Lang thang xứ chè cổ thụ

17/10/2013

Cái nôi các giống chè Việt Nam không đâu khác là các tỉnh phía Bắc. Hà Nội có "Giếng nước hè, chè Cam Lâm", Sơn La có chè Tà Sùa, chè Tô Múa - "Gái Mường Tè, chè Tô Múa", Thái Nguyên lại có chè Tân Cương - "Chè Thái gái Tuyên". Cao Bằng có chè đắng. Hà Giang có Shan Tuyết Vị Xuyên, Yên Minh... Nhưng có lẽ không đâu có chè Shan Tuyết nổi tiếng bằng Suối Giàng - Yên Bái.

Bài và ảnh: Ngô Trần 

Con đường lên “xứ trời” mờ ảo trong làn mây trắng. Mây vây quanh mình, mây phủ kín núi non, con đường lên đỉnh Chông Páo Mùa như dải lụa nhỏ vắt ngang lưng chừng trời. Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn quanh năm ở độ cao 1400m là nơi tập trung nhiều chè Shan Tuyết cổ thụ của tỉnh Yên Bái.

Vừa đến xã Suối Giàng, ập ngay vào mắt là ngôi nhà nhỏ với 7 cây chè Shan Tuyết cổ thụ trong vườn. Đó là nhà anh Luân và chị Giàng Thị Xá. Theo lời anh Luân, những cây chè trong vườn đã có rất lâu đời, có cây hơn 400 năm, có cây đến gần 700 năm tuổi. Xưa ông cụ tổ ở đây cũng làm nghề hái chè làm chè, truyền bao đời cho đến tận bây giờ. Những thân chè cổ thụ xù xì như minh chứng cho bao cuộc bể dâu, sừng sững đó, hiên ngang giữa đất trời. Trải qua hàng trăm năm nhưng những cây chè vẫn xanh tốt xum xuê.

Ở độ cao này, cả bản Suối Giàng gần như quanh năm mây mù bao phủ, thân chè, lá chè cũng vì thế mà hấp thụ tinh hoa của đất trời. Người Mông tin rằng sự sống những cây chè Shan Tuyết có một nửa là từ đất, một nửa là từ trời. Thân chè hấp thụ khí trời mà thêm vững chãi. Lá chè hấp thụ mây sương mà thêm xanh thêm dày. Nâng chén trà là như ôm cả đất trời vào lòng. Uống ngụm chè Shan Tuyết - Suối Giàng là uống cả tinh hoa đất trời nơi đây.

Gọi là Shan Tuyết vì ở mỗi đọt chè có một búp non trắng và có lông tơ mịn, khi sương quanh năm bao phủ tạo nên một lớp mỏng li ti trên búp non làm búp nhìn trắng như tuyết. Khi búp non này đem sao thì không biến thành màu đen mà vẫn nguyên màu trắng. Chính búp non này mà chè được gọi là Shan Tuyết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Rời Suối Giàng tôi đến với Phình Hồ, một bản người Mông thuộc huyện Trạm Tấu - Yên Bái nơi những con người nơi đây quanh năm làm bạn với gió và mây, nơi có nhiều truyền thuyết thú vị, và là nơi mà người ta nói có nấc thang lên thiên đường. Nhưng lần này tôi đến Phình Hồ cũng là vì chè cổ thụ.


Con đường lên Phình Hồ đang được làm nên nói khó cũng không quá mà dễ cũng không hẳn, nhưng cũng đủ để bạn phải mệt mỏi khi đi vào mùa mưa. Những con dốc lên rất gắt, những khúc ngoặt cùi chõ nguy hiểm, khi xe vượt qua một khúc ngoặt bạn sẽ ngợp thở trước không gian mênh mông hùng vĩ của núi rừng tây bắc mở ra trước tầm mắt. Bạn sẽ nhận ra ngay bản Phình Hồ khi vừa tới nơi, bởi hình ảnh rất đặc trưng, những cây chè cổ thụ mọc khắp các sườn đồi, vây quanh nhà.

Đây bản Phình Hồ ẩn hiện trong làn mây, những còn đường đất nhỏ len lỏi rồi chạy sâu vào bản làng, leo lên những sườn núi rồi mất hút trong mây. Những mái nhà người Mông lợp bằng gỗ pơmu, sẫm đen thấp thoáng, một chút bình yên dung dị dần lan tỏa trong tâm hồn. Chè ở Phình Hồ khác ở Suối Giàng là thân thường rất cao chứ không xòe nhánh nhóc. Theo anh Dũng - Giám đốc viện Khoa học Kỹ thuật VAST VN, cũng là một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa chè VN -cho biết, chè ở Suối Giàng do có sự cắt tỉa của người Mông khi hái chè nên qua hàng trăm năm thân chè sẽ phát triển đâm nhánh nhóc ngang; còn những thân chè ít được tỉa sẽ phát triển thẳng. Như vậy có lẽ vùng chè Phình Hồ "hoang dã" hơn chăng?

Cách đây khoảng 7 tháng, tình cờ đọc được một loạt bài của anh Ngọc Dương bên VTC News viết về một rừng chè cổ thụ có hàng ngàn năm tuổi với vô số những cây chè cao hàng chục mét thân vài người ôm. Loạt bài viết này đã tạo tiếng vang rất lớn, và cũng chính vì bài viết đó đã làm tôi trằn trọc băn khoăn mãi không yên. Phần vốn lớn lên ở xứ chè B'Lao nên niềm yêu thích đối với chè đã ngấm sâu vào người phần lại yêu thích du lịch, luôn muốn tìm về những vùng đất lạ với nhiều "kỳ hoa dị thảo" nên ý tưởng thực hiện chuyến đi này cứ thôi thúc mãi không thôi.

Đường đi rừng chè cổ có phần giống như đường đi leo Fansipan, từ Trạm Tôn leo lên lán 2.200m rồi từ đó rẽ theo đường Sín Chải đi tiếp sẽ có đường rẽ vào rừng chè. Càng đi vào sâu, những cây chè bắt đầu dần hiện ra trước mắt. Ở độ cao này, mây thường vây phủ kín, cứ một cơn gió mây lại tan, một cơn gió mây là dày đặc. Những cây chè cổ thụ quanh năm hấp thụ khí trời, ở cao độ này chốc chốc là cả cây cả lá lại chìm trong mây mù. Lớp mùn dưới những gốc chè dày đến cả mét. Những thân chè vút tận vào mây. Lá chè lúc nào cũng xanh mướt ướt đẫm.

Tôi cố tìm dưới đất xem có lá chè rụng không nhưng chỉ hoài công, hiếm hoi lắm thì thấy vài quả chè xanh, phần lớn là hoa chè. Qua trò chuyện với anh Huấn, rồi khi trở về có dịp trò chuyện với chị Viên Trân - nghệ nhân trà đạo, anh Trịnh Quang Dũng - chuyên gia nghiên cứu về chè, một số thông tin thú vị dần hé mở. Tất cả những cây chè thân gỗ đều gọi là chè cổ thụ. Những cây chè ở Suối Giàng cũng cùng họ với giống chè này nhưng do hàng trăm năm trước đã được người Mông biết và khai thác. Khi khai thác họ đã có sự tỉa cành, ngắt đọt nên cây chè không  phát triển chiều cao tự nhiên nên chỉ dừng ở khoảng vài mét. Chè ở Suối Giàng cũng đã có cây khoảng 700 năm tuổi cao chừng 6 -8 mét. Vậy thì chè Hoàng Liên Sơn cao đến 20 - 30m thì tuổi thọ có thể đến hơn ngàn năm.

Bên cạnh đó, trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết ở độ cao từ 2.000 - 2.500m, quanh năm giá rét, mây mù đã hạn chế rất nhiều sự phát triển nên phải mất rất nhiều năm vòng thân cây mới tăng được 1mm. Vậy nên với những cây chè 1,2 người ôm thì tuổi thọ trên 1.000 năm là điều có thể tin được. Theo anh Huấn kể lại, rừng chè này một người bạn anh đã đi cả tuần lễ cũng không ra hết được, có thể kéo dài cả qua Văn Bàn rồi còn rộng mãi. Chỗ tôi đến chỉ trong một diện tích khoảng chừng 100m2 thôi cũng đã có khoảng chừng vài chục cây chè, vậy nên rừng chè này có thể có cả triệu cây.

Theo tư liệu của hiệp hội chè Việt Nam, những cây chè thân gỗ thường thuộc họ chè Shan, chè Assamica (thường có nhiều ở Ấn Độ); chỉ có loại này mới đạt đến độ cao trên 15m, song loại này lại không chịu được thời tiết hạn, rét, mọc ở đồng bằng mà thôi. Trong khi đó, chè Hoàng Liên Sơn lại ở cao độ 2.000 - 2.500, quanh năm giá rét khắc nghiệt. Vậy đây có phải một loại mới chưa từng biết đến? Cách để nhận dạng cây chè khác với các loại đỗ quyên, dẻ, lim táu là thân chè thường có mốc trắng. Đối với chè thì nhiệt độ tốt nhất để sinh trưởng là 18-30 độ C. Nếu nhiệt độ thấp, cây có khả năng chết rét hoặc giảm thiểu quá trình sinh trưởng.

Gian nan vất vả cũng đã vượt qua, thử thách cũng đã nếm đủ rồi giờ là lúc hưởng thụ. Còn gì thú hơn khi được thưởng thức ngụm chè ngàn năm ngay giữa bạt ngàn rừng chè Hoàng Liên, có gió, có mây, có núi rừng làm bạn. Các cụ xưa uống chè vẫn nói, để có ngụm chè ngon thì phải: "Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm", nước ngon phải là sơn thủy thượng, tức lấy nước trên núi cao. Anh Huấn đã nhiệt tình đi lấy một ấm đầy nước suối. Còn về chè thì không có gì tuyệt diệu hơn nữa, mỗi lá chè cổ thụ đã hấp thụ biết bao tinh hoa đất trời, vừa ngắt xuống sương mây còn vương trên lá.

Theo người Mông ở đây, cách pha chè rất đơn giản, cứ ngắt lá chè vò nát rồi đợi nước sôi, đun chừng 10-15 phút. Khi đun, lấy lá chè nút vòi ấm lại cho hơi không thoát ra. Còn về ấm thì đây cũng chẳng phải Oolong mà dùng ấm tử sa, cũng không phải chè Thái mà đun ấm Bát Tràng, thế nên cứ ấm Mông mà đun là tuyệt nhất.

Khôn tả xiết nỗi vui mừng, trong giá lạnh của núi rừng, trong mây trắng lững lờ bao phủ, trong khung cảnh núi rừng hoang vu, ngọn lửa nhỏ bừng cháy, tiếng củi nổ lép bép, tiếng reo của nước sôi, thôi thúc cảm xúc mãnh liệt đến cùng cực, phút giây này thật sự xúc động. Giờ đây khi ngồi nhâm nhi tách trà Oolong và nhớ lại chè cổ ngàn năm Hoàng Liên Sơn lại thấy lòng bâng khuâng khó tả.

Thông tin thêm:

+ Đường đi: Từ Hà Nội đi Nghĩa Lộ, đến xã Suối Giàng, xã Phình Hồ. Đêm ngủ ở Nghĩa Lộ.

+ Đường đi rừng chè Hoàng Liên Sơn là đường leo Fansipan theo hướng Trạm Tôn.

+ Phương tiện: Đi xe khách từ Hà Nội lên Nghĩa Lộ. Sau đó thuê xe máy khám phá Suối Giàng, Phình Hồ. Đi xe khách từ Nghĩa Lộ lên Trạm kiểm lâm Núi Xẻ, làm thủ tục xin phép đi rừng chè cổ thụ.

+ Lưu trú: Khách sạn Mường Lò, Nghĩa Lộ (Tel: 029.3872888). 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES