Trong ba ngày, người dân Mông Cổ và du khách từ khắp nơi đã được chiêm ngưỡng các màn biểu diễn múa, hát truyền thống cũng như tham gia vào các cuộc đua, trò chơi cổ truyền thú vị.
Naadam trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “trò chơi”, được tổ chức từ thời của Thành Cát Tư Hãn. Theo các tài liệu cổ xưa, nguồn gốc của lễ hội đến từ những màn diễu hành, các trò chơi săn bắn của binh sĩ xưa kia.
Naadam được tổ chức ở hầu như khắp thảo nguyên nhưng lễ hội lớn nhất vẫn là ở thủ đô Ulanbaatar. Người dân Mông Cổ đều háo hức đón chờ lễ hội này và mặc những trang phục truyền thống nhiều màu sắc đẹp nhất của mình để tới tham dự.
Để tới tham dự lễ hội, người dân lái ô tô hoặc cưỡi ngựa tới nơi tổ chức. Thông thường, có ba trò chơi chính trong lễ hội là đấu vật, cưỡi ngựa và bắn cung. Năm 2010, Naadam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Cũng giống như mọi lễ hội khác, Naadam bắt đầu bằng phần nghi lễ. Các vũ công và nhạc công chơi nhạc trong khi những vận động viên điều khiển ngựa quanh sân vận động chính ở thủ đô. Sau phần lễ này, phần hội mới chính thức bắt đầu.
Các trò chơi chính trong lễ Naadam chủ yếu là để chứng minh sức mạnh và sự nam tính của người đàn ông. Một số trò chơi khác phụ nữ có thể tham gia, trừ đấu vật.
Khoảng hơn 1.000 đấu sĩ sẽ bước lên quảng trường và vẫy tay, bắt chước cách sải cánh của đại bàng và khiêu vũ truyền thống. Các bài hát được tấu lên để ca ngợi sức mạnh của họ vang khắp sân vận động.
Tới dự lễ hội này, du khách không chỉ được xem các màn biểu diễn thú vị mà còn được thưởng thức các món ăn truyền thống Mông Cổ như khuuurshuur, một dạng bánh bao chiên kiểu Mông Cổ, sữa chua dê, trà truyền thống…