Lễ hội kéo chày là nét văn hoá đặc sắc truyền thống của người dân tộc Pà Thẻn và cũng là lễ hội nổi tiếng trong muôn vàn lễ hội ở Hà Giang. Lễ hội này có nhiều điều thú vị và bất ngờ, mang đậm nét văn hoá cũng như gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người Pà Thẻn.
Dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang sinh sống ở những vùng địa hình tương đối thấp với hoạt động kinh té từ tự cung tự cấp, làm nương rẫy và họ thường du canh du cư.
Khi mà chính quyền Nhà nước bắt đầu quan tâm và hỗ trợ thì cuộc sống người dân ổn định hơn, đời sống bớt khó khăn và thiếu thốn. Người dân đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn đất đai màu mỡ để phát triển canh tác nhằm xoá nghèo.
Người dân tộc Pà Thẻn chọn lễ kéo chày diễn ra sau khi mùa lúa chín thu hoạch xong để người dân có không gian vui chơi, ăn mừng mùa thu hoạch đồng thời để đoàn kết tình anh em trong bản làng. Sau mùa thu hoạch, người có chức trách trong làng dân tộc Pà Thẻn họp người dân lại để chọn một ngày tốt nhất làm lễ kéo chày và họ đã chọn ra ngày 16/10 âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội này.
Những người tham gia vào kéo chày thường là người giỏi về võ công, khỏe và phải luyện tập rất công phu, đồng thời phải biết niệm thần chú để cho chiếc chày được nâng lên khỏi mặt đất mặc dù rất nhiều thanh niên kéo chày xuống bằng mọi cách cũng không thể kéo được. Nét đặc sắc nhất là sử dụng thần chú để cho chiếc chày nâng lên đã thu hút mọi ánh nhìn cũng như sự ngạc nhiên của du khách.
Để chuẩn bị cho lễ hội kéo chày, thường là trước đó 2, 3 ngày, người thầy – người cầm chịch dùng một chiếc chày được làm bằng một đầu gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10cm, dài 2,5 - 3cm, cầm tay và xoay đi xoay lại mấy vòng rồi niệm thần chú.
Ngay sau khi thầy niệm thần chú thì có hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng, khoẻ mạnh ôm lấy chày ở tư thế đối ngược nhau. Hai người thanh niên có nhiệm vụ xoay chày để rồi người thầy đọc thần chú, chỉ một lúc sau khi thầy đọc chiếc chày tự khắc nhấc lên và tự xoay đến khi có người bịt tay vào đầu trên hoặc đầu dưới của chiếc chày thì chúng mới chạm đất và lễ kéo chày kết thúc.
Lễ hội kéo chày không chỉ là buổi để người dân tộc Pà Thẻn nghỉ ngơi sau vụ mùa thu hoạch mà chúng còn là cơ hội để họ cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hoà, vụ mùa tốt tươi cho cây cối sinh sôi phát triển, giúp cho đời sống của họ thuận lợi và ổn định hơn.
Khi tham gia lễ hội kéo chày, các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu trắng. Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc. Những trang phục mang đậm sắc màu của dân tộc Pà Thẻn và đều do chính tay những người phụ nữ may dệt được.
Lễ hội Kéo Chày của người dân tộc Pà Thẻn là một trong các lễ hội ở Hà Giang mang tính chất cộng đồng cao, dịp để tất cả mọi người dân trong bản vui đùa, thư giãn sau mỗi vụ mùa bội thu cùng lúc cầu mong thần linh ban cho dân mình ấm no, mùa sau mưa gió thuận hòa. Lễ hộc độc đáo thu hút du khách tới tham quan bởi nét văn hóa đặc trưng cũng như tôn vinh sức khỏe dẻo dai của thanh niên, trang phục truyền độc đáo của các cô gái cũng như các món ẩm thực đặc sắc./.