Một mình ở Đông Bắc

25/03/2015

Với mục đích hòa mình với thiên nhiên, sinh hoạt cùng người dân bản địa và thưởng thức văn hóa địa phương từ chính gia đình họ chứ không phải qua sách báo hay những câu chuyện người khác kể, cầm trong tay tấm bản đồ du lịch mua ở thành phố Hà Giang, nai nịt đồ đạc đầy đủ và cẩn thận, cùng suy nghĩ lòng dũng cảm sẽ dẫn dắt cuộc đời, tôi lên đường, một mình tới Đông Bắc.

Quản Bạ - cổng trời và núi đôi

Quãng đường đầu tiên từ thành phố lên tới Quản Bạ khá gần, chỉ hơn 40 km nên tôi tự thưởng cho mình một giấc trưa no nê rồi mới xuất phát. Vẫn là những con đèo quanh co nơi gió và nắng sẽ quyện lấy nhau khi tới những khúc cua tay áo.

Ngày Tết, đồng bào vùng cao ai ai cũng tìm cho mình những “xiêm y” đẹp nhất có thể, và tất nhiên, còn gì đẹp hơn chính những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Các cô gái xúng xinh trong váy xòe, chàng chàng trai đôi thêm cho mình chiếc mũ nồi xinh xắn, kẻ đi bộ, người đi xe, tất cả gặp nhau tại chợ hay tới thăm nhà nhau chúc tết, chén rượu ngô quanh mâm cơm đạm bạc, ngà ngà bên chén rượu nói cười thật tươi, và có khi là đôi lời tán tỉnh với những cô gái trẻ má hồng hây hây trong mâm cơm.

Cổng trời Quản Bạ nằm ở độ cao 1500 m so với mực nước biển, nơi đây từng được coi như ranh giới “vùng tự trị của người Mèo”. Từ cổng trời có thể nhìn thấy núi đôi nằm giữa núi đá màu trắng và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, ruộng lúa vàng ươm như gấm vóc bao trọn núi đôi.

Nhà người Mông đầu tiên tôi xin ngủ nằm trên con đèo từ thị trấn Quản Bạ đi lên Đồng Văn. Nhà phân chia rõ ràng, nhà gỗ là của người bố, ông tên Phủ, 54 tuổi. Bên cạnh là nhà của bà mẹ và hai đứa con gái – một ngôi nhà cấp 4 được xây dựng với sự hỗ trợ một phần của nhà nước. Tôi ở bên nhà ba mẹ con, họ nhiệt tình và chu đáo, có lẽ bởi ngày Tết nên bữa cơm khá tươm tất, đặc biệt không thể thiếu món thịt được ướp từ ngày 28 Tết, hơi mặn một chút nhưng bữa cơm của sự bao bọc khiến tôi thấy ngon vô cùng. Tối đến, mọi người nhường cho tôi ngủ trên chiếc giường nhỏ, còn ba mẹ con ngủ dưới đất trên một tấm đệm khá dày, bởi chỉ như vậy mới đủ chỗ cho cả 3 người. Tới đêm, đứa cháu ngoại khóc dữ dội vì cơn ốm suốt mấy ngày khiến cả nhà đều mất ngủ, chỉ còn tiếng ho lay lắt cả đêm.

Sáng hôm sau, nai nịt đồ đạc xong xuôi, không quên trả tiền cho chiếc khăn tối qua đã mua của bà chủ nhà và mừng tuổi lũ nhỏ một năm mới tinh tươm, cảm ơn họ vì đã cho mình tá túc đêm qua, tôi lại khăn gói lên đường…

Đồng Văn – nơi đá lớn lên

Quãng đường của ngày mới là những khúc cua tay áo, xe tôi ung dung và nhẹ nhàng trườn qua những niềm vui đó, miệng thi thoảng hét lớn rồi nghe vọng lại thanh âm của núi rừng, hay lẩm bẩm mấy câu hát quen thuộc để vơi đi cảm giác cô đơn. Điểm đến kế tiếp của hành trình là Đồng Văn.

Không phải bất thường khi câu nói “sống trong đá, chết mòn trong đá” ra đời, Đồng Văn đẹp, đẹp đến ngỡ ngàng trong sự khắc nghiệt mà thiên nhiên tạo thành. Những ngôi nhà bên vệ đường hay lưng chừng núi, đá được xếp như một bờ rào, cảm giác hệt như một bức tường kiên cố để bảo vệ ngôi nhà, nhưng cũng vô cùng lãng mạn. Hình ảnh đó đã hấp dẫn tôi ngay từ lần đầu tiên được thấy sau cặp kính dày cộp.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Để xây nên những ngôi nhà giữa miền cao nguyên đá là quá trình rất kỳ công. Đầu tiên là nổ mìn đề đá vỡ vụn lấy mặt bằng, nổ hết đá phía trên rồi lại nhét mìn nổ đá dưới chân để làm móng, sau đó mới xây dựng, có nhà là những lát gỗ đan nhau, có nhà bằng đất hoàn toàn, còn gọi là nhà trình tường – mái nhà đặc trưng của người H’Mông và là một trong những nét văn hóa đang dần mai một nơi đây. Những ngôi nhà này được xây dựng cẩn thận bởi những nghệ nhân lành nghề và ưu điểm chính là giữ nhiệt rất tốt, dù bên ngoài lạnh thì bên trong nhà vẫn rất ấm và ngược lại, khi bên ngoài là nắng rát người thì bên trong vẫn vô cùng mát mẻ. Và việc xây nên một ngôi nhà cũng là cơ hội để họ hàng và hàng xóm cùng chung sức giúp đỡ nhau, và cùng ăn cơm, uống rượu sau khi hoàn thành công việc thay cho lời cảm ơn.

Tôi chọn nghỉ lại một nhà dân nằm kề sau vách núi nhìn xuống thung lũng đầy những đá, một con đường quanh co trườn lên lưng núi, lao xuống thung lũng rồi biến mất dạng phía đằng xa. Chủ nhà là đôi vợ chồng trẻ sinh năm 92, nhỏ nhắn và tháo vát với hơn chục tổ ong bạc hà nuôi sau vườn. Chỉ tay ra những cây đào, cây mận ngoài vườn, ông chủ trẻ cười và bảo tôi, chỉ hơn chục ngày nữa cây sẽ nở trắng hồng mỗi ngọn cây. Tưởng tượng ra cảnh khu vườn ngập trong sắc hoa xuân mà tôi thấy tiếc nuối khó tả, giá đi muộn hơn chục ngày nữa…

Ngồi bên mâm cơm ngày Tết cùng đôi vợ chồng chủ nhà, ngoài tôi còn có vài người họ hàng và bạn bè của họ, tất cả đều là người H’Mông, những câu chuyện lẫn tiếng H’Mông, tiếng Kinh khiến tôi không hiểu hết, nhưng niềm vui thì đong đầy trong từ chén rượu, từng đôi mắt ánh lên nụ cười.

Sương đêm buông xuống, tôi được xếp ngủ trên một chiếc giường nhỏ, khá chật so với thân hình “không mấy đồ sộ” của mình. Trước đó, khi hỏi thăm về sức khỏe đứa con nhỏ của đôi vợ chồng (bởi từ khi tôi đến, tiếng ho không dứt), cậu chủ nhà gật gù mà bảo “em đoán nó tự khỏi”, tôi cứ băn khoăn mãi. Giữa vùng núi gió, mây mù, khí lạnh len trong từng lớp áo thế này, “tự khỏi” là tới bao giờ…

Lôi điện thoại ra định tranh thủ vào facebook mà sóng cứ chập chờn, và rồi trong tiếng ho nghe xót ruột của đứa nhỏ, sau hành trình thấm mệt, giấc ngủ được ru bởi đám cây lá xào xạc quanh nhà đã đến tự lúc nào.

Cưỡi bè qua sông Nho Quế

Tạm biệt ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo giữa những tầng đá tai mèo, tôi có cơ hội đón bình minh lẫn trong sương sớm trên con đường Hạnh Phúc. Quãng đường “phi” lên Mã Pí Lèng lạnh bao nhiêu thì con đường xuống núi để sang tới Mèo Vạc, Tò Đú lại nóng bấy nhiêu.

Tới trưa, dừng chân tại một quán nhỏ trên đường, đằng sau là sông Nhiệm xanh biếc – con sông giáp giữa Hà Giang và Cao Bằng, tôi may mắn được hai chị em người Giáy mời ở lại ăn cơm, và từ đây tôi có hai lựa chọn để tiếp tục chuyến hành trình của mình: tiếp tục 130 km về lại thành phố Hà Giang hay đi theo còn đường qua xóm Quể Sang vào Nà Pinh rồi theo bè tre đi qua sông Nho Quế đang vào mùa đầy quyến rũ. Và tất nhiên, với một kẻ độc hành đầy háo hức như tôi, lựa chọn thứ hai là điều không thể tuyệt hơn.

Con đường vào bản Nà Pinh chỉ khoảng 7 km từ quốc lộ nhưng trong cái nắng rát lưng và mặt đường mòn đất đỏ sỏi đá gập ghềnh, không khác nào “cực hình”. Tới bản khi đã mướt mải mồ hôi, tôi mới ngớ người ra khi biết mà này đang cạn nước, không thể qua sông bằng bè ở đoạn này được, buộc phải đi tiếp gần 20 cây số nữa thì mới có bè xuôi về Cao Bằng. Nhìn con đường bụi đất phía trước, tôi thực sự lo lắng, 7 km đã lấy đi phần lớn sức lực, 20 km tiếp theo sẽ ra sao? Những đâm lao thì phải theo lao, tôi không tìm được lý do nào quay trở lại đường cũ.

Thế rồi khi cơ thể gần như đang chống lại ý định tiến bước, hai mắt trũng lại, tầm nhìn mờ đi vì bụi khói, hai tay tê cứng trên tay lái, con đường ngày càng nhỏ hơn, xác xơ cây cối… khúc sông xanh ngọc hiện ra trước mắt. Không kìm nén được sự sung sướng, tôi chỉ biết thốt lên “Tuyệt vời! Tuyệt vời!...” Mọi mệt mỏi bỗng dưng tan biến, thay vào đó là sự thăng hoa cảm xúc đến tột cùng vì hành trình “cực hình” cả ngày đã được được đền đáp xứng đáng.

Điều khiển tấm bè qua sông là hai cha con người Nùng với kinh nghiệm tới hàng chục năm. Chiếc bè bằng mười ba cây tre nhẹ nhàng và uyển chuyển trên mặt sông như một chiếc lá đang trôi. Sự phấn khích và thích thú khi giấc mơ của mình thành hiện thực thật không thể tả hết. Khi ấy, tôi đã nghĩ nhất định khi trở về mình sẽ kể lại thời gian trên bè với thật nhiều từ ngữ, nhưng cuối cùng, khi ngồi gõ những dòng này, tôi lại chẳng thể có một hình dung nào cụ thể, tất cả chỉ còn là cảm giác. Phấn khích và tự hào.

Rời bè lên bờ, rồi loanh quanh thêm mấy chục km, ngẩng đầu lên đã thấy mặt trời dần xuống núi, bóng tối đang tràn khắp những lối mòn tôi mới chợt giật mình, nếu không kịp tìm một nơi nghỉ lại đêm nay, rất có thể tôi sẽ phải quay trở lại đường cũ, đặc biệt nguy hiểm trong tình trạng cả xe và người đều đang đói mèm.

Nhưng rồi may mắn lại tới. Lần này, cho tôi ở lại là một gia đình với ông bố là giáo viên một trường học gần đó. Đêm cuối cùng cũng là đêm vui nhất của hành trình, tất cả chúng tôi quay quần bên mâm cơm giản dị và những chén rượu “không đáy”. Rượu ngấm vào từng hơi thở, từng thớ thịt đã rã rời sau cả một ngày dài đánh vật với những con đường quanh co miền sơn cước. Giấc ngủ đến êm ru…

Đường về ven sông Gâm

Sáng cuối cùng của hành trình, thức giấc khi mặt trời vừa kịp chiếu những tia nắng đầu tiên qua vách nhà cũ kỹ, nhận từ gia đình chủ nhà một phần cơm nhỏ để dành ăn trên đường, không quên cảm ơn và hẹn ngày trở lại, tôi tạm biệt để đi tiếp những cây số cuối cùng của chuyến hành trình. Bảo Lạc, Bảo Lâm, Cao Bằng, rồi Bắc Mê, cảm giác chạy xe một mình giữa cũng đường uốn lượn duyên dáng và cũng đầy thử thách với một bên là vách núi, một bên là sông Gâm biếc xanh, tôi hít căng lồng ngực không khí ẩm lạnh của núi rừng, sông nước, cố gắng gom thêm vào vị ngọt ngào từ những tia nắng ban mai trong trẻo. Để rồi khi mặt trời lên cao, ngước mắt nhìn lên qua những tán cây rừng, tôi tự mỉm cười thỏa mãn. Vậy là quyết định lên đường của mình không hề sai lầm, niềm vui của những ngày vừa qua thật giản đơn mà kỳ thú.

Ai đó đã từng nói, đi không chỉ đơn giản là đi, đi là để trưởng thành…

Thông tin thêm

- Để tới Hà Giang, du khách có thể chọn các chuyến xe buýt bắt đầu chạy từ 21h – 22h hàng ngày tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát… , giá vé từ 300.000 – 500.000 đồng/người. Sau đó thuê xe máy từ thành phố Hà Giang để tới các địa danh khác trong tỉnh như Lũng Cú, Đồng Văn, Xín Mần, Hoàng Su Phì…, giá thuê xe máy từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày.

- Điều khiến khách du lịch sợ nhất và cũng yêu thích nhất tại Hà Giang là những cung đường nhỏ, quanh co, nhiều đèo dốc, vì vậy du khách cần cẩn thận, chuẩn bị đầy đủ mũ bảo hiểm, giày dép thích hợp khi di chuyển.

- Nhiệt độ tại các khu vực miền núi có thế xuống rất thấp vào mùa đông và nắng chói chang vào mùa hè, du khách lưu ý chuẩn bị đầy đủ trang phục giữ ấm cũng như kem chống nắng.

Đoàn Mạnh
RELATED ARTICLES