Khu mộ của các dũng sĩ săn voi cách trung tâm khu du lịch Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) khoảng 1 km, khuất sau những tán cây rừng, bất cứ ai lần đầu đến đây cũng đều muốn khám phá sự bí ẩn của nó. Ở đây có hàng chục ngôi mộ mang kiến trúc độc đáo quy tụ trong khoảng đất rộng 10 ha, người ta còn gọi là khu lăng mộ của các Gru. Chị H-Cheng (con thứ 3 của Vua săn voi Ama Kong) cho biết: “Khu đất này rất đặc biệt, chỉ có những người được gọi là Vua săn voi, dũng sĩ săn bắt và người thân trong gia đình họ mới được chôn cất tại đây khi qua đời”.
Chị H-Cheng đưa chúng tôi đến ngôi mộ lớn nhất và cho biết: “Đây là mộ của Y Thu Knul, người sáng lập Buôn Đôn, ông tổ của nghệ thuật săn voi. Ông được vua Xiêm gọi với cái tên trân trọng là Khun Su Nốp - nghĩa là Vua săn voi”.
Bên cạnh mộ của Khun Su Nốp là mộ của Rleo Knul (cháu gọi Vua Khun Su Nốp là cậu). Năm 1947, Rleo Knul cũng săn được con voi bạch tượng rồi mang tặng vua Bảo Đại. Khi Rleo Knul mất, vị vua cuối cùng của Việt Nam cho xây mộ ông hình chóp khá độc đáo.
Khun Su Nốp từng săn được 400 con voi. Năm 1861, ông bắt được con voi bạch tượng rồi mang tặng vua Thái Lan. Cảm kích tấm lòng này, vua Thái đã tặng cho ông rất nhiều của cải và phong cho danh hiệu cao quý là Vua săn voi.
Khun Su Nốp còn được người dân xem là tù trưởng đầy quyền lực và uy tín.
Nhắc đến nghệ thuật săn bắt voi rừng, Ama Kong được coi là hậu duệ ưu tú nhất của Khun Su Nốp. Với chiến tích săn hơn 300 con voi, ông cũng được người đời gọi là Vua săn voi và xứng đáng có mặt trong khu đất huyền thoại này.
Ngoài thành tích săn bắt voi lừng danh, Ama Kong còn được biết đến là người chế ra bài thuốc “ông uống, bà khen” nổi tiếng khắp 3 miền.
Điều đặc biệt là các ngôi mộ đều được hướng về phía Tây, theo quan niệm của họ đó là hướng của người chết. Mộ được thiết kế độc đáo, mang hình kim tự tháp và mô hình của những ngôi nhà nhỏ được dựng lên với 4 cột xung quanh cùng hệ thống mái che.
Trong các ngôi mộ có các vật dụng như chăn, mền, bát, đũa, xương thú… Đây là những thứ được người sống chia lại cho người đã chết, hay còn được gọi là tục chia của cho những người chết của người Ê Đê.
Trước các ngôi mộ thường đặt tượng chim thú, mỗi loài đều có ý nghĩa khác nhau. Chim công biểu tượng cho sự cao sang, quyền quý; nồi đồng biểu trưng cho sự no ấm; cồng chiêng biểu trưng cho sự vui nhộn.
Ngoài ra, nếu là mộ của các con cháu thì phía trước có tượng ngà voi hướng ra 4 phương 8 hướng. Nếu là mộ của các Vua, dũng sĩ săn voi thì ở phía trên đỉnh hoặc đầu mộ thường có tượng của các chú voi.
Chị H-Cheng cho biết thêm: “Để phân biệt mộ của nữ, nam thì ta chỉ cần nhìn vào tấm bia. Nếu là phần mộ của nam thì trên bia ngoài ghi họ tên thì phía trước có ghi chữ Y, còn là nữ thì H”.