấy đã làm tôi câm lặng. Từng tia nắng xuyên qua mây tạo nên những khoảng sáng tối vô cùng kỳ ảo. Tôi không thể nhớ được là mình đã chụp những tấm ảnh ở đó như thế nào và chụp bao nhiêu lâu. Chỉ biết, đó là những khuôn hình kỳ diệu nhất mà tôi từng ngắm và ghi lại.

 

 

Chúng tôi đang đi qua cung đèo cao 4.300m sau khi rời Mulbek. Một chút chông chênh khi lần đầu trải nghiệm độ cao ấy và những cảm giác nứt nẻ khô khan. Càng tiến về phía Leh, địa hình càng ít cây cỏ, không gian chỉ bạt ngàn đất đá và núi tuyết. Ladakh là vùng đất Phật giáo, và tôi đã bắt đầu thấy nhiều hơn những dải cờ màu và những tu viện trên những ngọn núi. Chúng tôi đang hướng tới Lamayuru – tu viện lớn và nổi tiếng của vùng Ladakh, một nơi cần phải đến thăm trong hành trình lần này.

 

 

Lamayuru được xem là tu viện lâu đời nhất vùng Ladakh, được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 10 bởi vị Đại sư có tên là Napora. Lamayuru toạ lạc ở một vị trí rất đẹp bên sườn núi, địa hình xung quanh vô cùng độc đáo và thú vị. Chúng tôi đã dừng xe và ngắm ngôi cổ tự từ xa, nơi những con đường quanh co dẫn lối. Rồi tiếp tục đến và vào bên trong tu viện, tham quan quần thể kiến trúc, ngắm cảnh xung quanh và tiếp xúc với các nhà sư cùng những người Ladakhi sống ở đây.

 

 

Chúng tôi rời Lamayuru trong tiếc nuối sau bữa trưa tại nhà hàng nhỏ xinh xắn ở bên ngoài tu viện. Giá như có nhiều thời gian hơn để có thể ở lại ngắm Lamayuru trong ánh hoàng hôn. Nhưng quãng đường còn khá dài để có thể đến được Leh trước khi trời tối. Chúng tôi tiếp tục hành trình, để lại Lamayuru phía sau lưng. Vẫn là những cung đường đẹp như trong mơ. Chúng tôi trải qua thật nhiều những bất ngờ và ngạc nhiên, bởi cảnh vật kỳ thú, cứ thay đổi không đoạn nào giống đoạn nào. Đôi lúc tôi có cảm giác mình đang đi qua địa hình, địa chất của sao Hoả, sao Mộc hay mặt Trăng vậy, nếu ở đó không tồn tại một con đường.

 

 

Chiếc xe lao vút đi trong nắng chiều đã nhuộm vàng. Những cung đường đã bớt quanh co hơn, thi thoảng là những đoạn đường thẳng dài như vô tận, được mây và những viên đá dẫn đến chân trời. Và khi những ngọn núi phủ tuyết trắng dần hiện ra phía đằng xa, tôi biết đó là Himalaya, nơi mà dưới chân dãy núi ấy có thành phố chúng tôi sẽ đến đã ở rất gần. Và rồi chúng tôi đã tiến vào Leh, như những lữ khách, khi mặt trời lặn dần vào lưng núi.

 

Thông tin thêm:

- Srinaga – Leh Highway dài 434km. Đường khá tốt với những khung cảnh đẹp vượt ngoài sức tưởng tượng. Đây là tuyến đường du lịch lớn của Ladakh nên có đầy đủ các địa điểm dừng nghỉ, ăn uống.

- Tuyến đường có nhiều điểm tham quan hấp dẫn, như: Tu viện Lamayuru, Tu viện Anchi, dãy núi Zanskar, các ngôi làng của người Tạng…

- Phương tiện: tốt nhất là xe 7 chỗ, thuê cả xe và tài xế cho hành trình 2 ngày 1 đêm với chi phí 300$(18.000 rupee).

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES