Lầu Bảo Đại Nha Trang

01/07/2012

Bài & ảnh: Hà Thành
Cái tên Lầu Bảo Đại (hoặc Dinh Bảo Đại) là một cái tên chung chỉ những dinh thự riêng của vua Bảo Đại, ngoài những cơ ngơi ở Kinh đô Huế. Vua Bảo Đại có nhiều “lầu”, “dinh” ở cả 3 miền Trung - Nam - Bắc, trong đó có lầu Bảo Đại ở Nha Trang.

Từ trung tâm thành phố Nha Trang, đi dọc theo phố biển Trần Phú về phía nam tới gần cuối đường, sát bến cảng sẽ gặp một ngọn núi nhỏ bên trái với một con đường nhỏ dẫn lên. Đi theo lối này lên núi, một không gian tràn đầy màu sắc hoa lá và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mở ra. Những khối kiến trúc xinh xắn ẩn hiện sau những tán cây. Đó là khu Biệt thự Cầu Đá, hay vẫn thường được gọi là Lầu Bảo Đại - Nha Trang.

Từ biệt thự Cầu Đá - những bông hoa bên vịnh Nha Trang

Trong những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 20, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã triển khai một chiến lược nghiên cứu biển ở biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Đó là tiền đề cho việc ra đời Hải học viện Đông Dương (sau này là Viện Hải dương học Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa). Nhưng trước khi Hải học viện Đông Dương được thành lập và xây dựng, người Pháp đã thiết lập một cơ sở hạ tầng - kiến trúc khác ở thành phố biển này để làm nơi ăn ở, làm việc, nghỉ ngơi cho các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hải dương học đến từ phương Tây. Đó là khu biệt thự Cầu Đá trên núi Cảnh Long, nằm sát bờ biển, gần cảng Cầu Đá, hiện thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Biệt thự Cầu Đá là tên gọi chung của một quần thể kiến trúc gồm 5 ngôi biệt thự và một số kiến trúc phụ trợ khác được xây dựng vào năm 1923 trên núi Cảnh Long (còn có tên khác là núi Chụt). Núi Cảnh Long là một núi nhỏ nhưng rất nổi tiếng ở Nha Trang bởi địa thế đặc biệt của nó. Cảnh Long được ví như một con rồng xanh chạy dài ôm lấy biển Nha Trang. Biệt thự Cầu Đá nằm trên mỏm núi nhô ra phía biển với diện tích mặt bằng khoảng 12 ha, cao 50m so với mực nước biển. Năm ngôi biệt thự tọa lạc trên ba mỏm đồi cao của núi Cảnh Long, được người Pháp đặt bằng những cái tên rất lãng mạn của 5 loài cây – hoa được trồng nhiều trong khuôn viên khu biệt thự. Biệt thự thứ nhất nằm ở ngọn đồi cuối cùng của mỏm núi nhô ra gần biển nhất có tên là “Les Agaves” – Xương Rồng; biệt thự thứ hai ở ngọn đồi tiếp theo về phía trong đất liền là “Les Frangipaniers” – Bông Sứ; ba biệt thự còn lại nằm trên ngọn đồi thứ ba lần lượt có tên là “Les Bouguinvillés” - Bông Giấy, “Les Flamboyants” - Phượng Vĩ, “Les Badamniers” - Cây Bàng.

Chính tiến sĩ Armand Krempt (người Pháp gốc Đức), sau này là giám đốc đầu tiên của Hải học viện Đông Dương, là người trực tiếp chỉ huy thiết kế xây dựng đồ án biệt thự Cầu Đá. Sau khi hoàn thành, người Pháp tiếp tục xây dựng Hải học viện Đông Dương vào năm 1925, nằm ngay gần

Các nhà thiết kế đã kết hợp khéo léo giữa kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông, tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc công trình, sân vườn và cảnh quan thiên nhiên. Năm ngôi biệt thự Cầu Đá được ví như những bông hoa đẹp bên vịnh Nha Trang, tô điểm thêm cho nhan sắc thành phố biển

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

đó. Tiến sĩ Armand Krempt cũng là chủ nhân đầu tiên của biệt thự Xương Rồng - biệt thự có vị trí và kiến trúc đẹp nhất.

Kiến trúc năm ngôi biệt thự đều được xây dựng với quy mô nhỏ nhắn, xinh xắn, có 2 tầng, theo phong cách cổ điển Pháp. Tuy kiến trúc mỗi biệt thự đều khác nhau nhưng lại có nét tương đồng, thống nhất. Đó là sự đơn giản trong hình khối với những chi tiết trang trí vừa phải, trang nhã, không quá cầu kỳ rườm rà nhưng cũng không hề khô cứng đơn điệu. Tất cả hệ thống cửa đều hai lớp trong kính, ngoài chớp phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Các tác giả đã kết hợp khéo léo giữa kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông, tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc công trình, sân vườn và cảnh quan thiên nhiên. Năm ngôi biệt thự Cầu Đá được ví như những bông hoa đẹp bên vịnh Nha Trang, tô điểm thêm cho nhan sắc thành phố biển.

Tới lầu Bảo Đại - Nha Trang

Năm 1926, Bảo Đại lên ngôi Hoàng đế, và trở thành vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trong bối cảnh có nhiều biến động về chính trị, ngoại giao, người Pháp đã chuyển giao hai ngôi biệt thự là Xương Rồng và Bông Sứ cho triều đình nhà Nguyễn và vua Bảo Đại nhằm đạt những lợi thế chính trị. Trong quãng thời gian từ năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình đã thường xuyên tới nơi đây nghỉ ngơi, cùng với các hoạt động giải trí khác như câu cá, tắm biển. Vì lý do đó, khu Biệt thự Cầu Đá được gọi chung là Lầu Bảo Đại - Nha Trang.

Cái tên Lầu Bảo Đại (hoặc Dinh Bảo Đại) là một cái tên chung chỉ những dinh thự riêng của vua Bảo Đại, ngoài những cơ ngơi ở Kinh đô Huế. Do hoàn cảnh lịch sử cũng như lối sống ảnh hưởng nhiều từ phương Tây, vua Bảo Đại có nhiều “lầu”, “dinh” ở cả 3 miền Trung - Nam - Bắc. Những dinh Bảo Đại đều có đặc điểm chung là do người Pháp thiết kế xây dựng, mang phong cách cổ điển và là những công trình gắn với các danh lam thắng cảnh thiên nhiên ở rừng, biển, được xây dựng với mục đích nghỉ dưỡng kết hợp làm việc. Có thể kể tới dinh Bảo Đại ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Đắc Lắc, Hải Phòng. Lầu Bảo Đại - Nha Trang (còn có tên khác là Lầu Thừa Lương) cũng nằm trong số đó.

Biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ - hai ngôi biệt thự đẹp nhất - được vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương sử dụng, nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian không quá ngắn ngủi và để lại nhiều dấu ấn. Theo các tư liệu để lại, tầng trệt biệt thự Bông Sứ được dùng làm phòng họp, chiêu đãi quan khách, tầng lầu là nơi nghỉ ngơi của vua và hoàng hậu, sân thượng là nơi đón gió, ngắm trăng. Cửa hướng đông của biệt thự Bông Sứ có lối đi sang biệt thự Xương Rồng được tạo thành hoa viên. Còn biệt thự Xương Rồng lại là một điểm ngắm cảnh tuyệt vời vì nằm ở mỏm núi vươn ra biển. Từ đây có thể ngắm được khung cảnh bao la của vịnh Nha Trang, nhìn thấy cả thành phố bên bờ biển có dáng cong mềm mại. Biệt thự Xương Rồng quay thẳng về hướng đông, đón mặt trời buổi sáng, đón gió lộng từ biển. Từ đây cũng có lối xuống bến tàu, lối xuống bãi tắm rất đẹp có tên là bãi tắm Hoàng Hậu. Bãi tắm Hoàng Hậu tuy nhỏ nhưng được coi là một trong bãi tắm đẹp nhất Nha Trang. Ở đường ra bãi tắm nơi gành biển có tảng đá to là nơi vua Bảo Đại thường ngồi câu cá.

Năm 1954, sau khi người Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, hiệp định Geneve được ký kết và nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền ở vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau những tranh chấp quyền lực ở miền nam, Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống của nền đệ nhất cộng hòa. Vua Bảo Đại mất dần vai trò chính trị của mình cũng như những quyền lực thực tế ở trong nước. Gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm trở thành chủ nhân mới của hai biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ. Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu (em ruột tổng thống Ngô Đình Diệm) đã đổi tên biệt thự Xương Rồng thành Nghinh Phong (đón gió) và biệt thự Bông Sứ thành Vọng Nguyệt (ngắm trăng). Những cái tên mới này ít nhiều liên quan tới thói quen sinh hoạt của vua Bảo Đại và hoàng hậu; và vẫn được giữ cho đến ngày nay. Và trong rất nhiều những cái tên của cụm kiến trúc này, như Biệt thự Cầu Đá, Biệt điện Cầu Đá, Dinh Bảo Đại - Nha Trang, Biệt điện Bảo Đại - Nha Trang… thì cái tên Lầu Bảo Đại là cái tên phổ biến nhất, được sử dụng nhiều nhất.

Hồn xưa ở đâu trong Khu Du lịch Bảo Đại hôm nay?

Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, khu Biệt thự Cầu Đá - Lầu Bảo Đại trở thành một điểm tham quan, du lịch. Trải qua nhiều chuyển biến, thay đổi trong phương thức quản lý và khai thác, hiện nay khu Biệt thự Cầu Đá hay Lầu Bảo Đại chính thức có tên là Khu Du lịch Bảo Đại. Các biệt thự Cầu Đá xưa hiện được khai thác kinh doanh khách sạn. Một số kiến trúc khác được xây mới như nhà hàng Bảo Đại (sức chứa 200 khách), nhà hàng Hoàng Hậu (sức chứa 1000 khách), một số nhà nghỉ bổ sung, và các công trình phụ trợ khác. Khu Du lịch Bảo Đại đạt tiêu chuẩn 3 sao với 45 phòng nghỉ cùng nhiều dịch vụ nhà hàng, tham quan, du lịch…

Biệt thự Cầu Đá - Lầu Bảo Đại là những kiến trúc đẹp trong một không gian đẹp. Nhưng nó sẽ chỉ là những cái vỏ vô hồn, những ngôi nhà thiếu cảm xúc nếu thiếu chiều sâu của thời gian và lịch sử. Và nếu như vậy, không thể là điểm thu hút mạnh du khách tới tham quan hay nghỉ ngơi. Bởi chính điều đó, tháng 4 năm 2009, Khu Du lịch Bảo Đại chính thức khai trương phòng trưng bày tư liệu, hình ảnh và những hiện vật liên quan đến vua Bảo Đại. Phòng trưng bày được đặt tại tầng trệt của ngôi biệt thự đẹp nhất - biệt thự Nghinh Phong.

Người xem có thể tìm hiểu ở đây lịch sử vương triều nhà Nguyễn, cuộc đời của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và các thành viên trong gia đình vua Bảo Đại, qua hình ảnh cùng nhiều câu chuyện liên quan. Là vị vua cuối cùng sống trong thời kỳ giao lưu nhiều với con người và văn hóa phương Tây, vua Bảo Đại cùng gia đình cũng có nhiều hình ảnh thực nhất (ảnh chụp). Cũng ở phòng trưng bày, người xem có thể thấy một số đồ dùng mà vua và hoàng hậu đã sử dụng như bộ bàn ghế tiếp khách, chiếc điện thoại, bàn làm việc mà vua đã sử dụng cho công việc khi nghỉ ở đây, bộ bàn gương trang điểm của hoàng hậu… Đặc biệt nơi đây lưu giữ được một hiện vật giá trị, nguyên bản là chiếc phản lớn, có kích thước 2,5m x 1,4m, dày 18cm, bằng gỗ nguyên khối từ một cây cổ thụ. Chuyện được kể rằng vua và hoàng hậu thường ngồi trên tấm phản này - được kê ở hành lang bên cửa sổ - để hóng gió…

Phòng trưng bày hiện nay dẫu còn khá khiêm tốn song đã làm được một việc quan trọng, có ý nghĩa là làm sống lại lịch sử, gợi lại dấu xưa của một kiến trúc đã thăng trầm cùng thời gian và thời cuộc.

Năm ngôi biệt thự đã có gần một trăm năm tuổi. Thời gian và những tác động của con người đã ít nhiều làm biến đổi, song về tổng thể vẫn giữ được cấu trúc và hình hài. Việc khai thác kinh doanh những biệt thự có gần trăm năm tuổi này và xây dựng thêm các công trình khác trong khuôn viên có những dấu hiệu ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan và không gian kiến trúc. Bên cạnh đó, việc phát triển các dịch vụ du lịch cũng đang tạo nên hệ lụy xấu về môi trường. Đó là hai hiệu ứng khác nhau mà những công trình kiến trúc nổi tiếng này để lại trong lòng du khách.

RELATED ARTICLES