Việc dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt tại nhiều nước, xu hướng nới lỏng dần, gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch khắt khe... đang tạo điều kiện cho sự phục hồi nhanh của các chặng bay quốc tế và ngành Du lịch.
Một số thị trường trọng điểm đang dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam là Hàn Quốc tăng hơn 28%, Mỹ tăng 49,6%, Thái Lan tăng 12,7%, Australia tăng 78,7% so với tháng trước.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), tháng 1/2023, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng 12/2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15% so với tháng 12/2022.
Ngày cao điểm Nội Bài đón tới 27.000 khách
Theo thống kê từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện nay, vào những ngày cao điểm, cảng khai thác tới 186 lượt chuyến bay quốc tế, với hơn 27.000 lượt khách đi và đến, đạt khoảng 75% so với cao điểm Tết 2020 (trước dịch COVID-19).
Hiện nay, các đường bay kết nối khu vực châu Á được ghi nhận đông đúc như Hàn Quốc (khoảng 3.500 lượt khách đi và đến/ngày), Đài Loan (3.300 lượt khách đi và đến mỗi/ngày), Thái Lan (3.100 lượt khách đi và đến/ngày) và Nhật Bản (khoảng 2.700 lượt khách đi và đến/ngày). Riêng thị trường Trung Quốc vừa mở cửa trở lại du lịch quốc tế từ ngày 8-1-2023 và từ ngày 6-2 nối lại các tour theo đoàn tới 20 quốc gia, nhưng Việt Nam vẫn chưa nằm trong danh sách này.
Dự báo hàng không Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn vào cuối năm 2023
Đối với thị trường hàng không Việt Nam, hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch COVID -19 (năm 2019), tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.
Cụ thể, với vận chuyển nội địa, dự báo đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Đối với hàng hóa, dự báo tăng 230 nghìn tấn, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019. Với vận chuyển quốc tế, dự báo đạt 34 triệu khách, gấp 3 lần so năm 2022 và 83,5% so với năm 2019. Về hàng hóa, dự báo vận chuyển 1,23 triệu tấn hàng hóa, tăng 10% so với năm 2022 và 22,4% so với năm 2019.
Nguồn cung khách sạn tại Hồ Chí Minhh tăng mạnh
Theo số liệu từ Savills Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, tại TP.HCM nguồn cung khách sạn đạt hơn 15.500 phòng từ 111 dự án, tăng 8% theo năm và gần đạt mức trước dịch.
Tình hình hoạt động mặc dù những cải thiện trong năm 2022 nhưng công suất và giá phòng trung bình vẫn thấp hơn mức trước dịch. Công suất phòng đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm theo năm nhưng thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019.
Giá phòng trung bình đạt 1,6 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 21% theo năm nhưng vẫn thấp hơn 18% so với 2019. Phân khúc 5 sao cải thiện đáng kể nhất với công suất thuê tăng 24 điểm phần trăm theo năm và giá phòng trung bình tăng 44% theo năm.
Trong quý 4/2022, công suất phòng đạt 62%, tăng 4 điểm phần trăm theo quý. Trong khi đó, giá phòng trung bình đạt 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 9% theo quý.