Ngắm trăng thu trong tranh khắc gỗ Nhật

30/09/2020

Trong bầu không khí se lạnh của buổi tối mùa thu, mặt trăng phản chiếu lung linh trên mặt nước… Khung cảnh lãng mạn ấy dường như chẳng bao giờ thay đổi như chúng ta có thể thấy trong những bức tranh cổ từ hàng trăm năm trước.

Ánh trăng chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời đêm đã được các nghệ sĩ trên khắp thế giới mô tả trong nhiều thế kỷ. Vẻ đẹp huyền diệu mang đậm ý nghĩa tâm linh và triết học của ánh trăng đã khiến mọi người phải dừng lại ngắm nhìn và chiêm ngưỡng, qua đó mà các nghệ sĩ thể hiện ra những tác phẩm thi ca, hội họa lưu danh muôn thuở.

Bởi vậy, ánh trăng đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các bức tranh và những bản in khắc gỗ của dòng tranh ukiyo-e tại Nhật Bản nói riêng và hội họa các nước Đông Á nói chung.

Cây trúc, hoa mai và trăng (Cao Kỳ Bội)

Cây trúc, hoa mai và trăng (Cao Kỳ Bội)

Từ nhiều thế kỷ trước, hình ảnh tài tử giai nhân đang thưởng nguyệt đã trở thành chủ đề quen thuộc của hội họa Trung Quốc, đa số là trong các bức tranh phong cảnh. Mặt trăng thường được vẽ ở phía xa, nhỏ bé và lọt thỏm giữa các chi tiết khác của bức tranh, cùng một bài thơ mang ý nghĩa giải thích cho tác phẩm. Sự bao la của vạn vật trong tranh, khoảng cách xa vời giữa trăng và người là đặc điểm nổi bật của dòng tranh sơn thủy Trung Quốc, nhằm lột tả sự khiêm tốn của nhân vật ở giữa khung cảnh rộng lớn, cũng là để người xem tìm kiếm niềm an ủi trong sự tĩnh lặng, bình yên của không gian ngập tràn ánh trăng và chìm đắm trong suy nghĩ riêng của mình.

Trăng rằm và hoa mùa thu (Ogata Gekkō)

Trăng rằm và hoa mùa thu (Ogata Gekkō)

Trong khi đó, các bức tranh Nhật Bản thường diễn tả một vầng trăng khổng lồ bị nhánh liễu hoặc làn mây che khuất. Vị trí độc đáo của trăng trong tranh Nhật Bản bắt nguồn từ thần thoại cổ đại và tín ngưỡng Thần đạo, theo đó người Nhật cho rằng trên trời có ba vị thần là nữ thần mặt trời Amaterasu, nữ thần bão tố Susano-o và nữ thần mặt trăng Tsukuyomi, người cai trị ban đêm bằng sức mạnh vô biên. Do đó, người ta sẽ dễ dàng bắt gặp những bức tranh vẽ mặt trời và mặt trăng trong nhiều ngôi đền cổ ở Nhật Bản. Sau này, vào thời kỳ Kamakura (1185 - 1333), kịch Noh và vườn đá của Nhật Bản trở nên nổi tiếng. Nhiều người thường tổ chức các bữa tiệc ngắm trăng, uống rượu, làm thơ trong vườn nhà, khiến mặt trăng tiếp tục là chủ đề được yêu thích trong thi ca và hội họa.

Thỏ trông trăng (Utagawa Hiroshige)

Thỏ trông trăng (Utagawa Hiroshige)

Đến thời kỳ Edo (1603 - 1868), trào lưu tranh khắc gỗ ukiyo-e trở nên phổ biến khắp Nhật Bản và được sản xuất hàng loạt để sẵn sàng phục vụ cho mọi người. Trong những năm 1860, sự phổ biến của ukiyo-e bắt đầu tràn sang phương Tây, tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ và hình thành xu hướng Japonisme (chủ nghĩa Nhật Bản) trong giới họa sĩ phương Tây thuộc trường phái Ấn tượng như Vincent van Gogh, Edgar Degas và Claude Monet.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trăng thu trên sông Tama (Utagawa Hiroshige)

Trăng thu trên sông Tama (Utagawa Hiroshige)

Utagawa Hiroshige được coi là bậc thầy vĩ đại cuối cùng của ukiyo-e. Ông chủ yếu được biết đến với những bức tranh miêu tả thiên nhiên với phong cách bình lặng, đầy cảm xúc. Tác phẩm của ông mang nhiều nét tả thực, sử dụng màu sắc tinh tế và nặng về diễn tả tâm trạng. Sương mù, mưa, tuyết và ánh trăng là những chủ đề nổi bật trong tranh của ông.

Trăng thu trên đồi Atago (Keisai Eisen)

Trăng thu trên đồi Atago (Keisai Eisen)

Trong khi đó, các tác phẩm của Keisai Eisen lại chủ yếu tập trung vào bijin-ga (mỹ nhân họa) diễn tả những phụ nữ xinh đẹp trong thế giới lạc thú của nhà hát kabuki, kỹ nữ hạng sang và geisha của những khu lầu xanh. Có lẽ đó là lý do tại sao ông được coi là bậc thầy của Kỷ nguyên Bunsei "suy đồi", kéo dài khoảng từ năm 1818 đến năm 1830. Giữa khung cảnh đầy mê đắm đó, mặt trăng trong tranh Eisen hiện lên vẫn tròn đầy, viên mãn, sáng vằng vặc đầy bình thản.

Trăng thu trên sông Sumida (Toyohara Chikanobu)

Trăng thu trên sông Sumida (Toyohara Chikanobu)

Toyohara Chikanobu, thường được biết đến với nghệ danh Yōshū Chikanobu, là một họa sĩ trong thời kỳ Minh Trị. Ông vốn là một quân nhân, nhưng tranh của ông lại tán dương tinh thần hưởng thụ lạc thú, với những tài tử giai nhân cùng ngắm trăng, ngắm tuyết, ngắm hoa anh đào, lá phong, ca hát, uống rượu và giải sầu trong thế giới nổi trôi, không quan tâm viễn cảnh đói nghèo sắp xảy đến, sôi nổi và vô tư. Có thể thấy, các tác phẩm của ông pha trộn cả những dấu ấn phương Tây, ghi lại thời kỳ hỗn loạn của Nhật Bản trước khi bước sang giai đoạn hiện đại của Minh Trị, khi mặt trăng không còn là một khối tròn vành vạnh mà trở thành một tầng ánh sáng mờ ảo dịu dàng.

Trăng thu ở Tamagawa, hai thuyền câu cá đêm (Utagawa Toyokuni II)

Trăng thu ở Tamagawa, hai thuyền câu cá đêm (Utagawa Toyokuni II)

Utagawa Toyokuni II là học trò, con nuôi và sau đó là con rể của Toyokuni I. Cũng như người thầy của mình, phong cách của ông nổi bật với việc áp dụng sâu sắc kỹ thuật phối cảnh theo phong cách phương Tây, điều này được coi là một sự đổi mới trong giới nghệ thuật Nhật Bản. Tranh của ông táo bạo và gợi cảm hơn người đi trước, dù là tranh phong cảnh hay tranh nghệ sĩ kịch kabuki, tranh chiến binh hay tranh về những giai thoại trong truyền thuyết. Không e lệ và kín đáo, im lặng làm nền cho cảnh vật, mặt trăng trong bức tranh Trăng thu ở Tamagawa của ông tròn trịa và trắng nõn nà hòa cùng tuyết trên đỉnh núi, soi rõ bóng thuyền câu cá đêm trên dòng sông êm ả.

Mặt trăng và hoa đậu (Suzuki Kiitsu) - tranh trên cửa trượt

Mặt trăng và hoa đậu (Suzuki Kiitsu) - tranh trên cửa trượt

Vào thế kỷ XVII, các họa sĩ lớn của Nhật Bản như Honami Kōetsu và Tawaraya Sotatsu đã thành lập trường Rinpa, dạy vẽ tranh theo phong cách truyền thống yamato-e thời Heian, với các yếu tố từ tranh thủy mặc Muromachi, tranh hoa và chim thời nhà Minh của Trung Quốc, cũng như trường phái Kanō thời Momoyama. Các họa sĩ Rinpa vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, từ những tấm bình phong, quạt và tranh cuộn, sách in khắc gỗ, đồ sơn mài, đồ gốm và áo kimono. Nhiều bức tranh Rinpa đã được vẽ trên cửa trượt và tường của những gia tộc quyền quý. Trường Rinpa cũng rất nổi tiếng với các bức tranh nửa vầng trăng. Các bức tranh nửa vầng trăng của trường Rinpa đã lan rộng khắp Nhật Bản, có thể được tìm thấy trên trang phục và nhiều mặt hàng thủ công thời Edo.

Một số bức tranh trong loạt tác phẩm Trăm vẻ mặt trăng (1885 -1892) của Yoshitoshi

Một số bức tranh trong loạt tác phẩm Trăm vẻ mặt trăng (1885 -1892) của Yoshitoshi

Nhưng có lẽ loạt tranh ukiyo-e nổi tiếng nhất về mặt trăng là Trăm vẻ mặt trăng của danh họa Tsukioka Yoshitoshi, lấy cảm hứng từ 100 điển tích nổi tiếng của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, tất cả đều có sự xuất hiện của một vầng trăng tròn.

Trăng hạ ở Miyajima (Tsuchiya Koitsu) được vẽ theo phong cách shin-hanga

Trăng hạ ở Miyajima (Tsuchiya Koitsu) được vẽ theo phong cách shin-hanga

Vào cuối thế kỷ XIX, sự ảnh hưởng của ukiyo-e ở Nhật Bản suy yếu dần khi đất nước này bước vào thời kỳ Minh Trị. Nghệ thuật mang phong cách phương Tây bắt đầu được phổ biến với sự xuất hiện của nhiều danh họa theo phong cách Ấn tượng và Hiện đại. Đến thế kỷ XX, dòng tranh ukiyo-e đã trải qua cuộc phục hưng khi được kết hợp với trường phái Ấn tượng và hình thành nên phong trào shin-hanga (tân bản họa).

Mặt trăng trong anime Sailor Moon

Mặt trăng trong anime Sailor Moon

Mặc dù đã có nhiều biến động và thay đổi liên tục trong các phong trào nghệ thuật, nhưng ánh trăng chưa bao giờ mất đi trong các tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản. Ánh trăng vẫn mang một vẻ đẹp truyền thống, nhưng đã dần có sự thích nghi với phong cách hiện đại. Ánh trăng cũng đã xuất hiện trong các phim anime và truyện tranh manga hiện đại, được vẽ rõ nét đằng sau những dải mây vần vũ hoặc những cánh hoa anh đào bay trong gió.

Trăng mọc trên sông Katase (Kasamatsu Shiro)

Trăng mọc trên sông Katase (Kasamatsu Shiro)

Và khi các họa sĩ phương Tây khám phá ra hình tượng mặt trăng trong dòng tranh ukiyo-e, họ cũng đã mang đến một cái nhìn mới cho mặt trăng. Các bức tranh vẽ trăng đó không chỉ đơn thuần là trăng, mà chính là tâm tư, tình cảm của bao thế hệ họa sĩ Đông và Tây trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.

Hương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES