Mùa đông tuyết phủ trong tranh ukiyo-e

16/12/2020

Dù không nhiều như những bản họa vẽ cảnh mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, nhưng cảnh mùa đông trong ukiyo-e không hề đơn điệu mà vô cùng đa dạng, thể hiện đủ mọi sắc thái cuộc sống của người dân Nhật Bản dưới thời Edo.

Tranh ukiyo-e là một loại tranh phổ biến vào thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trong thời kỳ Edo (1603-1868), khi đất nước Nhật Bản gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đề tài trong ukiyo-e thường nó gắn liền với cuộc sống xa hoa, hưởng thụ của con người Nhật Bản suốt nửa sau thế kỷ XVIII, khắc họa những câu chuyện trong lịch sử và dân gian, những danh lam thắng cảnh hay những trò vui chơi giải trí, diễn ra trong nhà hát, quán ăn, phòng trà và nhân vật chính thường là kỹ nữ, diễn viên kabuki, geisha hoặc là đô vật sumo…

Tuyết ở Miyajima (Tsuchiya Koitsu, 1937)

Tuyết ở Miyajima (Tsuchiya Koitsu, 1937)

Sau này, nhiều hoạ sĩ nổi tiếng đã khéo léo đưa những phong cảnh đặc trưng của Nhật Bản như núi Phú Sĩ, cổng torii, đền Shintō, cầu trống hay những ngọn sóng thần hung dữ vào tranh ukiyo-e, đem đến những nét riêng đọc đáo cho loại hình nghệ thuật này. Và cũng như trong các tác phẩm thơ ca Nhật Bản, những biến đổi tinh tế của bốn mùa đều được khắc họa rõ nét trong tranh ukiyo-e.

Khởi đầu là mùa xuân với những làn mưa xuân êm đềm, làm tan hết tuyết giá trên núi và hoa anh đào nở rộ. Mùa hạ đến với hơi nóng và những cơn mưa tháng sáu, chim đỗ quyên, côn trùng và hoa mẫu đơn. Mùa thu lộng lẫy với sắc vàng, cam và đỏ rực của lá phong (momiji). Còn vào mùa đông, các cánh đồng và núi non chuyển màu xám vì các cành cây đều trụi lá. Thiên nhiên khoác lên mình chiếc áo choàng trắng lạnh lẽo u tịch của tuyết, vạn vật mang một vẻ đẹp cổ kính tự ngàn đời. Trăng lạnh, tuyết trắng và lá tàn là những hình ảnh lãng mạn mà nhiều nghệ sĩ Nhật yêu thích.

Tuyết phủ chùa Saisho-in (Hasui Kawase, 1936)

Tuyết phủ chùa Saisho-in (Hasui Kawase, 1936)

Bản họa Tuyết phủ chùa Saisho-in của Hasui Kawase gợi lên một cảm nhận đặc biệt tinh tế trước vẻ đẹp mùa đông qua hình ảnh và màu sắc, như trong bài thơ tanka của Sakanoemo Iratsume:

Trên đám cây sa thảo

dưới bóng hàng thông

tuyết nằm diễm ảo

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

có cách nào giữ lại

cho tuyết đừng tan không?

Quả thật là trong họa có thơ, trong thơ có họa. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ukiyo-e lại được biết đến rộng rãi cả trong lẫn ngoài Nhật Bản. Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, nhiều họa sĩ châu Âu tìm đến tranh ukiyo-e. Họ đã thực sự có ấn tượng rất mạnh mẽ trước các đường cong biểu cảm, sử dụng màu sắc đậm đà và bố cục tự do, phóng khoáng của ukiyo-e. Cho đến lúc đó, các họa sĩ châu Âu và Mỹ chưa bao giờ biết qua các loại kỹ thuật mà các nghệ sĩ ukiyo-e sử dụng. Và phong cách ukiyo-e đã tạo nên một ảnh hưởng lớn đến các họa sĩ của trường phái Ấn tượng như Vincent van Gogh và Claude Monet.

Utagawa Hiroshige là một trong những danh họa ukiyo-e gây được nhiều chú ý ở châu Âu vào thời điểm đó, đặc biệt là đối với trường phái ấn tượng: Claude Monet đã lấy cảm hứng từ những cây cầu trống (taikobashi) trong tranh của Hiroshige để thiết kế khu vườn tại nhà của mình ở Giverny. Cầu trống, một loại cầu bắt nguồn từ Trung Quốc, có hình bán nguyệt, và khi kết hợp với hình ảnh phản chiếu trong nước sẽ tạo ra hình dạng của một cái trống - một hiệu ứng mà không được Hiroshige thể hiện tại bản họa Cầu trống trên sông Meguro và ngọn đồi hoàng hôn thuộc bộ tranh Trăm danh thắng Edo. Trong bộ tranh này, có 42 bản vẽ mùa xuân, 30 bản mùa hè, 26 bản mùa thu và 20 bản mùa đông.

Cầu trống trên sông Meguro và ngọn đồi hoàng hôn (Hiroshige, 1857)

Cầu trống trên sông Meguro và ngọn đồi hoàng hôn (Hiroshige, 1857)

Giữa khung cảnh mùa đông trắng xóa tuyết, cây cầu trống Meguro nổi bật với cấu trúc bằng đá thay vì gỗ như những cây cầu khác. Con đường trên cầu dẫn đến ngôi đền Meguro nổi tiếng dành riêng cho vị hộ pháp Phật giáo Fudō Myōō. Trước khi băng qua cầu, ở góc dưới bên phải chính là phần mái của quán trà Shōgatsuya, nổi tiếng với món súp đậu ngọt (shiruko mochi). Vài lữ khách bước đi trong tuyết đang núp mình dưới ô, mũ, hoặc áo tơi. Sau những ngôi nhà là ngọn đồi yūhi no oka (đồi hoàng hôn), kết hợp với dòng sông chảy kế bên tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp của thung lũng Meguro. Về khía cạnh màu sắc, màu trắng của tuyết tương phản với màu xanh Phổ của mặt sông Meguro, và trong bầu trời xám có những bông tuyết được tạo ra bằng cách đơn giản là để trống, không áp màu.

Xưởng gỗ ở Fukagawa (1856)

Xưởng gỗ ở Fukagawa (1856)

Đền Kinryūzan ở Asakusa (1856)

Đền Kinryūzan ở Asakusa (1856)

Bản họa Đền Kinryūzan ở Asakusa khởi đầu loạt mùa đông của Trăm danh thắng Edo mang một bầu không khí đặc trưng. Đền Kinryūzan là nơi thờ cúng Quán Thế Âm Bồ Tát, tọa lạc tại khu vực Asakusa, nổi bật trong tranh với một cánh cổng sơn đỏ và xanh lục tên Kaminarimon (Lôi môn), cùng với một chiếc đèn lồng lễ hội. Ánh nhìn hướng về khung cảnh tuyết rơi tại khuôn viên đền, với những bóng người đang bước tới. Ngọn tháp bên phải và Niōmon (cánh cổng được hai vị thần canh gác) ở phần trung tâm, mang một sắc đỏ dữ dội tương phản với màu trắng xóa của tuyết. Ngôi đền này mới được xây dựng lại hai tháng trước thời điểm Hiroshige vẽ tranh, sau trận động đất năm 1855. Bầu trời chuyển từ màu trắng sang đen với nhiều sắc độ xám khác nhau, xen kẽ là những chấm trắng của bông tuyết.

Bản họa Xưởng gỗ ở Fukagawa cũng gây bất ngờ không kém với phong cảnh thiên nhiên được phủ trắng hoàn toàn trong tuyết, gợi lên một hình ảnh hoang vắng lạnh lẽo, tiếp tục được nhấn mạnh với những màu lạnh như bầu trời xám xịt và nước sông xanh đậm, càng khiến khung cảnh mang một vẻ đẹp băng giá. Dọc bờ sông, các kho chứa gỗ được đặt bên ngoài thành phố để ngăn chặn hỏa hoạn, nhất là ở Fukagawa, phía đông sông Sumida. Trong tranh, có thể thấy một số thanh gỗ cắt ngang khung cảnh theo đường chéo, từ bên phải và trái, kết hợp với sự quỹ đạo ngoằn ngoèo của dòng sông tạo cho hình ảnh một vẻ ngoài động trái ngược với sự tĩnh của cảnh vật đang chìm trong tuyết.

Cầu Bikuni trong tuyết (1857)

Cầu Bikuni trong tuyết (1857)

Atagoshita và đường Yabu (1857)

Atagoshita và đường Yabu (1857)

Atagoshita và đường Yabu là một bản họa khác trong đó tuyết đóng vai trò chính, bao phủ toàn bộ khung cảnh hiện lên. Khu phố Atagoshita nằm dưới chân núi Atagoyama, nhiều khuôn viên của các lãnh chúa phong kiến (daimyō) cũng được đặt tại đây. Từ phố Yabukōji, nằm bên phải một kênh nước, có thể thể trông thấy một cây tre cao (yabu), với những cành lá bị uốn cong dưới tuyết, bên trên là vài chú chim sẻ bay lượn. Tre và chim sẻ, biểu tượng cho sự gắn kết và an lành, và cũng là điềm báo của hạnh phúc. Khác với những khung cảnh tuyết trắng thường thấy, màu sắc trong bản họa này tạo được những tương phản nhất định, như màu xanh đậm của con kênh với màu xanh lục của cành tre, hay các tông đỏ hồng, trắng và xanh nhạt của bầu trời, xóa mờ đi cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông.

Cầu Bikuni trong tuyết vẽ cảnh một bầu trời đêm đông, tất cả phủ một màu trắng, chỉ có một người bán rong đang vội vã băng qua cầu. Cầu Bikuni nằm gần con hào của thành Edo, xung quanh đó là nhiều nhà thổ và quán ăn rẻ tiền. Phía bên trái có một tấm biển ghi chữ yama kujira (cá voi núi), uyển ngữ chỉ thịt lợn rừng bị cấm tiêu thụ vào thời điểm đó. Phía bên phải có mấy giỏ yakiimo, một loại khoai lang nướng nguyên củ được bày bán ngoài đường phố; có vị ngon hơn hạt dẻ. Tất cả toát lên một vẻ đẹp rất đỗi đơn sơ và bình dị, như khi ta đang lội tuyết mà đi giữa phố vắng tanh, thì chợt ngửi thấy mùi thịt nướng, khoai nướng thơm phức, như mùi của bếp nhà ta, như an ủi người lữ khách vừa đói vừa rét giữa mùa đông lạnh lẽo ảm đạm.

Mèo tuyết khổng lồ (Utagawa Kuniyoshi, 1847-50)

Mèo tuyết khổng lồ (Utagawa Kuniyoshi, 1847-50)

Mùa đông không chỉ được thể hiện qua những cảnh sắc buồn bã và cô độc, mà còn có những niềm vui trẻ thơ khi được nô đùa trên tuyết trắng. Những mệnh phụ cùng nhau đắp mèo tuyết cho hoàng tử, những em bé chân trần giữa mùa đông, vừa đùa nghịch vừa bốc tuyết ăn, những phu nhân quý phái dắt con đi dạo, những kỹ nữ yểu điệu yêu kiều... bất kể xuất thân, người giàu cũng như nghèo, đều khó cưỡng lại những cảm xúc nguyên sơ dâng lên trong lòng khi nhìn thấy tuyết trắng lấp lánh đầu mùa đông.

Những đứa trẻ nghịch tuyết (Suzuki Harunobu, 1770)

Những đứa trẻ nghịch tuyết (Suzuki Harunobu, 1770)

Thiếu phụ và các con giữa mùa đông (Kikugawa Eizan, 1810)

Thiếu phụ và các con giữa mùa đông (Kikugawa Eizan, 1810)

Kỹ nữ xem hai a hoàn đắp chó tuyết (Suzuki Harunobu, 1767-68)

Kỹ nữ xem hai a hoàn đắp chó tuyết (Suzuki Harunobu, 1767-68)

Ngày nay, nhắc đến ukiyo-e người ta thường nghĩ đến những bức tranh đầy màu sắc vẽ những phong cảnh, những điển tích của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, song kỳ thực ukiyo-e còn bao gồm những bức họa vẽ cảnh mùa đông. Dù không nhiều như những mùa khác, nhưng cảnh mùa đông trong ukiyo-e không hề đơn điệu mà vô cùng đa dạng, thể hiện đủ mọi sắc thái cuộc sống của người dân Nhật Bản dưới thời Edo, trên phông nền tinh tế của những ngôi đền Thần đạo, cảnh tịch liêu trên phố vắng người, hay tiếng cười rộn rã của những đứa trẻ nô đùa trên tuyết trắng.

Hương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES