Lênh đênh trong thế giới nước Trà Sư

22/11/2012

Hàng năm, khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông cuồn cuồn đổ về hạ lưu khiến cả khu vực rộng lớn của hai tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp chìm trong biển nước bao la. Quy luật tự nhiên đó đã góp phần tạo nên một “sản phẩm” du lịch chỉ riêng có ở miền Tây Nam bộ: du lịch mùa nước nổi.

Bài: Lucia Nguyễn. Ảnh: Lucia Nguyễn, Hoàng Nam

Buổi sáng trời biên giới Tây Nam thật dễ chịu. Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan rừng Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

“Sống chung với lũ”
Con tàu chạy ngược dòng kênh Vĩnh Tế ra thị xã Châu Đốc rồi đi vào Trà Sư. Tàu vào tới “rốn” lũ, bờ kênh đã chìm trong biển nước không biết đâu là bến bờ. Dọc theo dòng kênh là những căn nhà lá chênh vênh trong sóng nước. Vào mùa khô, bờ kênh sẽ là con đường giao thông của người dân địa phương. Còn giờ đây, những con đường làng, những thửa ruộng… tất cả chỉ còn là một màu trắng của nước và phương tiện di chuyển duy nhất của họ là chiếc xuồng ba lá hoặc xuồng máy.

Nếu không có hàng cây bạch đàn che khuất tầm nhìn, tôi có cảm giác như mình đang đi trên biển. Người dân nơi đây đã quen “sống chung với lũ”. Cả người Việt lẫn Khmer làm nhiều nghề vào mùa này như câu lưới, đánh bắt cá, hái bông súng, bông điên điển … Đây là cách mưu sinh đặc trưng của dân vùng lũ, cũng là nét văn hóa đặc thù ở An Giang. Trên đường đi tôi bắt gặp rất nhiều xuồng đi câu, thả lưới cá … Dân vùng lũ đang đi tìm cái ăn trong nước lũ.

Và trong mênh mông bạt ngàn, giữa chốn trời nước gặp nhau ấy, có một loại cây trổ những chùm hoa vàng rực dưới ánh nắng mặt trời, đong đưa trong gió như tô điểm thêm nét đẹp mộc mạc của đồng quê trong mùa nước nổi bằng chính vẻ đơn sơ của nó: bông điên điển - một loài cây đặc trưng và cũng là nguyên liệu để làm nên những món ăn truyền thống của người dân vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Rừng Trà Sư, điểm hẹn của các loài chim

Cảnh quan thiên nhiên trong mùa nước nổi là một dạng sinh thái rất đặc trưng riêng biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là “ngôi nhà chung” của các loài chim, cá và các loài thực vật sống trong nước. Mặt nước trong rừng luôn được phủ bởi lớp bèo cám dày đặc như thảm nhung xanh, bên trên những tán cây tràm là hàng vạn “tổ ấm” của các loài chim, cò…đã tạo cho Trà Sư một nét rất riêng mà không khu rừng nào có được. Nhìn từ xa, rừng Trà Sư giống một ốc đảo xanh giữa biển nước trắng. Rừng Trà Sư cách biên giới Campuchia khoảng 10km. Chúng tôi buộc phải tới Trà Sư trước khi mặt trời lặn. Tháng này là lúc mặt trời xuống nhanh nhất trong năm và cũng là thời gian đẹp nhất để chiêm ngắm vẻ đẹp của đàn chim sau một ngày bay đi tìm mồi trở về tổ. Rừng tràm Trà Sư có diện tích vùng lõi tới 845 ha, vùng đệm là 643 ha. Đường vào rừng  duy chỉ có con đê là không ngập nước Bạn có thể tham quan rừng Trà Sư bằng hai cách: đường bộ - đi bằng xe đạp đôi và đường thủy - đi ca nô hoặc xuồng. Chúng tôi chọn phương tiện ca nô. Khi ca nô chạy qua khoảng rừng thưa vào nơi có nhiều chim, cò sinh sống chúng tôi chuyển qua đi bằng xuồng để tránh gây tiếng động làm ảnh hưởng đến chúng. Xuồng bơi len lỏi vào rừng, tôi thấy có rất nhiều tổ chim đóng trên những cành tram, những con chim non nằm trong tổ hìn, vươn cao cổ nhìn chiếc xuồng chúng tôi đi qua, còn những con chim lớn thì “đang nói chuyện” với nhau nghe rất vui tai. Giữa hàng vạn chiếc tổ na ná nhau trong rừng vậy mà sau một ngày đi xa trở về chúng đáp xuống đúng chiếc tổ của mình.

Đang đi bất chợt chúng tôi nghe tiếng rào rào vang lên, một đàn chim thình lình xuất hiện che kín cả bầu trời giống như một tấm thảm bạc khổng lồ đang căng ra tận chân trời. Đây là lúc những vị “khách trọ” của rừng quay về nhà, tiếng vỗ cánh của chúng nghe như một cơn giông nhỏ. Tôi ngồi yên xúc động không nói nên lời trước cảnh đẹp này. Sau khi vòng quanh rừng bằng xuồng, để ngắm chim rừng thỏa thích, chúng tôi leo lên tháp canh của trạm gác, nhìn toàn cảnh khu rừng lúc chiều về với những cánh chim đậu trắng trên ngọn cây, tiếng kêu vang dội cả rừng chiều. Sau đó chúng tôi được thưởng thức những món ăn đặc sản vùng nước nổi: cá linh kho lạt dằm me, cá lóc nướng trui, gỏi bông súng và bông điên điển ngon tuyệt.

Mùa nước nổi là một “hình thái” mùa rất đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Nước dâng ngập ruộng đồng, nhà cửa và người dân trong vùng tần tảo kiếm sống trên biển nước mênh mông. Kiểu thức sống đặc biệt đó đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan và xem đó như một trải nghiệm đáng nhớ trong đời.

Thông tin thêm:
+ Du lịch mùa nước nổi, xem lễ hội đua bò Tháng 10 hàng năm, vào dịp lễ Sen Dolta chính cũng là lúc lũ ở vùng An Giang đạt đỉnh, lúc diễn ra Lễ hội đua bò Bảy Núi của bà con người dân tộc Khmer An Giang. Lễ hội đua bò năm nay được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch An Giang đưa vào tour du lịch mùa nước nổi. Lễ hội thu hút nhiều du khách gần xa, với khoảng ba chục ngàn người sẵn sàng ngồi hàng giờ dưới cái nắng nóng ở vùng núi để tận mắt chứng kiến cuộc so tài của các đôi bò.

+ Muốn tham gia chương trình tour mùa nước nổi, vui lòng liên hệ:
Công ty du lịch Bến Thành 86 Lý Tự Trọng, Quận 1, TP. HCM
Tel: (08) 35 20 20 20 – 38 22 25 06
Fax: (08) 38 296 269

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES